Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bi kịch của bóng đá Việt Nam từ vụ băng ghi âm

Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền hay cả ông Trần Mạnh Hùng chỉ là nạn nhân của nền bóng đá đang trong cảnh loạn lạc, thiếu người cầm trịch và "chia năm, xẻ bảy" vì phe nhóm.

Phản ứng thiếu kiềm chế trong cuộc họp nội bộ hôm 15/5, ông Trần Mạnh Hùng chắc chắn phải nhận án kỷ luật từ VPF, án phạt từ Hội đồng quản trị VPF hoặc cao hơn. Các cổ đông sẽ giúp ông Hùng ý thức được vị trí hiện tại.

Người trong cuộc nói khá nhiều tới sự “được việc” của ông Hùng ở VPF, nhưng có lẽ bản thân ông chưa thấy được sự khác biệt giữa việc quản lý đội bóng với trách nhiệm gắn liền cả nền bóng đá.

 Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền khẳng định mình không tuồn băng ghi âm buổi họp ra ngoài.

Phản ứng thiếu kiềm chế của ông Hùng không phải chuyện xa lạ với giới bóng đá. Tuy nhiên, cùng cách hành xử của ông Trần Mạnh Hùng, tác động gây ra lại rất khác nhau tùy thuộc chiếc ghế ông đang ngồi, ở VPF hay CLB Hải Phòng.

Bên cạnh những ý kiến chỉ trích thái độ lỗ mãng và thiếu chuẩn mực của ông Trần Mạnh Hùng, vẫn có những quan điểm phê phán hành động ghi âm cuộc họp nội bộ của Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền, cũng như chuyện ai đứng sau vụ phát tán băng ghi âm cuộc họp.

Với việc bật ghi âm, ông Dương Văn Hiền đã nắm quyền chủ động trong việc cân chỉnh lời nói, ngôn ngữ trong cuộc hội thoại với ông Trần Mạnh Hùng.

Ngay từ đầu, ông Hùng rơi vào thế bất lợi so với “đối phương”. Người biết chắc những gì mình nói đang bị ghi lại. Đoạn băng dài hơn 6 phút được phát tán đi chắc chắn cũng chỉ là một phần sự thật với nội dung hoàn toàn bất lợi cho ông Trần Mạnh Hùng. Người ta cũng có thể đặt vấn đề ông Dương Văn Hiền có thực lòng muốn dàn hòa không, khi từ lúc nhập cuộc đã có sự “phòng bị”.

Khía cạnh khác cũng cần được xét tới là nguồn gốc cơn “nổi điên” của ông Trần Mạnh Hùng xuất phát từ những thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trên truyền thông trước đó, gồm cả những ý kiến chỉ trích của Phó ban Dương Văn Hiền nhằm vào ông như việc can thiệp công tác trọng tài của VFF.

Trong cuộc họp hôm 15/5, bản thân ông Hiền cũng bác bỏ những thông tin này do mình cung cấp hoặc phát ngôn, với nội dung như ông Trần Mạnh Hiền gay gắt phản ứng là bôi nhọ, làm mất danh dự của ông.

Bất kể những lý do trên, án phạt đối với ông Trần Mạnh Hùng là cần thiết, bởi vụ việc đang tạo ra hình ảnh rất xấu xí trước công chúng. Cầu thủ phạm lỗi có thể bị “treo giày”, thì việc quan chức bóng đá ứng xử lệch chuẩn bị đình chỉ hoặc thậm chí mức kỷ luật cao hơn là thích đáng.

Cơn loạn lạc của bóng đá

Việc phát tán đoạn băng ghi âm trên cho truyền thông không xuất phát từ ông Dương Văn Hiền, cũng như việc ông Hiền ghi âm không diễn ra ngay từ đầu cuộc họp. Như trần tình của ông Hiền những ngày qua, ông có ghi âm, nhưng đoạn băng phát tán ra ngoài không phải của mình. Vậy ai là kẻ giấu mặt phía sau những gì đang diễn ra?

 VPF bối rối trong việc xử lý ông Trần Mạnh Hùng. Ảnh: Phan Tùng.

Vấn đề là việc các thông tin mang tính chất nội bộ ở VFF bị tuồn ra ngoài là quá trình diễn ra suốt gần 2 năm qua. Tất cả đều nhắm tới một mục đích, tấn công VFF, bôi nhọ nền bóng đá để phục vụ cho cuộc chiến tranh quyền, đoạt vị ở Đại hội 8.

Chỉ cần chút hiểu biết và gắn kết các vụ việc với nhau, người ta dễ nhận ra ai sẽ hưởng lợi khi bộ máy lãnh đạo VFF hiện bị công kích và tấn công. Đơn cử như ứng viên vị trí Chủ tịch có 4 người, thì người bị “đánh” nhiều nhất, Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn, cũng được đánh giá là ứng viên sáng giá, được ủng hộ nhiều nhất từ các CLB.

Cuộc họp hôm 15/5 có sự tham dự của những lãnh đạo cao nhất ở VFF và VPF, nhưng đụng độ vẫn xảy ra. Từ khi Chủ tịch Lê Hùng Dũng gặp vấn đề sức khoẻ, VFF và bóng đá Việt Nam cũng thiếu hẳn một người đủ khả năng cầm trịch, khiến cho phần còn lại phải “ngăn nắp” và chỉn chu.

Đây có lẽ mới là vấn đề đáng quan tâm hơn cả, chứ không chỉ là những xung đột giữa 2 cá nhân đơn lẻ. Một câu hỏi rất cần đặt ra là kẻ tung cuộn băng ghi âm trên, động cơ đấu tranh vì cái chung hay vì lý do nào khác?

Bất kỳ tổ chức nào cũng có những vấn đề nội bộ, tranh chấp hoặc bất đồng. Tuy nhiên, đến độ thông tin nội bộ bị tuồn ra ngoài, thì ít nơi nào chấp nhận. Không tổ chức nào chấp nhận có “cừu đen”, người gắn với bóng đá lâu năm như ông Hiền ắt hiểu điều này.

Ở góc độ cao hơn, có thể tin cả ông Trần Mạnh Hùng hay Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền chỉ là nạn nhân của nền bóng đá đang trong cảnh thiếu người cầm trịch.

VFF từng có tiền lệ ghi âm để hạ bệ nhau mà nạn nhân là nguyên Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn. Ông Viễn về sau vẫn được làng bóng đá chấp nhận, trong khi người còn lại gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch Lê Hùng Dũng chính là người phản ứng quyết liệt nhất việc một người “đánh sau lưng đồng đội” nắm giữ vị trí quan trọng ở VPF.