Xét xử BS Lương: Thiên Sơn khẳng định vô can dù đã 'bán cái' hợp đồng
- 08:31 23-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phiên toà xét xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình hôm nay bước sang ngày thứ 7.
Trong suốt 6 phiên xử, đại diện công ty Thiên Sơn - đơn vị đặt máy xã hội hoá tại BV và thực hiện các hợp đồng sửa chữa một mực phủ nhận trách nhiệm.
Chưa từng trực tiếp thực hiện hợp đồng nào
Trong ngày xét xử thứ 6, HĐXX hỏi LS Nguyễn Thị Đinh Hương - đại diện công ty Thiên Sơn xung quanh hợp đồng sửa chữa ký kết với BV.
Bà Hương cho biết, Thiên Sơn chỉ gửi báo giá đến BV, không thực hiện qua đấu thầu. Hợp đồng trọn gói với BV được ký kết ngày 25/5/2017 căn cứ theo luật Đấu Thầu và luật Dân sự, gồm 10 nội dung, trong đó có xét nghiệm AAMI.
3 bị cáo tại toà |
Ngay cùng ngày, Thiên Sơn giao kết hợp đồng 05 với công ty Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Tuy nhiên bà Hương cho biết không biết Quốc ký vào thời điểm nào, hình thức gì.
Trước đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai trước HĐXX rằng không ký hợp đồng nào vào ngày 25/5, mãi tối 29/5 (sau khi sự cố chạy thận xảy ra) mới đặt bút ký do ông Đỗ Anh Tuấn – giám đốc công ty Thiên Sơn nói “ký cho tròn thủ tục”.
Đại diện công ty Thiên Sơn khẳng định, hợp đồng với Trâm Anh hoàn toàn hợp pháp, giữa 2 pháp nhân có con dấu.
Dù vậy, khi cử Quốc đến BV thực hiện hợp đồng, Thiên Sơn vẫn giới thiệu Quốc là người của công ty. Bà Hương cho rằng, BV không cần thiết phải biết và Thiên Sơn không có trách nhiệm thông báo.
Trước đó, khai nhận tại cơ quan điều tra, giám đốc công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn cho biết, tất cả hợp đồng ký kết với các BV đều được chuyển qua các đơn vị khác, Thiên Sơn không trực tiếp làm.
Về việc này, bà Hương trả lời: “Thiên Sơn có đội ngũ kĩ thuật không nhất thiết phải ngồi tại công ty mà có thể thuê công ty khác”.
LS Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) cho biết, theo quy định của luật Đấu thầu, không được “bán cái” 100% gói thầu mà chỉ 10% cho các nhà thầu phụ.
LS Nguyễn Tiến Dũng (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc) cũng từng truy vấn Thiên Sơn về nguồn gốc vật tư sửa chữa, khi trong hợp đồng ghi nước sản xuất là USD.
Tuy nhiên bà Hương cho rằng đây là “lỗi đánh máy. Công ty Thiên Sơn hiểu là xuất xứ Mỹ”.
Chỉ cử nhân viên đến “đếm tiền”
Bảo vệ quyền và lợi ích cho BV, LS Nguyễn Danh Huế đặt câu hỏi với đại diện công ty Thiên Sơn về việc có hay không cử cán bộ đến BV đa khoa tỉnh Hoà Bình giám sát việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị.
Bà Hương khẳng định: “Thiên Sơn có nhân viên tại BV, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty, việc giám sát như thế nào, giám sát làm sao Thiên Sơn chịu trách nhiệm”.
Các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo |
Tuy nhiên trong bút lục lời khai của chị Tiên – nhân viên được Thiên Sơn giao nhiệm vụ tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình khẳng định, công ty không hề thông báo cho chị Tiên biết về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2.
Trong phiên xử chiều 18/5, BS Hoàng Công Tình, phó khoa Hồi sức tích cực của BV khi trả lời câu hỏi của LS Nguyễn Danh Huế cũng khẳng định, đại diện của công ty Thiên Sơn tại BV là cô Tiên có mặt ở khoa chỉ để đếm số lần máy chạy để cuối tháng thanh toán chi phí, chứ không giám sát tham gia sửa chữa.
“Cô Tiên người của Thiên Sơn, ông Tình nói ở đó như dân gian nói chỉ đếm tiền thì chuyên môn của cô này là gì?”, LS Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) hỏi.
LS Nguyễn Thị Đinh Hương, đại diện Thiên Sơn trả lời: “Nhân viên của Thiên Sơn làm kế toán hay kinh doanh hay kỹ thuật, hay làm gì ở Thiên Sơn tôi không cung cấp”.
Ngay sau đó LS Nguyễn Tiến Thủy (bào chữa cho bị cáo Bùi Văn Sơn) tiếp tục đặt câu hỏi với LS Hương: “Trong ký hợp đồng với BV, bà đã nói đã cử người giám sát, nhiệm vụ giám sát thuộc Thiên Sơn và công ty đã thực hiện đúng không?”. Bà Hương cho biết, trong hợp đồng không có nội dung phải giám sát, đây là Thiên Sơn tự nguyện thực hiện để đảm bảo dịch vụ tốt nhất.
Trước đó LS Hương chất vấn bị cáo Bùi Mạnh Quốc: “Tại sao bị cáo lại nói không giám sát bị cáo? Không có ai khác trong không gian bị cáo làm việc không phải không có người của công ty Thiên Sơn. Bị cáo không nhìn thấy chứ không có đúng không? Theo bị cáo có người giám sát thì phải đứng trông hay như nào...? Tuy nhiên bị cáo Quốc một mực khẳng định không nhìn thấy bất cứ ai giám sát mình.
Bị cáo Trần Văn Sơn cũng cho biết không thấy ai khác của Thiên Sơn có mặt trong quá trình sửa chữa.
Trước việc một số bị cáo và bác sĩ khai từ trước đến nay dù sửa chữa nhưng vẫn đưa thiết bị vào sử dụng ngay sau đó, việc lấy mẫu nước xét nghiệm chỉ để hoàn thiện hồ sơ, đại diện Thiên Sơn cho rằng đây là "lời khai vô trách nhiệm".
“Nếu chỉ bàn giao hình thức thì BV đang không làm việc cứu người, vì rất nguy hiểm. Nếu không xét nghiệm làm sao biết chất lượng nguồn nước như thế nào? Có đưa được vào cơ thể không? Tôi khẳng định nếu có xét nghiệm đầy đủ thì không có chuyện ngộ độc chết người”, bà Hương nói.
Đại diện Thiên Sơn khẳng định, ngày 28/5, công ty chưa làm xong nội dung hợp đồng vì còn thiếu xét nghiệm, cần 7-10 ngày.
Do đó bà Hương khẳng định, Thiên Sơn không có trách nhiệm trong sự cố, không chấp nhận kiến nghị bồi thường của một số bị hại. Dù vậy, công ty đã chuyển 370 triệu đồng tới BV, là phần “hỗ trợ tình cảm”, còn “không có trách nhiệm bồi thường”.