Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sẽ xây dựng 6 trạm y tế thành mô hình điểm

Trong phiên họp thường kỳ tháng 5/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua 2 đề án quan trọng về công tác y tế liên quan đến việc xây dựng mô hình điểm trạm y tế và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

 Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An trình bày 2 đề án. Ảnh: Thành Chung

Xây dựng 6 trạm y tế thành mô hình điểm

Đề án “Triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 6 trạm y tế xã trên địa bàn huyện Nam Đàn, giai đoạn 2018 - 2020” được xây dựng là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.

Đề án nhằm nâng cao năng lực hoạt động y tế dự phòng, khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe người dân, dân số và an toàn thực phẩm theo nguyên lý y học gia đình tại 6 xã. Từ đó, tạo cơ sở để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

6 trạm y tế xã được lựa chọn xây dựng là Kim Liên, Khánh Sơn, Nam Lộc, Nam Cát, Nam Thái và Vân Diên. Việc lựa chọn 6 xã của huyện Nam Đàn cũng phù hợp với các tiêu chí ban hành theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, giai đoạn 2018 - 2020. Dự kiến kinh phí để thực hiện đề án là gần 4,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là gần 1,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là gần 2,5 tỷ đồng.

 Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, người dân sẽ được quản lý và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ảnh: Thành Chung

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2018, tất cả viên chức làm việc tại 6 trạm y tế xã được đào tạo, tập huấn chuyên môn theo nguyên lý y học gia đình; 100% trạm y tế xã trong phạm vi Đề án triển khai phần mềm quản lý sức khỏe, trong đó có 90% người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe

Đến hết năm 2019, 6 trạm y tế được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về y tế dự phòng, khám chữa bệnh, dân số và an toàn thực phẩm; thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Đến hết năm 2020, trên 85% người dân tại 6 xã được quản lý sức khỏe; 90% danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh theo gói dịch vụ y tế cơ bản được bảo hiểm y tế chi trả tại 6 trạm y tế xã thuộc phạm vi Đề án.

Đến 2030, giảm 36,8% biên chế sự nghiệp y tế

Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo” được xây dựng xuất phát từ yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có lĩnh vực y tế.

 Giai đoạn 2019-2021, ngành y tế sẽ hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ y tế theo quy định. Ảnh: Thành Chung

Thời gian qua, ngành y tế Nghệ An đã tích cực thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Năm 2015, Sở Y tế có 62 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, có 10.545 biên chế. Đến tháng 4/2018, Sở đã sắp xếp lại còn có 51 đơn vị, giảm 4.636 biên chế, còn 6.307 biên chế.

Mục tiêu của đề án: Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, giảm 5 Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và giảm 1 Ban quản lý xây dựng các công trình y tế; giải thể 8 phòng khám Đa khoa khu vực; sát nhập 21 Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện vào Trung tâm y tế huyện; sát nhập Trung tâm Tư vấn Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gắn y tế học đường vào trạm y tế xã, phường, thị trấn.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí thông qua 2 đề án và đề nghị Sở Y tế hoàn thiện để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Chung

Về biên chế, đội ngũ công chức, viên chức: Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, phấn đấu giảm tối thiểu 16,8% biên chế sự nghiệp y tế hưởng lương từ ngân sách; giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 và giai đoạn 2026 đến năm 2030 tiếp tục giảm 20% biên chế sự nghiệp.

Về tài chính: Từ năm 2019 - 2021, hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ y tế theo quy định; phấn đấu có 4 bệnh viện (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa Đô Lương, Bệnh viện Tâm thần) tự đảm bảo chi thường xuyên; có 2 - 3 Trung tâm Y tế huyện tự đảm bảo chi thường xuyên phần khám chữa bệnh./.