Bác Hồ và nhân cách của một nhà báo cách mạng
- 06:26 18-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bác Hồ luôn luôn căn dặn các nhà báo phải viết chân thật, dễ hiểu |
Khi bàn đến các vấn đề cốt lõi của một tác phẩm báo chí, Người căn dặn các nhà báo: “Làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc”.
Gần thế kỷ qua - kể từ khi tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta ra đời (21/6/1925) - đến nay, báo chí nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về nhiều mặt, cả loại hình, số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức... Nhưng những lời căn dặn của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị và luôn mang tính thời sự.
Viết thế nào cho thật giản dị, chân thực
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí là nhân dân. Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”. Tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác một lần nữa khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Tất cả những nhiệm vụ cách mạng đều là nhiệm vụ của báo chí, nhiệm vụ ấy bao trùm toàn bộ cuộc cách mạng, phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh - quốc phòng, quan hệ quốc tế.
Xác định rõ đối tượng chủ yếu của nền báo chí cách mạng, Bác cũng đặt vấn đề về cách viết thế nào cho thật giản dị, chân thực để nhân dân dễ hiểu nhất. Người nhấn mạnh, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng; chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Người căn dặn các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ của chúng ta mỗi ngày một mai một đi.
Những năm gần đây, mặt trận truyền thông Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại. Nhưng qua sự phát triển của các loại hình báo chí, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng. Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí đã tác động tiêu cực, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, thậm chí trở thành hiệu ứng lan truyền bất lợi. “Điểm mặt” các sai sót, lệch chuẩn trên, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ rõ: đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả; sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán (khi nào thì dịch nghĩa, phiên âm, chuyển tự hay để nguyên dạng), tâm lý chuộng ngoại, sính chữ còn khá phổ biến…Từ thực tế này, ngẫm lại mới thấy những lời Bác căn dặn cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn luôn luôn đúng và sát thực tế đối với những người làm báo.
Phải nói đúng sự thật
Từ kinh nghiệm hoạt động báo chí và từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hiệu quả, công dụng của báo chí truyền thông, Người lưu ý trước tiên đề tài cho người cầm bút là “những điều mắt thấy, tai nghe”. Nghĩa là viết báo trước tiên phải đúng sự thật, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bởi theo Bác, sự thực vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng. Ngay từ năm 1946, Bác đã căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”.
Gần đây, sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã mang lại sự thay đổi lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có sự thay đổi về cách thức làm báo. Có thể nói, nhờ vào internet, cụ thể hơn là mạng xã hội, cách tác nghiệp của nhà báo đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy vậy, mạng xã hội cũng giống như “con dao hai lưỡi”. Nếu nhà báo chỉ quan tâm đến thông tin “nóng”, cập nhật nhanh nhạy mà thiếu sự tỉnh táo, chọn lọc thì sẽ “hợp thức” những thông tin trên mạng xã hội thành thông tin trong bài báo của mình, đồng thời “tiếp tay” cho nhiều loại hình tội phạm mới. Vì thế, mỗi nhà báo, phóng viên rất cần sự tỉnh táo trong khai thác sử dụng thông tin, như lời Bác thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”; “Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
Hiện nay, tình hình trong nước và thế giới đã và đang đặt ra cho công tác báo chí nhiệm vụ nặng nề. Ngoài góp phần vào việc xây dựng con người mới, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân, báo chí còn có trách nhiệm tuyên truyền bảo vệ lợi ích của dân tộc, nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại về tư tưởng của kẻ địch; tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước cùng những thành tựu mọi mặt của công cuộc đổi mới, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, yêu cầu đặt ra đối với mỗi nhà báo, phóng viên không chỉ có năng lực, trình độ, đạo đức cách mạng mà còn phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng.
Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Bác đã nhận xét rằng, ưu điểm của các nhà báo là cơ bản nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều. Một trong những khuyết điểm đó là “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”. Do đó, Người căn dặn: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Theo Bác, làm báo là để thức tỉnh các tầng lớp nhân dân, nhất là đông đảo quần chúng lao động, do đó, báo chí nói chung và các nhà báo cách mạng phải giúp người đọc nhận thức được các vấn đề trong nước và quốc tế, chính trị, kinh tế và văn hóa, đạo đức và xã hội, chính nghĩa và phi nghĩa…giúp cho người đọc hiểu được và có đủ khả năng nhận thức đúng đắn thế giới xung quanh, từ đó có hành vi ứng xử phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của nhân dân và của toàn dân tộc.
Trong không khí cả nước đang phấn khởi kỷ niệm 128 năm Ngày sinh nhật Bác (19/5/1890); 70 năm ngày Bác ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948) và 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những người làm báo càng thêm thuấn nhuần lời dạy của Bác. Hơn ai hết, mỗi nhà báo, phóng viên phải đề cao trách nhiệm và sứ mệnh của mình với xã hội, nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.