Mẹ chồng sắp sang thế giới bên kia gửi thư xin lỗi con dâu khiến người đọc cay sống mũi
- 08:30 25-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn luôn được xem là mối quan hệ phức tạp và căng thẳng. Giữa hai người phụ nữ cùng dành sự yêu thương cho một người đàn ông này luôn tồn tại những rào cản vô hình khiến họ trở nên khó xích lại gần nhau.
Ngày nay, mối quan hệ này vốn đã có nhiều cải thiện xong vẫn là chủ đề chưa bao giờ hết nóng. Mới đây, chị Hoàng Mai (Hà Nội) đã chia sẻ về một bức thư mẹ chồng gửi con dâu khiến người đọc ai cũng cay cay nơi khóe mắt.
“Bác ấy là mẹ chồng một đứa em mình quen. Sau khi mắc trọng bệnh phải nằm viện được con dâu hết lòng chăm sóc, bác ấy mới nhận ra tấm lòng của con dâu và cách hành xử của mình thời gian qua. Người con trai khi đọc được những dòng này đã khóc rất nhiều, còn đứa em mình chỉ im lặng không nói gì. Cô ấy nói vì những lời dặn của mẹ đẻ nên cô ấy sẽ luôn kính trọng, cam chịu và nhẫn nhịn với mẹ chồng”, chị Mai Hoàng xúc động kể lại.
Bức thư mẹ chồng gửi xin lỗi con dâu khiến người đọc cay cay khóe mắt |
Được biết bức thư được viết cách đây 4 năm và là những cảm xúc tận đáy lòng của người mẹ chồng khi đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Bà đã khóc rất nhiều khi viết ra những dòng tâm thư cũng là lời xin lỗi muộn màng này.
Xin phép trích nguyên văn bức thư mẹ chồng gửi xin lỗi con dâu:
“Mẹ xin lỗi con, con dâu.
Hôm nay, tròn 1 năm con gái mẹ đi làm dâu, thay vì viết cho con gái nay đã là con nhà người, mẹ viết cho con, đứa con dâu đã chung sống dưới một mái nhà với mẹ 5 năm có lẻ.
Mẹ không biết phải bắt đầu từ đâu, nhưng điều ám ảnh mẹ nhất là điều diễn ra ở đám cưới con gái mẹ cách nay 365 ngày. Hôm ấy, mẹ như bắt gặp lại hình ảnh của chính mình trong cái bắt tay hờ hững và ánh mắt soi mói của bà thông gia khi nắm tay con gái mẹ. Ánh mắt ấy, động tác ấy, mẹ đã dành cho con ngày con chính thức về làm dâu họ Đặng này.
Chắc con sẽ nghĩ, sao phải đến 5 năm mẹ mới viết được những dòng chữ này, mới ngộ ra những điều này. Ấy là bởi vì mẹ đã có con gái đi làm dâu. Mỗi khi con gái gọi điện ấm ức than phiền về nhà chồng, mẹ chồng, về áp lực của lễ nghi, mẹ lại thầm nhủ:
Mẹ xin lỗi con, con dâu.
Ánh mắt ấy, động tác ấy, mẹ đã dành cho con ngày con chính thức về làm dâu họ Đặng này. (Ảnh minh họa) |
Mỗi đêm nghĩ về những ngày tháng đã qua, khi mẹ thấy hình ảnh con trai mẹ đi tập thể dục buổi sáng về lại xách theo hai ba mớ rau, lạng thịt. Hình ảnh ấy đã từng khiến máu mẹ cứ sôi lên.
Khi ấy, mẹ không còn đủ sáng suốt để nhìn thấy con ở tất tả phía sau đó với đứa con nhỏ ngái ngủ, bữa sáng cho bố chồng mắc bệnh tiểu đường và rất nhiều những thứ chu tất cho một ngày của đại gia đình có ba thế hệ.
Cũng chính mẹ, đã không ít lần nói những điều bóng gió xa xôi khi bà thông gia tới thăm nhà. Bà ấy đến từ xa, mộc mạc, hiền lành, giản dị với những món quà quê.
Mẹ đã không thể kìm sự miễn cưỡng khi ngồi cùng mâm với bà ấy, lại càng khó chấp nhận khi thấy con hớn hở, chuẩn bị những bữa ăn tươm tất hơn khi có “khách đến thăm nhà”. Con đã làm cho hình ảnh Đặng gia này tốt đẹp hơn trong mắt mọi người, còn mẹ, khi ấy chỉ nhìn thấy được sự ưu ái của con dành cho người mẹ ruột.
Mẹ xin lỗi con, con dâu.
Mẹ không sinh con ra, theo dõi con lớn lên từng ngày, cũng chưa từng một đêm mất ngủ vì con nhưng với con trai mẹ thì thật khó đong đếm hết chuỗi ngày mẹ nuôi nó khôn lớn trưởng thành. Thế nhưng, mẹ không thể đồng cảm với con bởi con khiến con trai mẹ phải thức đêm khi cháu nội mẹ sốt cả tuần.
Khi ấy không ai nhắc mẹ một lời, rằng mẹ cũng đã từng làm mẹ, sao không hiểu cho con. Giờ đây, khi nhìn con rể nhắc con gái đi ngủ để giữ sức có sữa cho con bú, lòng mẹ như thắt lại. Bất giác, mẹ lén nhìn bà thông gia, hơn một lần mẹ bắt gặp lại cái nhìn thiếu thiện cảm bà ấy dành cho con gái mẹ.
Mẹ xin lỗi con, con dâu.
Mẹ đã không nhìn thấy con ở tất tả phía sau đó với đứa con nhỏ ngái ngủ, bữa sáng cho bố chồng mắc bệnh tiểu đường ... (Ảnh minh họa) |
Nhìn con gái loay hoay khi định mua chiếc áo mới, mẹ biết nó có thể mua nhiều hơn thế, nhưng buổi sáng với chiếc áo mới sẽ diễn ra thế nào, đó là điều khiến nó ngập ngừng. Mẹ cũng không thích con mặc áo mới đâu, đàn bà đã có chồng con phải biết hy sinh cho gia đình.
Mẹ đã từng nói với con như thế, chắc con chẳng quên đâu, phải không con dâu? Mẹ cũng đã giấu niềm vui, tỏ vẻ dửng dưng và buông lửng hai từ “vẽ chuyện” khi con mua tặng cho em chồng – là con gái mẹ những món quà ưng ý. Điều này, giờ mẹ cũng thấm bởi con gái mẹ chẳng có đứa em chồng nào – cơ hội ghi điểm ở mục này của nó là bằng không.
Mẹ nhận ra rồi, con dâu.
Bao năm con vừa đi làm, vừa sinh con, vừa một tay chèo chống gia đình, mẹ không thể nhìn thấy được bởi trước mắt mẹ luôn là những tháng ngày gian khó của cuộc đời làm dâu những thập kỷ 60, 70. Con có thấm gì đâu…
Mỗi khi bạn đồng nghiệp của con đến chơi nhà, gấm hoa rực rỡ, mẹ chỉ thấy một sự loè loẹt và con dâu mẹ nổi bật bởi sự giản dị, nhẹ nhàng. Với mẹ, đó còn là niềm hãnh diện, như một chiếc bóng lớn phủ xuống đời con. Mẹ cũng không bao giờ có thể ngộ ra được điều này, nếu không có một chiều bắt gặp ánh mắt tiếc nuối của con gái mẹ trước cửa hàng thời trang trên phố.
Quá muộn để làm lại, phải không con dâu?
Biết bao chuyện đã qua giờ trở lại từng ngày với mẹ như một cuốn phim quay chậm. Mẹ không thể đặt mình và bà thông gia mới lên bàn cân, để xem ai làm mẹ chồng đáo để hơn ai. Mẹ chỉ muốn tĩnh tâm nghĩ về bà thông gia trước của mình.
Đã có lần, mẹ lén nghe chuyện của con và mẹ đẻ. Bà ấy khuyên con cố gắng chăm chỉ, hết lòng với nhà chồng. Người đàn bà chân quê ấy dặn con: “Con muốn họ đối với con thế nào thì hãy đối với họ như thế”. Sâu sắc là vậy mà khi ấy, mẹ chỉ xem là chuyện tầm thường. “Nhà quê mà bày đặt chữ nghĩa”.
Con đã khóc với mẹ đẻ, khi ấy mẹ vô cùng giận, con khổ sở hay uất ức gì mà khóc lóc, mẹ đã toan đẩy cửa vào trách mắng con ngay khi ấy. Giờ, từng giọt nước mắt của con gái như xát muối vào da thịt mẹ, mẹ đau hai lần.
Mẹ xin lỗi con, con dâu.
5 lần con số 365 ngày con ở bên mẹ, biết bao gánh nặng tinh thần mẹ đã vô tình và cả cố ý đặt lên vai con. Nếu đạo Phật coi đây là thử thách, thì xem như mẹ đã lạm dụng quá rồi.
Mẹ đã làm tổn thương con, tổn thương chính con trai yêu quý của mình. Giờ nói gì cũng là quá muộn, bởi những ngày tháng còn sống trên dương thế của mẹ chỉ còn tính bằng ngày, mẹ không còn kịp thời gian để đền đáp cho những thử thách mà mẹ đã áp cho con.
Nhưng sẽ là không muộn, khi con rồi sẽ trở thành mẹ chồng và con gái mẹ rồi sẽ là mẹ vợ. Các con hãy nhớ những điều mẹ để lại hôm nay. Lời sám hối muộn màng của mẹ sẽ được các đấng anh minh chứng giám.
Họ cũng chính là những đấng minh anh đã chứng kiến con từng bước vượt qua những thử thách của cuộc đời đi làm dâu. Con dâu mẹ, rồi con sẽ được an nhiên và bình an trên cõi đời này, bởi những thử thách gian truân còn lại của đời con, mẹ đã xin các đấng tối cao chuyển lên vai mẹ.
Mẹ xin lỗi con, con dâu.”
Bức thư đã khiến người đọc ai ai cũng không khỏi xúc động. Sau tất cả, người mẹ chồng đã nhận ra tấm lòng của cô con dâu, chỉ tiếc là khi đó, bà đã không còn sống được bao lâu nữa.
|
Bình luận của bạn đọc sau khi đọc bức thư trên
“Bức thư cảm động quá! Giá như bác ấy hiểu được con dâu sớm hơn thì có lẽ hai người họ đã có mối quan hệ khiến nhiều người ghen tị”.
“Đáng tiếc một điều người ta thường nhận ra giá trị của những điều ngay xung quanh khi đã sắp mất đi. Mong là sau bức thư này, nhiều mẹ chồng, nàng dâu sẽ hiểu ra được để có cách ứng xử phù hợp hơn trong mối quan hệ vốn nhạy cảm này”.