Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hai cô gái hoảng hốt nhờ phó nháy chụp ảnh giữa đêm

Khi nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp gần khu vực đường tàu, bất ngờ hai cô gái trẻ chạy đến và cầu cứu...

Màn đêm buông xuống là lúc nhiếp ảnh gia Phạm Tân (SN 1983, quê Nam Định) khoác chiếc túi đồ nghề lỉnh kỉnh ống kính lên vai, lang thang khắp các nẻo đường.

 Nhiếp ảnh gia Phạm Tân (SN 1983, quê Nam Định) trong một lần tác nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh hòa lẫn vào dòng người trên phố, liên tục đưa mắt quan sát và bấm máy chụp. Cứ như vậy, hành trình xuyên đêm của anh chỉ kết thúc vào sáng sớm.

Phạm Tân chia sẻ, mình tốt nghiệp ngành quay phim nhưng nhiếp ảnh mới là niềm đam mê của anh.

 "Gánh hàng hoa trong cơn mưa" được Phạm Tân chụp vào Tết Nguyên đán 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đề tài anh lựa chọn là những vấn đề gai góc của cuộc sống hay đôi khi là những cảnh sinh hoạt đời thường của người lao động nghèo…

 Nhân vật trong các bức ảnh của Phạm Tân thường là những lao động nghèo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bởi vậy khá nhiều bức ảnh của anh được thực hiện khi đường phố đã lên đèn - khoảng thời gian người ta tìm về chỗ nương náu, sau ngày dài bươn chải nhọc nhằn.

 Anh chia sẻ, cuộc sống của lao động nghèo rất thầm lặng nhưng có vẻ đẹp riêng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Những bộ ảnh đó hoàn toàn tự nhiên, không có sự sắp đặt, không báo trước. Cuộc sống của lao động nghèo rất thầm lặng, nhọc nhằn, ít ai để ý đến nhưng nó có vẻ đẹp riêng khi lên ảnh” - anh cho hay.

Với nhiếp ảnh gia này, dường như cuộc sống thường nhật chính là kho đề tài phong phú, truyền cảm hứng cho anh thỏa sức sáng tác.

 Cuộc sống thường nhật chính là kho đề tài phong phú, truyền cảm hứng cho anh thỏa sức sáng tác. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh chia sẻ thêm, cuộc sống về đêm cũng nhộn nhịp không kém ban ngày. Đôi khi có những chuyện đời chỉ nhiếp ảnh lang thang mới chứng kiến được.

Như câu chuyện của Tuấn (SN 1985), đồng nghiệp của của anh Tân, gặp phải cách đây một năm là điển hình. Chuyện xảy ra vào khoảng hơn 11 giờ đêm, Tuấn đang chụp ở khu vực ngõ hẻm, gần một đường tàu ở Hà Nội.

Nhiếp ảnh gia này tạt vào quán cà phê ven đường, bất ngờ hai cô gái với trang phục hở hang, khuôn mặt trang điểm đậm hớt hải chạy đến kêu cứu. "Chúng em bị công an truy quét", họ nói.

Hai cô gái khẩn khoản nhờ nhiếp ảnh đứng lên giả vờ chụp hình cho mình, để khỏi bị phát hiện và đưa về phường xử lý. Hai cô gái run rẩy, đầu gối xây xát vì bị ngã khi chạy khỏi nhà nghỉ. Dưới ánh đèn đêm, khuôn mặt của họ đầy hoảng sợ.

Tuấn rất bất ngờ trước lời đề nghị đặc biệt đó nhưng theo thói quen anh vẫn giơ máy lên chụp. Đó cũng là lần duy nhất Tuấn chụp các cô gái bán hoa.

Vài giờ sau, khi mọi thứ đã yên ắng, hai cô gái mới lên một chiếc taxi gần đó rời đi.

Ngoài những bộ ảnh chụp ở Hà Nội, Phạm Tân cho hay anh cũng đi nhiều tỉnh ở Tây Bắc, ghi lại hình ảnh cuộc sống của người dân bản địa nơi mình đặt chân đến. Mỗi chuyến đi mang lại cho anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

 Bức ảnh "Sum vầy" được nhiếp ảnh gia Phạm Tân thực hiện trong chuyến lên Tây Bắc làm từ thiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Trong lần theo đoàn chuyên gia lên Hòa Bình xây nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc thiểu số bị mất nhà cửa sau trận lũ quét, tôi thấy hoàn cảnh của họ vô cùng đáng thương. Nhưng trên khuôn mặt ai cũng nở nụ cười lạc quan” - Nhiếp ảnh gia Phạm Tân kể.

Cũng dịp này anh gặp đôi vợ chồng sống cùng người con gái khuyết tật. Ba mảnh đời đó nương tựa vào nhau trong căn nhà ọp ẹp. Nhưng căn nhà dột nát đó - thứ tài sản giá trị duy nhất trong gia đình cũng bị lũ cuốn trôi.

Giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn như vậy cặp vợ chồng này vẫn dành cho nhau những cử chỉ chăm sóc vô cùng tình cảm.

Người chồng cho biết, ông không bao giờ muốn để vợ một mình. Ông chỉ lo sợ một ngày mình già yếu và mất đi, ai sẽ thay ông chăm sóc vợ và cô con gái đáng thương.

Câu chuyện tình yêu của họ được Phạm Tân ghi lại như nguồn cảm hứng, tiếp lửa cho anh và các cộng sự tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.

Khi tôi hỏi về việc chụp ảnh nude, lĩnh vực được cho là nhạy cảm của nghệ thuật nhiếp ảnh, anh trải lòng: “Ranh giới giữa nghệ thuật và sự dung tục của việc chụp ảnh nude là rất mong manh. Khi nhìn nhận một tác phẩm nude, mỗi người sẽ có một góc nhìn riêng. Người này nói tục nhưng người kia lại thấy đẹp".

Anh cho biết, một đồng nghiệp trẻ khác của mình từng rơi vào tình thế khó xử khi được mời đến chụp ảnh nghệ thuật. Nhiếp ảnh gia đó không theo trường phái chụp nude mà chỉ chụp ảnh cưới, sự kiện thời trang….

Ban đầu ekip thỏa thuận mời nhiếp ảnh gia chụp bộ ảnh thời trang. Thế nhưng khi chuẩn bị bấm máy, cô người mẫu bất ngờ trút bỏ xiêm y. Sau một vài phút ngỡ ngàng, nhiếp ảnh gia này quyết định dừng hợp đồng chụp vì nội dung không giống trong hợp đồng.

“Chụp ảnh nude không phải ai cũng thích chụp và chụp đẹp được. Theo quan điểm cá nhân, nhiếp ảnh gia chụp nude khi sáng tạo tác phẩm phải thực sự gạt bỏ được những tạp niệm thì những bức hình đó mới trở thành tuyệt tác nghệ thuật” - nhiếp ảnh gia sinh năm 1983 nhấn mạnh.