Quấy rối người tiêu dùng, FE Credit sẽ bị thanh tra
- 11:16 14-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hợp đồng mở thẻ tín dụng Fe Credit gửi cho khách hàng không có chữ ký và con dấu của công ty. Trên thẻ ghi hướng dẫn khách hàng chủ động mới kích hoạt được thẻ, nhưng thực tế không phải vậy. Ảnh: Phạm Thanh. |
Cơ quan Thanh tra Giám sát vừa có văn bản phản hồi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) liên quan FE Credit. Việc thanh tra đối với FE Credit đã được cơ quan này đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2018. Quá trình thanh tra FE Credit, cơ quan này sẽ xem xét các nội dung người tiêu dùng phản ánh để xử lý theo quy định.
Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã có văn bản gửi Cơ quan Thanh tra Giám sát thông tin ghi nhận ý kiến phản ánh của người tiêu dùng liên quan tới FE Credit. Theo đó, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân liên quan tới giao dịch vay tiền để mua mỹ phẩm Deaura và hành vi liên hệ thu hồi nợ của FE Credit có dấu hiệu quấy rối, đe dọa người tiêu dùng (Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh mới đây).
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian qua hoạt động cho vay tiêu dùng có dấu hiệu lừa đảo, chộp giật có nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân như: Hoạt động của nhiều đơn vị không có giấy phép, không đúng chức năng; Quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, từ khâu cấp phép tới quản lý, giám sát hoạt động; Người tiêu dùng không tìm hiểu, đọc kỹ thông tin, dẫn tới rơi vào bẫy. “Nếu giải quyết được những nguyên nhân đó, hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ đi vào khuôn phép, hạn chế thiệt hại của những người nghèo, người kém hiểu biết”, ông Kiêm nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, để hoạt động cho vay tiêu dùng đúng chuẩn mực, cơ quan chức năng cần giám sát, kiểm tra thường xuyên. Qua đó tránh việc các công ty tài chính lạm dụng đòi nợ kiểu “xã hội đen”, quấy rối người vay. Theo ông Huỳnh, những năm qua Trung tâm Trọng tài đã phân xử một số vụ việc liên quan tới vay tiêu dùng, nhưng số lượng chưa nhiều. Vì cả công ty và người vay đều ái ngại khi đưa ra cơ quan chức năng . “Trong khi vay ngoài nếu vượt ngưỡng sẽ bị xem là cho vay nặng lãi, nhưng các công ty tài chính lại không bị ràng buộc điều này, dù rủi ro nên lãi suất cao hơn. Do đó, cần có hạn mức khống chế để đảm bảo hài hòa lợi ích người vay và tổ chức cho vay”, ông Huỳnh nói.
Sau loạt bài của Tiền Phong về cách hành xử kỳ lạ của nhân viên FE Credit, đại diện doanh nghiệp này vẫn trả lời quanh co.