Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ông Đinh La Thăng và cấp dưới đổ lỗi cho nhau

Các cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đều cho rằng trách nhiệm trong sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc về người khác.

Chiều (14/5), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án phúc thẩm với ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí – PVN) cùng 13 người xin xem xét lại tội danh, kêu oan, xin giảm án, giảm trách nhiệm dân sự về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và Tham ô tài sản (điều 165, 278 Bộ luật Hình sự 1999).

Bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên đầu năm 2018 xác định ông Thăng cùng 21 bị cáo đã có các hành vi: chỉ định thầu xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trái luật, ký hợp đồng thi công tổng thầu không đủ cơ sở pháp lý (hợp đồng 33), tạm ứng 6 triệu USD và hơn 1.000 tỷ vốn trái quy định, sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích gây thiệt hại 119 tỷ đồng, "rút ruột" 13 tỷ đồng quỹ dự án Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch.

Tại phiên phúc thẩm mở từ ngày 7/5, nhiều bị cáo đã "gỡ" trách nhiệm của mình bằng việc chứng minh đó là nhiệm vụ của người khác. Các cựu lãnh đạo cao cấp của PVN cho rằng chỉ có lỗi trong vai trò của người đứng đầu. Còn thuộc cấp của họ lại khăng khăng có việc làm sai do phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên.

Ông Thăng ‘đổ lỗi’ cho PVPower và PVC

 Ông Đinh La Thăng bị toà sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù, bồi thường 30 tỷ đồng. Ảnh: TTXVN

Từ khi bắt đầu phiên phúc thẩm tới lúc nói lời sau cùng, cựu chủ tịch PVN đều không thừa nhận có hành vi cố ý làm trái, có chăng chỉ là phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với trách nhiệm của người đứng đầu.

Với cáo buộc chỉ định thầu trái luật, ông Thăng khẳng định làm đúng quy trình, được sự cho phép của Chính phủ. Ông đưa ra nhiều bằng chứng cho rằng ở thời điểm được chỉ định thầu PVC có đủ điều kiện cả về tài chính, kinh nghiệm. Khi bị truy vấn về những dấu hiệu thể hiện PVC sa sút về tài chính, có lúc ông Thăng gay gắt đáp rằng: "Tôi có tài thánh cũng không thể biết được ba năm sau khi được chỉ định thầu PVC làm ăn thua lỗ". Ông một mực khẳng định không chỉ định thầu kiểu "vô tội vạ".

Theo cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng việc đánh giá năng lực của PVC thuộc về Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower, chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) thực hiện. "Chính PVPower đánh giá PVC hoàn toàn đủ năng lực kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm rồi chọn PVC là tổng thầu. Sau này khi dự án chuyển sang chủ đầu tư là PVN thì lập tiếp một tổ thẩm định, kết quả cho thấy PVC đã đáp ứng đủ các yêu cầu”, một lời khai khác của ông Thăng.

Về việc ký hợp đồng số 33, cựu chủ tịch PVN đưa ra nhiều căn cứ chứng minh đó là trách nhiệm của chủ đầu tư thời điểm đó (PVPower) và nhà thầu PVC. Bị cáo cho hay hai công ty con của PVN này có pháp nhân độc lập trước pháp luật.

 Ông Đinh La Thăng tại phiên phúc thẩm. Ảnh: N.A.

Trước lời khai của cựu tổng giám đốc PVPower Vũ Huy Quang cho rằng đã báo cáo về những thiếu sót của hợp đồng 33 trong cuộc họp diễn ra ngày 31/3/2011, ông Thăng khẳng định không nhận được cảnh báo nào.

Khi các thuộc cấp cũ ở PVC, PVPower nói đã gửi nhiều văn bản phản ánh hợp đồng 33 không đủ điều kiện, can gián việc ký tạm ứng vốn, ông Thăng cũng phản bác. “Chính các anh ấy là người ký hợp đồng, chọn thầu rồi giờ lại đổ cho lãnh đạo cấp trên. Nếu nhận được văn bản thì tôi phải bút phê, chỉ đạo, nhưng tôi không nhận được, không biết hợp đồng được ký khi không có căn cứ”, ông Thăng khai.

Với việc tạm ứng tiền cho PVC sai quy định, ông Thăng chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu và cho rằng chịu trách nhiệm chính thuộc về những người trực tiếp ứng tiền sai.

"Hợp đồng thoả thuận chỉ tạm ứng có 6% thôi nhưng bị cáo chỉ đạo 10% trong khi nhiều hạng mục chưa thực hiện", chủ toạ nói và ngay lập tức ông Thăng đáp: “Tôi không đôn đốc ép gì ai trong việc tạm ứng cả, chỉ yêu cầu thực hiện đúng quy định, đảm bảo tài chính dự án để thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ". Ông Thăng còn lập luận, chính bởi không biết nội dung hợp đồng 33 mới chỉ đạo tạm ứng 10% theo quy định chung.

HĐXX sau đó nhắc lại lời khai của ông Vũ Hồng Chương (cựu giám đốc ban quản lý dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2) rằng bị ông Thăng gọi vào phòng, lúc này có mặt hai phó tổng giám đốc PVN là ông Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn. Ở đây, ông Chương khai ông Thăng chỉ đạo ông Sơn phải chuyển tiền ngay cho PVC cả nghìn tỷ đồng ngay trong ngày. Ông Thăng phủ nhận lời khai của ông Chương.

Chủ tọa cho rằng nếu không có chỉ đạo của Thăng thì Phó tổng giám đốc PVN phụ trách tài chính Nguyễn Xuân Sơn khó mà chuyển tiền tạm ứng. Ông Thăng đáp: Ông Sơn làm theo vai trò, trách nhiệm ở vị trí đó.

Ông Phùng Đình Thực: Trách nhiệm thuộc về ông Khánh, Sơn

Tương tự ông Thăng, cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực cũng bị TAND Hà Nội tuyên phạm tội Cố ý làm trái với hình phạt 9 năm tù. Hành vi của ông Thực bị kết tội gồm: chỉ đạo ký hợp đồng 33 sai quy định, tạm ứng tiền khi không đủ điều kiện tạo cơ hội cho PVC sử dụng tiền sai mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Tại phiên phúc thẩm, ông Thực khai vai trò của mình tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 "rất hạn chế" do sự phân công phân cấp của PVN. Tổng giám đốc PVN chỉ điều hành chung đã phân công cụ thể cho ba phó tổng giám đốc và họ chủ động giải quyết công việc, chịu trách nhiệm đến cùng. Họ chỉ báo cáo xin ý kiến cấp trên khi gặp vấn đề khó giải quyết. Theo ông Thực, mô hình hoạt động này cấp sơ thẩm "chưa nghĩ đến".

Ông Thực khai trong việc ký hợp đồng 33, bản thân đã phân công phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh quản lý, đôn đốc. Sau này khi chuyển đổi chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 từ PVPower về PVN, ông Thực cũng ủy quyền cho ông Khánh ký. Còn việc tạm ứng tiền cho PVC, ông khai đã giao toàn quyền quyết định cho ông Nguyễn Xuân Sơn.

Trong phiên tòa lần này ông Thực cùng luật sư của mình đã đưa ra căn cứ chứng minh không nhận được cả bốn văn bản do PVPower và PVC gửi lên tập đoàn để phản ánh bất cập về hợp đồng 33, cũng như điều kiện cấp tạm ứng mà TAND Hà Nội dùng làm căn cứ buộc tội. 

Ông Thực chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu trong việc kiểm tra giám sát nhưng không nhận tội Cố ý làm trái. 

Cấp dưới khai chỉ thừa lệnh của lãnh đạo tập đoàn

Trong phần xét hỏi sáng 8/5, ông Nguyễn Quốc Khánh khai việc gây ra thiệt hại do tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai chủ yếu liên quan tới tài chính kế toán. Bị cáo chỉ được giao nhiệm vụ quản lý về kỹ thuật, điện của dự án.

Theo ông Khánh, việc lựa chọn đàm phán nhà thầu được Hội đồng thành viên PVN giao cho chủ đầu tư là PVPower, vì thế "không có vai trò" của ông.

Nhân chứng Vũ Huy Quang (cựu tổng giám đốc PVPower) cho hay phải ký hợp đồng 33 “do sức ép tiến độ lớn” từ PVN khi ông Khánh trực tiếp tổ chức các cuộc họp đôn đốc. Dù biết hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện, ông Quang vẫn phải ký và tiếp tục hoàn thiện sau.

 Cựu tổng giám đốc PVC Tống Đức Thuận (trái) và cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh. Ảnh: TTXVN

Một số bị cáo khác như: Ninh Văn Quỳnh (cựu trưởng ban tài chính kế toán PVN), Trần Văn Nguyên (cựu phó ban tài chính kế toán PVN) cũng đều khai thực hiện hành vi phạm tội do phục tùng mệnh lệnh cấp trên.

VKS khi kết luận vào cuối phần tranh luận đã nhận xét: "Có một thực tế là cứ cấp trên chỉ đạo là cấp dưới làm, biết sai vẫn làm vì tin rằng ở trên có trách nhiệm cao hơn".

Trước khi vào nghị án, VKSND Cấp cao đề nghị HĐXX áp dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ với ông Đinh La Thăng dù không kiến nghị giảm mức hình phạt. Các ông Phùng Đình Thực, Nguyễn Ngọc Quý (cựu HĐTV PVC), Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC), Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVC)... cũng được VKS đề nghị giảm hình phạt.

Bản án sơ thẩm xác định, cuối năm 2007, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình, gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đầu năm 2008, PVN giao cho công ty con là Điện lực Dầu khí (PVPower) làm chủ đầu tư.

Nhà chức trách cho rằng để tạo điều kiện cho PVC, ngày 22/1/2010, ông Đinh La Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN) xin Thủ tướng đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai cần được chỉ định thầu và được chấp nhận.

Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang và Vũ Đức Thuận đã ký Hợp đồng EPC số 33.

Ngày 1/3/2011, PVN và PVPower tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Một ngày sau, theo chỉ đạo của ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận, PVC có công văn gửi PVPower đề nghị tạm ứng 72 triệu USD.

Do không có vốn nên cùng ngày này, chủ tịch PVPower Đỗ Chí Thanh đã ký công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ quý I/2011 cho PVPower để có tiền tạm ứng cho PVC.

Với lý do PVPower không đủ năng lực làm chủ đầu tư, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ông Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo hợp đồng EPC.

PVN sau đó tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng trái với các quy định của Nhà nước tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng sai mục đích hơn 1000 tỷ đồng, gây thiệt hại 119 tỷ đồng.