Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ trưởng Giáo dục đề xuất chính sách lương, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị T.Ư xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định chung và nằm trong nhóm có lương và phụ cấp ở mức cao trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Chiều 9/5, Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng (khóa XII) đã thảo luận cho ý kiến về “Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị TƯ xem xét quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án và nằm trong nhóm có lương và phụ cấp ở mức cao trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Mức lương cơ bản của đội ngũ giáo viên sẽ được điều chỉnh tăng lên

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”.

Theo Bộ trưởng Nhạ, thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tiền lương nói riêng, thu nhập nói chung của nhà giáo ngày càng được cải thiện. Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên thông qua việc bổ sung một số phụ cấp đặc thù như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề; mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục...

Chính sách tiền lương và các loại phụ cấp theo lương hiện hành đã góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chuyên tâm công tác, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà, nhất là tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Theo Đề án "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" trình Hội nghị T.Ư lần này, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng sẽ được điều chỉnh tăng lên.

Tuy nhiên, xét về tổng thể cơ cấu tiền lương theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên tăng không đáng kể so với mức hiện nay, nhất là giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đề xuất giáo viên nằm trong nhóm có lương và phụ cấp ở mức cao

Cho dù lương cơ bản như dự kiến trong Đề án tăng thì tổng thu nhập từ lương (lương + phụ cấp) của giáo viên sẽ tăng nhưng tăng không đáng kể so với hiện nay, trong khi tổng thu nhập từ lương của các ngành khác tăng đáng kể khi thực hiện theo Đề án này.

Khẳng định đội ngũ nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu chung của công việc, giáo viên cần được động viên để gắn bó, tâm huyết với nghề, phát huy sự sáng tạo, đổi mới trong quá trình dạy học.

Đặc biệt, cần động viên xứng đáng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các điểm trường lẻ ở thôn/bản xa xôi, hẻo lánh. “Các giáo viên nơi đây không chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, mà nhiều trường hợp còn như những người cha, người mẹ chăm sóc học sinh, đem con chữ đến với đồng bào ở những vùng khó khăn nhất”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, hiện nay, có rất ít học sinh giỏi muốn vào ngành sư phạm, vì vậy cần có chính sách thu hút, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, trước hết là các chính sách về lương, thưởng.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị T.Ư xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án và nằm trong nhóm có lương và phụ cấp ở mức cao trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp.