Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quế Phong - Nghệ An: "Máu" rừng thủy điện vẫn chảy - Tan hoang rừng lòng hồ thủy điện Hủa Na

Tuy Chính phủ đã cấm cửa rừng nhưng suốt một thời gian dài, tại vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na, xã Đồng Văn (Quế Phong, Nghệ An) vẫn để xảy ra hiện tượng phá rừng. Thậm chí lâm tặc còn đưa gỗ về tập kết ở bến đò, đập phụ gây chờ thuyền vào đưa đi tiêu thụ.

Những ngày gần đây, trên địa bàn xã Đồng Văn (Quế Phong, Nghệ An) nhiều người dân sống ven lòng hồ thủy điện Hủa Na sẵn sàng đem cưa máy vào rừng cắt xẻ gỗ. Nhiều cánh rừng dọc hồ thủy điện bị tàn phá tan hoang, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước trong vùng.

 

 Nhiều gốc cây gỗ rừng có đường kính lớn trong lòng hồ thủy điện Hủa Na bị chặt hạ không thương tiếc.

Để tìm hiểu thực hư, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường phải mất nhiều ngày trời có mặt tại vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na. Tại đây, đúng như người dân trong vùng phản ánh, thực trạng phá rừng vùng lòng hồ là có thật.

Phải mất nhiều ngày trời, phóng viên mới có thể ngồi thuyền từ bến đò Đồng Văn để đi sâu vào vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na. Tại lòng hồ, chỉ cần ngồi trên thuyền người ta cũng dễ dàng nhận thấy nhiều cây gỗ rừng bị chặt hạ, nằm sát mép hồ thủy điện. Người lái đò đưa phóng viên vào vùng lòng hồ ngao ngán nói: “Chú đi thì biết, rừng vùng lòng hồ được cây mô (nào) to người ta cắt xẻ hết rồi. Cứ thực trạng này không biết liệu rồi đời con, đời cháu của mình có còn nước sinh hoạt?”.

 những cây gỗ có đường kính từ 20-30 cm bị đốn hạ.

Thật vậy, sau gần 2 tiếng lênh đênh trên lòng hồ, người chèo thuyền đưa phóng viên cập một quả đồi thuộc bản Piềng Văn, xã Đồng Văn. Dời thuyền đi sâu vào rừng, không khó khăn gì để thấy cả một khu rừng bị tàn phá tan hoang, cây cối bị chặt hạ nằm la liệt bên mép nước của lòng hồ. Tại đây, những cây gỗ có đường kính từ 20-30 cm bị đốn hạ, dấu cưa cắt còn rất mới. Ngoài ra, còn những cây gỗ ràng ràng có đường kính tương tự cũng bị đốn hạ, chỉ còn trơ gốc. Theo như dấu cưa xẻ tại hiện trường, những cây gỗ này bị đốn hạ chỉ cách đây tầm một tháng đổ lại.

 Sau khi đốn hạ cây rừng, lâm tặc dùng cưa xăng để cưa xẻ gỗ rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Tại hiện trường chỉ còn trơ gốc và những bìa vỏ.

Qua nhẩm tính của phóng viên, khu vực rừng cây ràng ràng bị chặt hạ rộng khoảng 1 héc-ta. Sau khi đốn hạ những cây gỗ rừng, lâm tặc nhanh chóng vận chuyển gỗ ra bên ngoài, hiện chỉ còn trơ gốc, cành ngọn.

 

 Những khối gỗ xẻ vuông vức được lâm tặc đem ra sát mép hồ thủy điện chờ thuyền vào đưa đi tiêu thụ.

Cách đó chừng 100m, vùng rừng tại ngọn đồi đối diện cùng chung cảnh ngộ. Tại ngọn đồi này, những gốc gỗ đường kính tầm 50-60 cm mới bị chặt hạ, nhựa còn ứ đọng. Sau khi đốn hạ những cây gỗ rừng, lâm tặc còn dùng cưa xăng để cưa những khúc gỗ vuông vức, có cạnh tầm 30-40cm rồi vận chuyển theo khe suối ra sát mép hồ chờ thuyền đưa đi tiêu thụ.

Người lái đò dẫn đường cho biết, thời gian gần đây cây luồng, tre nứa kiểm lâm và chính quyền cũng đình chỉ khai thác, không hiểu sao người ta vẫn dễ dàng đưa cưa xăng vào lòng hồ để cưa xẻ gỗ.