Bầu Đức: Lãnh đạo VFF thà bỏ bóng đá để đấu vì danh dự là số 1!
- 13:47 21-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhìn từ chuyện bầu Đức coi “danh dự là số 1”
Hồi giữa tháng 3 năm nay, bầu Đức từng khiến cho làng bóng đá Việt Nam phải “dậy sóng” vì cuộc đấu trong chuyện người ngồi nhiều ghế, đấu vì danh dự ở chuyện bằng cử nhân của VFF. Đáng nể là bầu Đức thà bỏ bóng đá để chơi “tất tay” chứ không khoan nhượng.
Song song cuộc đấu vì bóng đá Việt Nam, bầu Đức từng nói rằng: “Tôi đã nói từ đầu là tôi rút rồi mà. Nhưng người ta sợ tôi vào thì có người sẽ rớt chắc nên tìm mọi cách đẩy tôi ra. Như thế là thiếu tôn trọng tôi, thiếu tôn trọng người giới thiệu, thiếu tôn trọng mọi người.
Quan trọng là phải tôn trọng nhau. Ở vị trí đấy tôn trọng là rất quan trọng vì con người danh dự là số 1. Tôi vì danh dự mới làm to chuyện”.
Bầu Đức là người dám đấu đến cùng vì danh dự. |
Đúng, vì cần sự tôn trọng khi ngồi ở vị trí lãnh đạo bóng đá Việt Nam, vì xem danh dự là số 1 nên bầu Đức thà bỏ bóng đá, thà cho HAGL bỏ giải, dù có gần 20 năm tâm huyết với hàng nghìn tỷ đồng đổ vào làm bóng đá.
Dám nói, dám làm, dám đấu tranh cho điều đúng, đấu cho danh dự của chính mình, bầu Đức khép lại mọi chuyện trong nụ cười của người chiến thắng. Bầu Tú phải từ bỏ cuộc đua ghế phó chủ tịch tài chính, VFF gạt bỏ tiêu chí bằng cử nhân.
Bóng đá Việt Nam rõ ràng cần những người như bầu Đức: Người không bao giờ chấp nhận cái sai tồn tại một cách vô lý. Thế nên, không ngạc nhiên khi dư luận và người hâm mộ ủng hộ ông Đức. Bởi có lãnh đạo bóng đá nào dám bỏ cả bóng đá để đấu tranh vì danh dự như bầu Đức?
Đến chuyện ông Hùng và ông Hiền nói “danh dự”
Danh dự cũng là điều được phó chủ tịch VPF - Trần Mạnh Hùng và phó ban trọng tài VFF - Dương Văn Hiền đối đáp trong đoạn băng ghi âm văng tục dài gần 7 phút.
Saostar xin được trích dẫn đoạn đối đáp của ông Hùng và ông Hiền về danh dự:
Ông Trần Mạnh Hùng: Nhưng mà anh Hiền phải có ý kiến với những tờ báo này, đính chính lại là anh Hiền không nói. Em là người trọng danh dự, người ta nói mua danh ba vạn bán danh ba đồng, em kể cả có chết ngay nhưng nếu vì danh dự em chiến đấu đến cùng. Em tôn trọng anh Nam Hùng, anh nói thế là đúng. Ông Hiền này tuổi tác ông ấy chỉ là em thôi.
Ông Dương Văn Hiền: Ai mà không trọng danh dự hả anh. Anh biết trọng danh dự, tôi không biết trọng danh dự sao?
Ông Dương Văn Hiền và Trần Mạnh Hùng cũng nói về việc xem trọng danh dự trong đoạn ghi âm gần 7 phút. |
Cả hai người rõ ràng đều xác định danh dự rất quan trọng. Thế nhưng, bóng đá Việt Nam bây giờ ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng từ chính đoạn băng ghi âm liên quan đến họ. Ở đó, ông Trần Mạnh Hùng văng tục, mắng chửi ông Hiền theo cách mà không người hâm mộ nào có thể ngờ được.
Vì danh dự của chính mình mà ông Hùng xúc phạm người khác, đòi đánh, văng tục ngay tại cuộc họp ở trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam, liệu có đúng?
Trong khi đó, ông Dương Văn Hiền cũng nói trọng danh dự, thế tại sao ông không dám đứng lên làm cho “ra ngô, ra khoai”. Sao có thể chấp nhận chuyện ngang trái ấy xảy ra trong bóng đá Việt Nam và cho chính bản thân ông Hiền?
VFF xử lý chậm trễ?
Đáng buồn là cuộc họp ấy có sự chứng kiến của Tổng thư ký VFF - Lê Hoài Anh, Trưởng ban kiểm tra VFF - Nguyễn Nam Hùng (người chủ trì cuộc họp), Chủ tịch HĐQT VPF - Trần Anh Tú, Trưởng ban trọng tài VFF - Nguyễn Văn Mùi. Nhưng VFF thông báo: “Chủ tịch VFF đã nhắc nhở các bên có liên quan và đề nghị Ban kiểm tra VFF khẩn trương thực hiện các công việc tiếp theo để xử lý vụ việc theo đúng quy định”.
Dư luận lẫn người hâm mộ đều được nghe đoạn ghi âm dài gần 7 phút. Ông Nguyễn Nam Hùng là người chủ trì cuộc họp ấy, cùng nhiều quan chức bóng đá có mặt được xem là nhân chứng của buổi họp. Vậy tại sao còn “đề nghị Ban kiểm tra VFF khẩn trương thực hiện các công việc tiếp theo để xử lý vụ việc theo đúng quy định”?
VFF có cần phải đề nghị Ban kiểm tra VFF tiếp tục xử lý vụ băng ghi âm văng tục ngày 15/5? |
Nếu làm đúng và hợp lý thì ngay sau khi sự việc này xảy ra thì ông Nguyễn Nam Hùng với tư cách Trưởng ban kiểm tra VFF phải báo cáo với lãnh đạo VFF, đưa ra đề xuất kỷ luật về sự việc xấu hổ là ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam.
Đúng hơn, cuộc họp diễn ra ngày 15/5 thì mọi thứ có thể được giải quyết theo hướng khác nếu như Trưởng ban kỷ luật VFF lập tức báo cáo lãnh đạo VFF, còn ông Lê Hùng Dũng chỉ đạo xử lý nghiêm sự việc. Có lẽ, đoạn băng ghi âm được tung ra vào tối ngày 18/5 cũng không mang đến hiệu ứng lớn như thế trong dư luận.