Nghệ An: Vay ngân hàng 200 triệu, một năm sau lên 700 triệu!
- 09:17 16-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Hoàng Thị Nam lo lắng vì vay ngân hàng 200 triệu đồng nhưng phải trả 700 triệu đồng (ẢNH: K.HOAN) |
Vay 1 trả 3
Bà Hoàng Thị Nam (ngụ xóm 1, xã Diễn Bình, H.Diễn Châu) cho biết, tháng 3.2017 bà vay tiền cho con gái đi xuất khẩu lao động, được ông Lương Trung Hiếu, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) chi nhánh Thành Vinh - Phòng Giao dịch Trung Đô (TP.Vinh) đến nhà hướng dẫn làm thủ tục cho vay, bà thế chấp sổ đỏ vay 400 triệu đồng.
Theo bà Nam, khi làm thủ tục vay, biết chồng bà đã mất, liên quan đến quyền thừa kế nên để cho nhanh, ông Hiếu hướng dẫn khi nào cán bộ thẩm định đến thì nhờ một người giống chồng bà ký vào là được. Sau đó, chồng bà Đặng Thị Nga (bà Nga là người giới thiệu bà Nam vay vốn từ ông Hiếu) đã ký vào hợp đồng thay cho chồng bà Nam đã mất. Ngày 24.3.2017, ông Hiếu gọi điện bảo bà Nam đến nhà người thân của ông Hiếu nhận tiền. Hôm đó, bà chỉ nhận được 183,5 triệu đồng từ tay ông Hiếu sau khi bị trừ 5 triệu đồng tiền bảo hiểm, 5 triệu đồng dự phòng tiền lãi, 5 triệu đồng tiền công cho ông Hiếu và 1,5 triệu đồng cho cán bộ thẩm định.
Bà thắc mắc vì sao vay 400 triệu đồng nhưng chỉ nhận được 200 triệu thì ông Hiếu nói khi nào con gái bà có thị thực sẽ giải ngân tiếp 200 triệu còn lại. Sau đó, do con gái không làm được thủ tục xuất khẩu lao động nên đến tháng 8.2017, bà Nam muốn trả lại tiền vay, tuy nhiên ông Hiếu nói không được. Hợp đồng vay vốn bà Nam cũng không được giữ.
Mới đây, ngân hàng gửi thông báo nợ quá hạn, thấy số tiền nợ gốc lên đến 700 triệu đồng thì bà Nam mới tá hỏa, đến hỏi và được ngân hàng đưa cho một bản hợp đồng photocopy ghi nợ vay 700 triệu đồng. “Khi làm thủ tục vay, tôi ký vào bản có số tiền vay là 400 triệu đồng, nhưng thực tế tôi chỉ mới nhận 200 triệu đồng. Không hiểu sao bây giờ ngân hàng lại ghi nợ là 700 triệu?”, bà Nam nói. Theo bà, có thể ông Hiếu đã cố ý lừa bà ký vào một số tờ hợp đồng khống, sau đó ông này điền số tiền 700 triệu đồng vào hợp đồng mà bà đã ký khống chỉ.
Trường hợp khác, anh Võ Văn Thực (ngụ xóm 4, xã Diễn Bình) cho biết có người giới thiệu ông Hiếu nên ngày 24.7.2017 anh thế chấp sổ đỏ vay 200 triệu đồng. Ông Hiếu đến nhà đưa cho anh Thực một tờ hợp đồng có ghi sẵn vay 200 triệu đồng và một số tờ hợp đồng rồi bảo anh ký khống vào. “Tôi hỏi sao không đưa cho tôi một bản thì anh Hiếu nói hôm sau giải ngân rồi đưa luôn. Cho đến nay tôi vẫn chưa được cầm bản hợp đồng”, anh Thực nói. Khi gần hết hạn hợp đồng thì anh Thực được ngân hàng thông báo (sau khi trừ tiền lãi hằng tháng anh đã trả) dư nợ gốc của anh là 250 triệu đồng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Sen (ngụ xóm 1, xã Diễn Bình) vay ngân hàng 250 triệu đồng và cũng được ông Hiếu đến nhà làm thủ tục cho vay. Mới đây, chị được ngân hàng thông báo tiền nợ gốc của chị lên đến 400 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều hộ dân khác ở H.Quỳnh Lưu cũng bị “dính bẫy” ông Hiếu khi vay vốn từ chi nhánh ngân hàng nơi ông này công tác. Khi ngân hàng thông báo số nợ gốc, các hộ này mới phát hiện vay 1 đã bị “hô biến” thành 2, thậm chí nhiều hơn. Một số người đã làm đơn trình báo công an.
Chờ công an kết luận
Trả lời PV, bà Lê Thị Ngọc Khuyên, Trưởng phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Vinh, cho rằng trong các hồ sơ này đều có chữ ký hợp lệ của khách hàng, do đó đây là hồ sơ vay vốn đúng quy định. Việc quan hệ giữa khách hàng với nhân viên tín dụng là việc của cá nhân với cá nhân, ngân hàng không biết được. “Việc ai đúng ai sai phải chờ kết luận của cơ quan công an vì hiện người dân đã làm đơn tố cáo”, bà Khuyên nói.
Bà Khuyên cũng cho biết, ông Hiếu là cán bộ quản lý khách hàng, làm việc tại Phòng Giao dịch Trung Đô và đã nghỉ việc từ ngày 1.4. Sau khi ông Hiếu nghỉ việc thì vụ việc mới bị phát giác. Ngân hàng đã nhiều lần triệu tập ông Hiếu lên làm việc nhưng ông đã bỏ trốn khỏi địa phương.