Nhà sư Nhật Bản kiện ngôi đền vì phải làm việc quá sức
- 08:21 19-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các nhà tu hành trong một ngôi đền ở Nhật. Ảnh: AFP. |
Nhà sư 40 tuổi bắt đầu làm việc tại ngôi đền trên núi Koya, tỉnh Wakayama, từ năm 2008 và mắc chứng trầm cảm vào khoảng tháng 12/2015 do phải liên tục làm việc để phục vụ du khách.
"Nếu là một nhà sư, bạn sẽ phải làm việc thường xuyên mà không có quy định giờ giấc", AFP ngày 17/5 dẫn lời ông Noritake Shirakura, luật sư đại diện của nhà sư giấu tên.
"Bạn cung cấp sức lao động, nhưng đó lại được coi là một phần trong quá trình tu hành. Vì vậy bạn phải chịu đựng ngay cả khi việc này khiến bạn rất khổ cực. Thông qua vụ kiện, chúng tôi sẽ chứng minh quan niệm này đã lỗi thời", ông Shirakura nhấn mạnh.
Hồ sơ vụ kiện cho biết nhà sư bị ép phải lao động nhiều hơn so với nhiệm vụ của mình. Năm 2015, khi khu đền tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 1.200, ông đã làm việc 64 ngày liên tiếp để hỗ trợ lượng khách du lịch đông đảo tới đây. Có những ngày ông phải làm nhiều công việc khác nhau suốt 17 giờ không nghỉ.
Nhà sư đề nghị khoản bồi thường 8,6 triệu yên (78.000 USD). Luật sư từ chối tiết lộ tên của thân chủ và ngôi đền bị kiện để ông có thể quay lại làm việc, hoặc tìm một vị trí khác trong cộng đồng Phật giáo.
Một cơ quan quản lý lao động tại địa phương đã ủng hộ nhà sư, thừa nhận rằng việc phục vụ dài ngày mà không có kỳ nghỉ đồng nghĩa với làm việc quá sức. Đây là trường hợp xung đột hiếm gặp bởi nó liên quan tới vấn đề tâm linh.
Sự việc tương tự từng xảy ra vào năm 2017, khi ngôi đền Higashi Honganji nổi tiếng ở Kyoto buộc phải công khai xin lỗi do không trả tiền làm thêm giờ và bị cáo buộc quấy rối tại nơi làm việc.
Lao động quá sức là vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản, thậm chí có tên riêng để chỉ cái chết do làm việc quá sức, gọi là "karoshi". Một báo cáo của chính phủ cuối năm 2017 ghi nhận 191 trường hợp "karoshi" trong vòng 12 tháng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đưa ra một số cải cách để giải quyết vấn đề, nhưng hiệu quả chưa đáng kể.