Spa - thẩm mỹ chui: Không thể dung túng mãi!
- 13:24 16-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi “Thượng đế” còn liều
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 200 bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề về tạo hình thẩm mỹ nhưng có tới trên 4.000 thẩm mỹ viện, spa. Đó là chưa kể những cơ sở spa tại gia, việc mở những cơ sở này rất dễ, người kinh doanh chỉ cần đến phòng kinh tế quận, huyện đăng ký trong vòng 24 giờ sẽ được cấp phép.
Vốn điều lệ chỉ vài chục triệu mà không phải trải qua quá trình thẩm định cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn. Sau khi đi vào hoạt động, nhiều cơ sở không dừng lại ở việc chăm sóc, làm đẹp da mà còn thực hiện mổ, phẫu thuật trên cơ thể người bệnh như đã ghi nhận qua những phản ánh thực tế.
Chị Nguyễn Hoa, một nữ điều dưỡng chuyên đi truyền nước biển theo hệ thống bác sĩ gia đình của quận Gò Vấp kể: “Tôi đã từng đến một gia đình có người nhà làm tiếp viên hàng không để truyền nước biển do gia đình có người bị ốm. Tại đây tôi cũng bất ngờ khi được cô em gái của bệnh nhân làm việc trong sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị: Chị truyền trắng cho em và người bạn. Hàng em nhờ mua từ Hàn Quốc về nên đảm bảo lắm".
Spa tại TP Hồ Chí Minh đang nở rộ với muôn hình vạn trạng. |
Tuy nhiên theo chị Hoa, chị đã từ chối ngay lời đề nghị này, và nói: "Có trả công tôi chục triệu tôi cũng không dám tiêm. Nguy cơ sốc phản vệ là rất lớn, tôi cũng chưa từng nghe chuyện ngành y tế cho phép truyền cái chất làm đẹp này. Thế là họ mới thôi nài nỉ".
Khi đi thực tế, PV Báo CAND cũng đã được một cô chủ spa trong chung cư "dụ" truyền trắng thế này: "Thời gian truyền trắng hoàn toàn diễn ra êm ái. Mất có 10 phút hà!". Rồi cô giới thiệu là tốt nghiệp trung cấp y, nên không lo cô ta tiêm, truyền gì cũng có chuyên môn. Ai đã từng phải truyền dịch đều cũng biết rất rõ rằng, thời gian truyền nước biển cũng phải mất ít nhất 1 tiếng mới hết một chai.
Tốc độ truyền tuỳ từng bệnh lý, tuỳ cơ thể người khoẻ, yếu. Thế mà các "thợ chích" tại spa truyền nửa lít dịch và thuốc vào người khách mà nhanh như vậy chẳng khác nào truyền cho trâu bò! Vậy mà không ít khách hàng vẫn vô tư nằm cho spa truyền trắng với tốc độ như “uống nước”, và theo công thức của chủ spa là: một chai thuốc cốt chia dần thành 10 lần trộn vào chai nước biển. Cứ cách vài ngày lại lên truyền. Chai thuốc cốt để tủ lạnh, không cần vô trùng.
Từ việc lật tẩy cơ sở thẩm mỹ “chui” tại quận 5, trong lời khai của chủ cơ sở với thanh tra Sở Y tế, đó là hành nghề tại chung cư, không giấy phép nhưng còn phát hiện cơ sở trong việc tham gia đào tạo cho những học viên làm đẹp.
Tại cơ sở trên, khi mở tủ lạnh, thanh tra còn phát hiện cả một rổ ống tiêm filler đã dùng rồi mà chủ cơ sở không chối cãi được. Một tuyệt chiêu giảm giá "đặc biệt" cũng được áp dụng tại đây nếu chính tay chủ tiệm chích filler thì lấy giá 2,5-3 triệu tuỳ theo dịch vụ kỹ thuật (nâng mũi, làm thon gọn cằm...), nhưng nếu để những em đang học nghề của họ chích, giá giảm ngay 1 triệu đồng. Vậy là ai muốn rẻ thì để cho "học việc" thực tập. Vừa là khuyến mãi mà vẫn thu được phí “đào tạo” từ người học nghề.
Trong tiệm spa nhiều chủ cũng nói rõ nhiều thuốc mỹ phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, giá rẻ nhưng tác dụng rất nhanh, biết rõ như vậy nhưng khách hàng cuối cùng vẫn không ngán, vẫn chọn sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Sale Th. đã thốt lên với chúng tôi: “Đúng là thượng đế cũng rất liều. Làm đẹp thì bất chấp mọi giá!”.
Buông lỏng quản lý, chế tài chưa đủ mạnh
Trong buổi hướng dẫn các cơ sở làm đẹp tại TP Hồ Chí Minh về những tiêu chí bắt buộc trong hành nghề tạo hình thẩm mỹ vừa qua, đại diện Sở Y tế chỉ rõ, những phòng khám đa khoa, Chuyên khoa Tạo hình thẩm mỹ (là nơi có giấy phép, có bác sĩ theo quy định) nhưng cũng chỉ được thực hiện những kỹ thuật làm đẹp trên vùng mặt: nhấn mí, làm đẹp môi, xăm chân mày, tạo má lúm đồng tiền; còn làm đẹp từ phần ngực, phần bụng... thì bệnh viện mới được thực hiện.
Thế nhưng, cũng theo BS Nguyễn Hồng Dũng, cán bộ Phòng Quản lý dịch vụ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhiều người đang tham gia về chuyên môn lĩnh vực thẩm mỹ nghĩ rằng mình đã từng làm được nhiều kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ tại bệnh viện nên cũng cứ làm cho khách tại phòng khám. Có người vô tình nhưng cũng có người cố tình vi phạm quy định của hành nghề, làm vượt quá chuyên môn.
Nhìn về góc độ cấp phép, quản lý, hiện, nay, spa là ngành có tiềm năng phát triển lớn, nhưng spa trong hệ thống mã ngành của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ có 2 mã ngành là massage và gội đầu (bao gồm chăm sóc da mặt). Chính sách thuế bất hợp lý cũng là vấn đề vướng mắc đối với ngành spa. Đối với các nước phát triển, ngành spa chỉ đóng thuế có 0,8%, nhưng riêng Việt Nam, các doanh nghiệp spa phải chịu 30% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng. Phải chăng đây là lý do dẫn đến việc 1 loạt các spa hiện nay đang hoạt động “chui”?
Theo quy định tại Điều 29 - Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, việc thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 70 triệu đồng. Nhưng để phạt được mức tiền này, khi kiểm tra phải bắt quả tang cơ sở đang hành nghề sử dụng thiết bị y tế, thực hiện các tiểu phẫu, đại phẫu... thì mới đủ điều kiện ra quyết định xử phạt.
Tại TP Hồ Chí Minh, đợt phanh phui cơ sở thẩm mỹ chui vừa qua, cơ quan chức năng đã lật tẩy được hành vi vi phạm nghiêm trọng nhưng đã qua cả tháng, việc xử lý, xử phạt cơ sở này vẫn chưa đi tới đâu vì còn phải đợi UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt do vượt quá thẩm quyền của thanh tra cấp Sở.
Trước thực trạng hoành hành của các cơ sở spa, thẩm mỹ chui, ngày 5-5, chúng tôi đã có câu hỏi chất vấn tới PGS.TS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh, ông thở dài: "Một dạo chúng tôi đau lòng khi tiếp nhận nhiều chị em bị tai biến do bị tiêm, chích silicon, nhưng giờ các chị em lại đang gặp nạn spa biến tướng. Nhưng ở đâu cấp phép thì nơi đó chịu trách nhiệm. Spa do UBND cấp quận cấp phép kinh doanh. Chúng tôi chỉ là hội hành nghề nên không có quyền hành gì. Nếu phát hiện bác sĩ trong Hội làm vượt quá chuyên môn, gây tai biến hay có chuyện câu kết với các spa để làm cho bệnh nhân thì Hội cũng chỉ còn cách đuổi người vi phạm ra khỏi Hội mà thôi".
Với mức thu nhập kiểu một vốn lời hàng trăm lần như những thực tế ghi nhận được của PV Báo CAND, thì cho dù mức phạt lên tới hàng trăm triệu cũng chưa đủ sức răn đe làm các spa phải "chùn tay". Với các hành vi vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh … đều được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và sửa đổi năm 2009 và đều "có án" kèm theo.
Chiếu theo bộ luật trên thì các spa chui và kể cả không chui hiện nay đều bị “dính”, nhưng cho đến nay chưa có vụ nào bị xử lý hình sự. Chính vì vậy các hành vi này vẫn tràn lan với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong nhiều lý do thì để các cơ sở hoạt động bừa bãi như trên là trách nhiệm rất lớn thuộc về nhà quản lý và chính quyền địa phương.