Dự án chia lô đất ở phường Quỳnh Phương (Nghệ An): Cần xem xét giải quyết thỏa đáng quyền lợi người dân
- 15:53 25-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khu đất ông Hương, bà Cần nằm trong diện thu hồi DA phân lô đất ở |
Một thửa đất, 2 nguồn gốc?
Trước đó, UBND phường Quỳnh Phương đã có tờ trình số 71/TTr-UBND ngày 01/12/2017 gửi UBND thị xã Hoàng Mai, về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng chia lô đất ở dân cư tại phường Quỳnh Phương. Căn cứ vào tờ trình trên, ngày 23/12/2017, phòng Quản lý đô thị đã có báo cáo thẩm định số 240/BCTĐ-QLĐT trình UBND thị xã.
Ngày 26/12/2017, UBND thị xã Hoàng Mai ban hành quyết định số 1391/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng chia lô đất ở dân cư tại khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương. Chủ đầu tư dự án là UBND phường Quỳnh Phương. Vị trí Ao Tân Hải, khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương, diện tích khảo sát 2.117m2. Được biết, khu đất này sẽ chia thành 8 lô đất để bán đấu giá.
Tuy nhiên, việc phê duyệt dự án trên đã vấp phải sự phản đối từ các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất để GPMB.
Cụ thể, khu đất này do gia đình ông Đặng Xuân Hương và bà Bùi Thị Cần (68 tuổi) đang sử dụng.
Ông Đặng Xuân Hương (SN 1939, trú tại khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương) trình bày, gia đình ông đang sinh sống ổn định trên thửa đất khoảng 1.800m2 có nguồn gốc khai hoang đất mặt nước, bãi bồi nằm ngoài đê từ năm 1989. Thời điểm đó, ông có xin phép khai hoang và được Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Phương giai đoạn 1986-1990 đồng ý (có văn bản xác nhận).
Năm 2011, gia đình ông tiến hành xây dựng móng nhà trên thửa đất trên thì bị UBND phường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, lý do gia đình ông lấn chiếm đất thuộc quy hoạch khu vực hậu cần nghề cá.
Không đồng tình việc bị cưỡng chế, ông Hương làm đơn tố cáo Chủ tịch phường. Sau đó, UBND thị xã Hoàng Mai đã thanh tra và ban hành kết luận số 269/KL-UBND ngày 21/10/2013.
Kết luận khẳng định, thửa đất ông Hương sử dụng có nguồn gốc là đất do UBND phường quản lý, sử dụng xây dựng lò vôi và việc lập biên bản vi phạm, tháo dỡ công trình vi phạm của UBND phường là đúng?!
Tuy nhiên ông Hương cho rằng, phần đất ông đang sử dụng không phải là diện tích lò vôi, theo như kết luận giải quyết đơn thư tố cáo của UBND thị xã Hoàng Mai. Điều đáng nói, UBND phường cũng căn cứ vào nội dung kết luận này để tiến hành các bước thực hiện dự án chia lô đất ở dân cư tại khối Tân Hải (vị trí khu vực ao Tân Hải).
“Thực tế diện tích này nằm tiếp giáp vị trí lò vôi cũ mà tôi có hợp đồng đốt vôi vào năm 1987. Năm 1989, tôi đã xin phép khai hoang và được lãnh đạo xã đồng ý. Hơn nữa, phần diện tích đất lò vôi đến nay đã được bồi lấp, sử dụng và đã được cấp Giấy CNQSD đất cho nhiều hộ dân sinh sống tại đó”, ông Hương luận giải.
“Một điểm nữa là khu lò vôi không được thể hiện trên hồ sơ địa chính lưu tại UBND phường qua các thời kỳ. Khi chúng tôi đề nghị cung cấp, xác định chính xác vị trí, diện tích thì UBND phường không đưa ra được căn cứ chứng minh. Bởi vậy, kết luận của UBND thị xã Hoàng Mai, UBND phường Quỳnh Phương là không đủ cơ sở”, ông Hương trình bày.
Theo ông Hương, năm 1989 được nguyên lãnh đạo xã đồng ý cho khai hoang |
Bà Bùi Thị Cần (68 tuổi, trú tại khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương) nằm trong diện bị thu hồi đất cho biết, gia đình bà đã bồi lấp, khai hoang phục hóa khu đất mặt nước, bãi bồi nằm ngoài đê cùng thời điểm năm 1989, tiếp giáp với gia đình ông Hương và không nằm trong khu diện tích khu lò vôi.
Bà Cần bức xúc nói: “Qua nhiều lần liên hệ, phường chỉ trả lời gia đình tôi rằng “...căn cứ vào hồ sơ lưu trữ tại UBND xã và lịch sử thửa đất thì do UBND xã quản lý..” mà không đưa ra được các dẫn chứng cụ thể chứng minh. Việc kết luận này tôi cho rằng là thiếu cơ sở, không rõ ràng, thiếu thuyết phục, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích chính đáng của gia đình tôi”.
Trao đổi với phóng viên về 2 trường hợp trên, ông Hồ Xuân Hường - Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương cho biết: “Sau khi tiếp nhận đơn của các hộ dân, phường đã mời họ lên làm việc. Việc thực hiện dự án thì có chủ trương, phường có giải thích, thông báo thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện phường đang lên công tác kiểm kê, kiểm đếm và tiếp đến là GPMB. Theo dự kiến GPMB trong năm 2018”, ông Hường khẳng định.
Thông tin về nguồn gốc 2 thửa đất do gia đình ông Hương và bà Cần đang sử dụng, ông Hùng Anh - Cán bộ địa chính phường thì cho biết: “Trước đây khu này là ven sông suối nó tạo ra cái ao và bị san lấp. Trong hồ sơ từ trước tới nay đất này là do UB quản lý, và đây là đất 5%. Thời điểm ông Hương và bà Cần có tiến hành xây dựng và bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ. Ông Hương đã từng có khiếu nại, tố cáo và sau đó đã có kết luận thanh tra và chúng tôi theo kết luận của thanh tra để thực hiện”.
Điều đáng nói, ông Hùng Anh cũng khẳng định: “cái ao đó (khu đất ông Hương đang sử dụng diện bị thu hồi-PV) là riêng biệt, hoàn toàn không liên quan đến lò vôi”. Điều này hoàn toàn trái ngược với nội dung trong kết luận số 269/KL-UBND của UBND thị xã Hoàng Mai.
Lý giải về việc các hộ xung quanh cùng khu đất trước đây khai hoang, nhưng chỉ có gia đình bà Cần và ông Hương bị thu hồi, ông Hùng Anh cho biết: “Diện tích đất trên là hai hộ lấn chiếm. Hai hộ ông Hương và Cần có nhà giáp cái ao (ao ở vị trí ở giữa, 2 bên ông Hương và bà Cần đã xây nhà) còn các nhà khác đã quây tường bao không liên quan đến cái ao đó nên không thu hồi”.
Cần xem xét, giải quyết thỏa đáng
Theo Luật sư Lương Thành Đạt (Giám đốc Công ty Luật Ltdkingdom) phân tích: theo thông tin mà gia đình ông Hương, bà Cần cung cấp, đối chiếu theo quy định pháp luật Đất đai qua các thời kỳ, thì việc UBND phường cho rằng gia đình ông Hương, bà Cần, sử dụng, xây dựng lấn chiếm trái phép đất thuộc quản lý của UBND phường là chưa đủ sức thuyết phục, một số vấn đề còn mâu thuẫn (về việc xác định nguồn gốc 2 thửa đất).
Ngoài ra, Nhà nước luôn khuyến khích việc khai hoang, phục hóa, cải tạo, bồi lấp, mở rộng diện tích sản xuất. Chính sách đất đai qua các thời kỳ, ở thời điểm đó Luật Đất đai 1987 đang có hiệu lực luôn khuyến khích việc người dân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn...vào công cuộc khai hoang, vỡ hóa, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp.
Việc gia đình ông Hương làm là hoàn toàn đúng với chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, hơn nữa còn được sự cho phép của UBND xã Quỳnh Phương thời điểm đó (theo xác nhận của nguyên lãnh đạo xã Quỳnh Phương). Những cán bộ phụ trách quản lý cũng như các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét chính sách của thời kỳ trên để đối chiếu, giải quyết.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất của gia đình ông Hương, bà Cần đủ điều kiện xem xét cấp giấy CNQSD đất và xem xét bồi thường về đất và tài sản trên đất khi thu hồi đất theo quy định pháp luật.
Cụ thể: Luật Đất đai 2013 có quy định về các trường hợp được cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong đó áp dụng đối với cả các trường hợp chưa được cấp giấy CNQSD đất như đủ điều kiện cấp giấy CNQSD đất vẫn được xem xét hưởng mức bồi thường theo quy định (Khoản 1, Điều 75, Luật Đất đai 2013).
Cấp giấy CNQSD đất được quy định tại Mục 2, Luật Đất đai 2013 qua các điều 97; 98; 99; 100; 101. Đối chiếu với trường hợp của gia đình ông Hương sử dụng đất khai hoang, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, Khoản 2, Điều 102 Luật Đất Đai 2013 có quy định: “2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cần phải hiểu đúng quy định pháp luật trong trường hợp này là việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thời điểm sử dụng đất, việc sử dụng ổn định đất, phù hợp quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng trước thời điểm phê duyệt quy hoạch thì được xem xét công nhận QSD đất.
“Chúng ta thấy rằng người dân hơn 20 năm sử dụng liên tục, không tranh chấp, sử dụng trước thời điểm 15/10/1993, không vi phạm quy hoạch vì thời điểm họ sử dụng đất thửa đất này không có quy hoạch, do vậy đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật. Bởi vậy, UBND cấp phường nơi có đất phải có trách nhiệm xem xét, ghi nhận thời điểm sử dụng đất, việc sử dụng đất ổn định, để công nhận QSD đất cho người dân theo như các căn cứ nêu trên”, Luật sư Đạt nhấn mạnh.