'Việc miễn nhiệm ĐBQH với bà Phan Thị Mỹ Thanh được làm đúng luật'
- 16:13 19-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 19/5, tại buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã dành thời gian trả lời báo chí về công tác nhân sự của Quốc hội.
Về trường hợp đại biểu Đinh Thế Huynh, 2 năm nay, ông không tham gia các hoạt động của Quốc hội, về phía Đảng thì Bộ Chính trị đã đồng ý để ông được chữa bệnh dài ngày, bầu người khác làm Thường trực Ban Bí thư.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định ông Đinh Thế Huynh là cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị. "Khi Bộ Chính trị có ý kiến, Ủy ban Thường vụ sẽ xem xét", ông Phúc trả lời về câu hỏi liệu ông Huynh có đủ điều kiện làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Thông tin về vụ việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh (đoàn Đồng Nai), ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết làm đúng quy định của pháp luật. Theo đó, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có đơn gửi Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do về sức khỏe, tinh thần giảm sút sau khi bị kỷ luật.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về kỳ họp tới. Ảnh: Thắng Quang. |
Do bà Thanh thuộc diện quản lý của Trung ương Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo Ban Bí thư và được đồng ý, chấp thuận để làm thủ tục cho thôi nhiệm vụ. Khi bãi nhiệm bà Thanh, Quốc hội không họp nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đúng theo luật định. Ủy ban Thường vụ sẽ báo cáo tới Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 tới đây.
Chia sẻ việc bãi miễn tư cách của nhiều đại biểu Quốc hội trong khóa này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh các trường hợp đều làm rất nghiêm túc, không có vùng cấm, không ưu ái người này người kia và đúng luật định.
"Tuy nhiên, khi có nhiều đại biểu bị kỷ luật, bãi miễn tư cách, Quốc hội sẽ rút kinh nghiệm trong việc điều tra hồ sơ, thẩm tra tư cách ứng viên trong khóa tới", ông Phúc nhấn mạnh.
Dự kiến 46% thời gian thảo luận tại hội trường sẽ được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Ảnh: Thắng Quang.Kỳ họp ngắn nhất trong nhiều năm |
Kỳ họp ngắn nhất trong nhiều năm
Tại buổi họp báo, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó tổng thư ký Quốc hội, cho hay dự kiến, kỳ họp thứ 5 khai mạc vào ngày 21/5. "Đây là kỳ họp ngắn nhất trong nhiều năm trở lại đây, chỉ diễn ra trong 20 ngày", ông Lĩnh nói.
Theo chương trình dự kiến, Quốc hội dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Một số dự án luật quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua như Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi)…
Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu 9 dự án luật và một số báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề. 4 dự án luật được rút khỏi dự kiến chương trình để hoàn thiện là dự luật Hành chính công; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế bảo vệ môi trường và luật dân số. Đồng thời rút các báo cáo công tác của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
"Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với những cải tiến, đổi mới. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi. Người bị chất vấn phải trả lời ngay, thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút", Phó tổng thư ký Quốc hội thông tin.
Việc cải tiến, đổi mới này được áp dụng thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.
Ông Lê Bộ Lĩnh cũng cho biết thêm kỳ họp này tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phát trực tiếp các nội dung của kỳ họp trên truyền hình. Đồng thời, bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp một số nội dung thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi; quyết toán ngân sách Nhà nước…
Như vậy, có khoảng 46% thời gian thảo luận tại hội trường được tường thuật trực tiếp.