Đinh La Thăng đối đáp gì khi VKS đề nghị tuyên y án 13 năm tù?
- 14:12 11-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 11/5, trong phần tranh tụng ở ngày thứ 5 diễn ra phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí - PVN) khẳng định bản thân không đồng tình với bản luận tội của đại diện VKSND một ngày trước.
'Không phải là người đứng đầu thì việc lớn, bé đều phải biết'
Mở lời tranh tụng, ông Đinh La Thăng chia sẻ sau khi tòa sơ thẩm tuyên án 13 năm, bản thân ông rất đắn đo việc có nên kháng cáo hay không? Nguyên Chủ tịch PVN giãi bãy, qua 2 lần ra tòa, ông có kinh nghiệm rằng càng nói thì bị cáo càng nặng tội thêm bởi những trình bày đó bị coi là quanh co, chối tội.
Xưng "tôi" tại tòa, ông Thăng cho rằng tòa sơ thẩm đã không xem xét nhiều luận cứ bào chữa của luật sư và lời khai bị cáo. Do đó, ông đã quyết định kháng cáo để mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN. |
Sau chút suy tư, bị cáo 58 tuổi cám ơn đại diện VKS đã đề nghị giảm án cho rất nhiều bị cáo từng là đồng nghiệp cấp dưới của mình. “Mong HĐXX xem xét để có thể giảm mức tối đa mức án cho những người này”, ông Thăng bày tỏ.
Nói về những cáo buộc của đại diện VKS 2 ngày trước, Đinh La Thăng cho rằng bản thân rất băn khoăn và không đồng tình với quan điểm đề nghị giữ nguyên các nội dung tại bản án sơ thẩm.
Theo bị cáo, ngoài những căn cứ tòa sơ thẩm chưa xem xét, tại phiên tòa phúc thẩm lần này, nhiều diễn biến mới cũng không được VKS cập nhật vào bản luận tội để làm cơ sở đánh giá.
Đinh La Thăng cho rằng phần buộc tội của đại diện VKS gần như nguyên văn với nội dung của bản án sơ thẩm. “Tôi cảm nhận gần như tất cả những gì dù không phải trách nhiệm của tôi đều buộc tội, đều do Đinh La Thăng chỉ đạo”, người đứng trước bục khai báo nói.
Sau gần nửa giờ trình bày, bị cáo Thăng đề nghị tòa xem xét, những gì thuộc thẩm quyền của bản thân, nếu có sai phạm thì mới quy kết trách nhiệm cho ông ta.
“Việc của người khác đề nghị không gắn cho cá nhân tôi”, cựu Chủ tịch PVN quả quyết nói và mong tòa xem xét không có nghĩa là người đứng đầu thì mọi việc từ lớn đến bé cũng đều phải biết, phải chịu trách nhiệm.
Đinh La Thăng có tình tiết giảm nhẹ mới?
Trước đó, khi bào chữa cho bị cáo Thăng, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có trách nhiệm của 4 thành phần: Chủ tịch và HĐTV PVN; Ban Tổng giám đốc PVN, Ban quản lý dự án; các đơn vị thành viên độc lập gồm PVC và PVPower.
Luật sư phân tích, bản án sơ thẩm quy kết ông Đinh La Thăng biết PVC không đủ năng lực nhưng vẫn cho chỉ định tổng thầu dự án. Tuy nhiên, tháng 8/2011, ông Thăng đã chuyển công tác mới.
Sau đó, những người kế nhiệm đã lập tổ kiểm định để kiểm tra năng lực nhà thầu của đơn vị thành viên PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch. Bản kết luận thẩm định do nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh gửi HĐTV PVN cho thấy, PVC có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kiến nghị xem xét PVC là tổng thầu dự án.
Luật sư Phan Trung Hoài tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Việt Hùng. |
“Đến nay, PVC vẫn là tổng thầu duy nhất của dự án Thái Bình 2, tiến độ đã đạt được 93%”, luật sư Hoài cho biết.
Tiếp đó, các luật sư nêu quan điểm về việc tòa sơ thẩm quy buộc Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký hợp đồng số 33 trái pháp luật. Theo người bào chữa, bản chất hợp đồng này là để thực hiện dự án nhiệt điện, không phải để ứng tiền cho PVC.
Án sơ thẩm cũng kết luận bị cáo 58 tuổi đã chỉ đạo việc tạm ứng tiền PVC khi hợp đồng chưa hoàn thiện, dẫn đến việc Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tham ô. Về nội dung này, luật sư cho hay trong hồ sơ vụ án, các chứng cứ thể hiện ông Thăng chỉ đạo việc tạm ứng xuất phát từ những lời khai của Vũ Huy Quang (nguyên Tổng giám đốc PVPower)
Trước tòa phúc thẩm, luật sư đề nghị qua các tài liệu thu thập được, nhóm bào chữa mong HĐXX và đại diện VKS xem xét tính xác thực, tính liên quan của các chứng cứ đó.
Tiếp tục luận cứ bào chữa, các luật sư khẳng định thân chủ của mình không hề biết việc Ban quản lý dự án nhiệt điện đã 3 lần ứng tiền cho PVC với tổng số tiền gồm 6,6 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng.
Luật sư lý giải, trong một cuộc họp giao ban tại công trường sau khi PVC được ứng tiền, HĐTV và Chủ tịch Đinh La Thăng đã yêu cầu PVC phải chi tiêu tiền tạm ứng đúng pháp luật.
Ngoài ra, theo quan điểm bào chữa, PVPower là đơn vị có quyết định cuối cùng về việc phê duyệt chỉ định nhà thầu dự án. Trong bản kết luận thẩm định, PVPower đã khẳng định PVC có đủ năng lực nhà thầu. Do đó, luật sư cho rằng trong vụ án này, để xảy ra những hậu quả tại PVC, PVPower mới là chủ thể thiếu trách nhiệm.
Cuối cùng, người bào chữa kiến nghị HĐXX và đại diện VKS ghi nhận một diễn biến mới tại phiên tòa phúc thẩm. Theo đó, luật sư cho rằng việc ông Thăng thừa nhận thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm là một sự thành khẩn.
“Việc ông Thăng nhận trách nhiệm cho thấy suy nghĩ mới, tư duy mới và nhận thức mới, có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ”, luật sư đánh giá.
Đại diện VKSND luận tội tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: T.X. |
Một ngày trước, khi luận tội, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án các bị cáo Đinh La Thăng, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Quý, Ninh Văn Quỳnh, Lương Văn Hòa và Trương Quốc Dũng.
7 người khác được đại diện VKS kiến nghị cấp phúc thẩm chấp nhận mong muốn xin giảm nhẹ hình phạt, gồm: Nguyễn Quốc Khánh, Lê Đình Mậu, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Nguyễn Mạnh Tiến và Phùng Đình Thực.