Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cựu thủ tướng Malaysia đối mặt nghi án giết người tình của cố vấn

Năm 2009, một nhân viên an ninh cấp cao của ông Najib Razak bị truy tố vì liên quan đến cái chết của một phụ nữ Mông Cổ được cho là người tình của cựu chính khách Razak Baginda.

Sau khi ông Najib chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng đầy tai tiếng của mình tại Malaysia, một cựu quan chức thuộc đảng do ông lãnh đạo đã bí mật đến trại tạm giam Villawood, Australia, để thăm một tù nhân, nhân vật chính trong vụ bê bối lớn nhất sự nghiệp ông Najib.

Hai tuần trước, ông Datuk Khairul Anwar Rahmat, cựu lãnh đạo thuộc đảng Tổ chức Thống nhất Dân tộc Malaysia (UMNO) bay đến thành phố Sydney sau khi nhận được sự đồng thuận từ Bộ Nội vụ Australia. Ông này được cho là đã đến thẳng buồng giam của Sirul Azhar Umar, 46 tuổi, sát thủ kiêm đặc vụ cảnh sát dưới thời cựu thủ tướng Najib.

Guardian dẫn một nguồn tin cho biết ông Datuk đã truyền một thông điệp đến người đồng hương đang bị giam tại Australia: Đừng nói bất cứ điều gì.

 Cựu thủ tướng Najib Razak được cho là có liên quan trực tiếp đến vụ giết hại cô Altantuya Shaariibuu. Ảnh: Getty.

Năm 2009, Sirul bị kết án tử vì vụ án gây chấn động dư luận được cho là có liên quan đến ông Najib: một phụ nữ Mông Cổ tên Altantuya Shaariibuu bị bắt cóc và sát hại dã man.

Chính phủ Australia đang gây áp lực lên Sirul, buộc ông này chứng minh mình không chủ mưu vụ giết người nếu muốn nhận được visa bảo vệ và được thả tự do. Trong vòng vài tháng tới, tù nhân này sẽ được đưa ra xét xử. Câu hỏi được đặt ra là liệu ông có sẵn sàng chỉ điểm những người có liên quan để đổi lấy sự tự do của mình ở đất Australia hay không.

Vụ ám sát Altantuya Shaariibuu

Một đêm tháng 10/2006, Sirul Azhar Umar cùng một số nhân viên an ninh cấp cao của cựu thủ tướng Najib đã bắt cóc phiên dịch viên người Mông Cổ Altantuya Shaariibuu. Cô là người yêu cũ của ông Razak Baginda, cố vấn và là bạn tâm giao của ông Najib khi đó.

Cô bị kéo lên một chiếc ôtô đậu ngay trước nhà ông Baginda tại thủ đô Kuala Lumpur, sau đó bị chở đến một vùng ngoại ô vắng vẻ. Tại đây, các sát thủ đã bắn chết Altantuya bằng súng bán tự động, thi thể của cô sau đó bị thủ tiêu bằng lựu đạn quân sự.

Sirul và các đồng nghiệp bị kết án về tội hạ sát cô gái trên vào năm 2009, tuy nhiên động cơ của vụ giết người không được làm rõ. Không một ai trong số họ từng gặp Altantuya trước khi bắt cóc cô.

 Cánh sát áp giải Sirul Azhar Umar (thứ 2 từ phải sang) đến phiên tòa tại Kuala Lumpur năm 2009. Ảnh: Reuters.

Theo Guardian, nhóm sát thủ được chính ông Baginda thuê nhằm chấm dứt sự quấy nhiễu từ Altantuya. Trước đó, nạn nhân đã đòi người tình số tiền 500.000 USD mà cô khẳng định là thuộc về mình sau khi hỗ trợ ông này trong một thương vụ mua bán tàu ngầm Pháp.

Vụ án đã đeo bám ông Najib trong suốt thời gian tại nhiệm. Tuy nhiên cơ quan điều tra chưa bao giờ tìm thấy bằng chứng thể hiện sự liên quan trực tiếp của ông đến vụ giết người, Najib luôn chối bỏ việc mình có quen biết với Altantuya.

 Chân dung nạn nhân Altantuya Shaariibuu. Ảnh: Handout.

Cuối năm 2014, Sirul bỏ trốn đến Australia khi ông đang tại ngoại để chờ phán quyết kháng cáo. Năm 2015, tòa án liên bang Malaysia tuyên bố giữ nguyên án tử với cựu cảnh sát đặc nhiệm. Cùng lúc đó, cơ quan Cảnh sát Liên bang Australia đã bắt giữ ông tại bang Queensland sau khi có lệnh truy nã từ Interpol. Sirul đã ở quá hạn visa du lịch và sau đó được đưa đến trại tạm giam Villawood.

Không có thời gian gói ghém đồ đạc, sát thủ Sirul đã để lại nhiều bằng chứng thể hiện vai trò của mình trong vụ án. Năm 2016, kênh truyền hình Al Jazeera đã công bố nhiều trang nhật ký của ông có ghi thông tin liên lạc của các quan chức chính phủ cấp cao, ví dụ như trưởng ban an ninh của thủ tướng và nhiều người khác trong bộ máy chính quyền của ông Najib.

'Sếp ơi tôi đang gặp rắc rối'

Ba ngày trước khi bị bắt tại Australia, Sirul đã gửi tin nhắn đến một người thân cận với cơ quan tình báo Malaysia.

"Chào sếp. Tôi đang gặp rắc rối. Tôi muốn 1,5 triệu USD trước khi sếp đến gặp tôi... Sau đó tôi muốn thêm 11 triệu USD nữa... Tôi sẽ không trở về Malaysia. Tôi sẽ không lật đổ ngài thủ tướng", nội dung tin nhắn giữa Sirul và nhân vật giấu tên. Nửa tiếng sau, người đàn ông đáp lại: "Họ muốn bàn bạc".

Cánh nhà báo đã đến gặp Sirul sau khi ông bị tống giam lần đầu tiên tại Australia. Trong cuộc nói chuyện với Malaysiakini, một trang báo trực tuyến của Malaysia, ông cho biết: "Tôi chỉ tuân theo mệnh lệnh. Những người có động cơ (giết Altantuya) vẫn còn được tự do". Ông nói với tờ Sydney Morning Herald: "Tôi là con tốt thí".

Có tin đồn cho rằng Sirul đã chuẩn bị một cuộc phỏng vấn từ sau song sắt nhà tù Villawood, trong đó ông sẽ "trình bày tất cả". Tuy nhiên sau đó, các nhà báo không còn được cấp quyền tiếp cận Sirul. Nhiều đề nghị của phóng viên Guardian đã bị chính quyền Australia từ chối. Tuy nhiên, các quan chức Malaysia và nhiều người trung gian vẫn được phép đến Villawood để gặp Sirul một cách thường xuyên.

 Bên ngoài nhà tù Villawood tại thành phố Sydney, Australia. Ảnh: Getty.

Đầu năm 2016, ba video ghi lại hình ảnh của cựu đặc vụ cảnh sát được đăng tải trên trang Malaysiakini. Trong đó, ông rút lại lời khai của mình và minh oan cho cựu thủ tướng Najib.

"Vị thủ tướng đáng kính Najib Abdul Razkak không có bất cứ liên hệ nào với vụ án", Sirul khẳng định.

Trong thời điểm những video trên được phát hành, ông Najib đang vật lộn để giữ chức sau vụ bê bối liên quan đến công ty đầu tư quốc gia Malaysia 1MDB. 681 triệu USD bị phát hiện được chuyển từ công ty trên đến tài khoản riêng của ông Najib. Cựu thủ tướng khẳng định đây là quà tặng của gia đình hoàng gia Saudia Arabia và rũ bỏ được mọi cáo buộc, nhưng giờ đây khi không còn tại vị, ông có thể sẽ bị điều tra và truy tố về vai trò của mình trong vụ bê bối này.

Chuyên gia Greg Lopez từ đại học Murdoch, Australia cho rằng chính phủ mới tại Kuala Lumpur rất có khả năng sẽ mở lại vụ án sát hại Altantuya.

"Việc không tìm được động cơ gây án để ngỏ câu hỏi liệu đây có phải là một vụ giết người được chính người đứng đầu chính phủ tài trợ. Najib có thể dính vào tình trạng vô cùng hiểm nghèo", ông Lopez nói. Chuyên gia này nhận định vị thủ tướng mới, ông Mahathir Mohamad, sẽ tìm cách giảm tội cho Sirul và đưa ông ta quay trở về Malaysia.

 Ông Sirul bị kết án tử vì tội giết Altantuya Shaariibuu. Ảnh: Interpol.

Ngoài ra, ông Lopez cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa chính phủ Australia với cựu thủ tướng Najib.

"Làm thế nào một đối tượng đang bị xét xử về tội giết người trong một vụ án gây chấn động bậc nhất Malaysia có thể đến Australia bằng một visa du lịch? Tại sao các quan chức Malaysia cho phép chuyến đi này và có vẻ đã thao túng ông ta trong thời gian ngồi tù? Chính phủ Australia cần trả lời những câu hỏi trên một cách thích đáng", ông Lopez nói.

"Con gái tôi không làm gì nên tội"

Ba năm qua, Sirul sống mòn mỏi trong trại giam được bảo mật bậc nhất Australia với chi phí ít nhất 800.000 USD. Năm 2017, cơ quan nhập cư và bảo vệ biên giới Australia cho biết ông có thể bị từ chối cấp visa bảo vệ vì đã gây một tội ác không liên quan đến chính trị trước khi nhập cảnh vào quốc gia này. Thông báo trên cho biết có "một thông tin bất lợi chống lại đơn đăng ký visa của ông".

Nội dung thông tin bất lợi được nhắc đến ở trên không được công bố. Trong vài tuần qua, nhiều cuộc họp qua điện thoại giữa các luật sư của Sirul ở Australia và cơ quan này đã diễn ra.

Đối với Sirul, ông không thể tiếp tục im lặng nếu muốn chứng tỏ mình "đủ tư cách để được cấp visa bảo vệ" và được thả tự do.

Điều gì đã khiến cựu lãnh đạo thuộc đảng UMNO Datuk Khairul phải đến thăm Sirul vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên kể từ khi ông này bị tống giam, vị cựu quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền của Najib đã đến nhà tù Villawood 3-4 lần trong một năm. Hai chuyến thăm gần đây nhất là vào tháng 2 và cách đây 2 tuần khi Datuk Khairul ở lại khoảng một tiếng rưỡi.

 Ông Setev Shaariibuu gạt nước mắt khi nói về con gái, nạn nhân bị Suril giết hại. Ảnh: AFP.

Năm 2016, bố của nạn nhân Altantuya, ông Setev Shaariibuu, một giáo sư về hưu tại đại học Ulaanbaatar, Mông Cổ vẫn đang cố gắng chấp nhận điều đã xảy ra với con gái của mình.

"Con gái tôi không làm gì nên tội với đất nước Malaysia, có thể con bé làm ai đó giận dữ hoặc nổi cơn thịnh nộ, nhưng nó không phải là khủng bố, nó không giết ai và cũng không nhập cư trái phép. Đã có rất nhiều tiền, quyền lực và toan tính cẩn trọng đằng sau vụ việc này. Đó là điều rõ ràng".

"Cuộc sống của Altantuya đã bị tước mất, con bé đã bị hành hình. Một ngày nào đó kẻ đã gây ra tội ác này sẽ phải bị trừng phạt", người cha gạt nước mắt nói.