Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Con ông cháu cha, cả họ làm quan: Vì sao dai dẳng?

Nhìn nhận sâu xa, hiện tượng “chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu” là hệ quả trực tiếp từ cơ chế khép kín, cục bộ, địa phương trong công tác cán bộ.

Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề: làm thế nào để “khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền hay thân quen, cánh hẩu?”.

Đây không chỉ là nỗi trăn trở của người đứng đầu Đảng ta và cũng không phải bây giờ mới được đặt ra. Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ. Nhưng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Đảng đã có thực tiễn trải qua hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII “Về chiến lược cán bộ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, và 12 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý”. Thành tích đạt được cũng nhiều, kinh nghiệm rút ra cũng lắm, nhưng cũng còn không ít những hạn chế, yếu kém.

Nhìn nhận sâu xa, hiện tượng “chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu” là hệ quả trực tiếp, xuất phát từ cơ chế khép kín, cục bộ, địa phương trong công tác cán bộ. Do đó, từ thực tiễn mấy chục năm ấy, có thể tìm ra giải pháp cho hiện tượng trên là loại bỏ trình trạng này, xây dựng, hoàn chỉnh, thực hiện nghiêm túc cơ chế luân chuyển, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở không phải là người địa phương đó.

 Làm sao ngăn những tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ. Ảnh minh họa

Cũng vì khép kín, cục bộ, địa phương trong công tác cán bộ mà trong những năm qua xuất hiện tình trạng “so bó đũa, chọn cột cờ”, “vơ bèo, vạt tép” cả những người không đủ tiêu chuẩn về đức và tài.

Chuyện có thật, ở một nơi nọ, khi chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo, có lãnh đạo Trung ương xuống tìm hiểu tình hình một ngành. Khi biết có ý kiến cho rằng, người đứng đầu ngành đó có biểu hiện ham hố quyền lực, nịnh trên, nạt dưới, không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương, vị lãnh đạo hỏi ý kiến người đứng đầu cấp ủy đảng của ngành, thì người này trả lời rằng: Chúng em chỉ có thế, Trung ương không dùng thì chúng em cũng chả biết chọn ai!

Cuối cùng người đứng đầu ngành kia vẫn “trúng”. Sau này, chính “ngọn cờ” chọn ra từ “bó đũa” đó đã bị “gãy” giữa chừng. Nhiều người cho rằng, giá mà khi đó cấp trên chọn cho được “cột cờ” đủ tiêu chí từ nơi khác luân chuyển về để “phất lên” cho ngành này thì tốt biết mấy!

Trong lịch sử, ông cha ta đã có Luật Hồi tỵ, quy định không được bổ nhiệm một người làm quan ngay tại nơi người đó sinh ra và lớn lên. Làm quan rồi thì không được bổ nhiệm người thân vào các chức vụ liên quan.

Nếu chúng ta “gạn đục khơi trong” vận dụng kinh nghiệm của ông cha ta, kết hợp với quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, đồng thời khép chặt kỷ cương kỷ luật, giám sát, kiểm tra thì hoàn toàn có thể hạn chế, ngăn chặn được hiện tượng “con ông cháu cha”, cả họ làm quan, chọn người nhà hơn chọn người tài, bổ nhiệm thần tốc... ở không ít bộ, ngành, địa phương thời gian qua.

Từ thực tiễn 12 năm thực hiện Nghị quyết về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, chúng ta hoàn toàn có khả năng thống kê, điều tra, khảo sát, hỏi ý kiến người dân về hiệu quả công tác của những cán bộ lãnh đạo quản lý ở cả Trung ương và địa phương, những ai là "hậu duệ”, những ai là cùng họ hàng, thân thích của các “sếp”, những cán bộ nào thuộc cánh hẩu. Cũng từ đó có thể xác định được những cán bộ lãnh đạo nào không thuộc các diện trên mà phẩm chất, năng lực yếu kém thì gần như chắc chắn là do “chạy” mà lên.

Từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta cũng hoàn toàn có thể thống kê, đánh giá 12 năm qua có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo quản lý được luân chuyển về các bộ, ngành địa phương vừa công tác hiệu quả, vừa không để xảy ra hiện tượng sắp xếp, đề bạt, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, chạy theo lợi ích nhóm cho “hậu duệ”, “con ông cháu cha”, dòng họ, cánh hẩu. Từ đó phổ biến, nhân rộng việc luân chuyển đến cán bộ lãnh đạo quản lý, không chỉ ở cán bộ cấp chiến lược mà đến đồng bộ trong hệ thống chính trị như cấp bộ, ngành, địa phương, cấp huyện và cơ sở...

Chính thực tiễn cuộc sống mấy chục năm qua sẽ cho ta câu trả lời về chọn khâu đột phá trong công tác cán bộ hiện nay.

Trong ngày làm việc thứ 2 (ngày 8/5) của hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng khoá 12, liên quan đến việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chủ trương này, cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.