Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quốc Vượng: Thế hệ tôi từng tự hào khi ăn chân người khác

Cựu tiền vệ U23 Việt Nam Lê Quốc Vượng đã có những chia sẻ với PV về nỗi ám ảnh bóng đá bạo lực đang trở lại trên những sân cỏ Việt Nam.

 Quốc Vượng từng là một trong những tiền vệ trung tâm tài hoa nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh.

Bóng đá bạo lực đang trở lại trên những sân cỏ Việt Nam? Sau giai đoạn đầu suôn sẻ, những vòng V.League và hạng Nhất gần đây đã chứng kiến hàng loạt trận cầu bạo lực, những chấn thương rùng rợn, nhiều pha bóng khiến người hâm mộ phải quay mặt đi.

Tình huống vào bóng của Sầm Ngọc Đức dành cho Phan Văn Đức, những cú ra chân của cầu thủ Khánh Hòa trong trận gặp HAGL hay chấn thương rùng rợn của Dương Văn Hào ở giải hạng Nhất, tất cả đã phủ một màu tối lên bức tranh chuyên nghiệp 2018. Zing.vn đã có cuộc trao đổi về chủ đề này với cựu tiền vệ U23 Việt Nam Lê Quốc Vượng.

- Những ngày qua, trên các diễn đàn mạng, nhiều CĐV nói rằng họ phải quay mặt đi khi xem các tình huống vào bóng trong trận SLNA - TP.HCM hay pha chấn thương của Dương Văn Hào. Anh nghĩ gì về điều đó?

- Những trận cầu như TP.HCM với SLNA, tôi không muốn xem và cũng không muốn nghe lý do nữa. Bóng đá châu Âu như Atletico Madrid hay Chelsea cũng dùng tiểu xảo, cũng dằn mặt nhau đấy. Nhưng họ không triệt hạ ai.

Chúng ta không thể lấy tinh thần quyết liệt để bào chữa cho lối đá rắn và triệt hạ đối phương. Hai thứ đó khác nhau, tinh thần quyết liệt, quyết tâm cống hiến khác với chơi láo, khác với triệt hạ. Ngay từ đầu, các em phải nghĩ rằng các em vào sân để thể hiện và thắng người ta bằng chuyên môn.

- Bóng đá Việt Nam đã lên chuyên nghiệp được hơn 10 năm. Nhưng suy nghĩ “đá cho chúng nó sợ” hình như vẫn còn tồn tại?

- Bạn nói đúng. Tôi biết từng có những người tự hào vì ăn chân, vì làm đau người khác. Có nhiều cầu thủ ngày xưa ra sân bảo nhau 'Ô, hôm nay tao đá cho thằng kia đau mà trọng tài không biết'. Bóng đá của thế hệ tôi lúc ấy là như thế.

- Bản thân anh từng bị đối phương chơi xấu bao giờ chưa?

- Đó là trận SLNA gặp Cảng Sài Gòn ở mùa giải 2005. Mới phút thứ 5, tôi đã bị anh Nguyên Chương vào một quả với ý đồ dằn mặt triệt hạ. May là tôi quá khỏe nên không sao. Chứ nếu tôi có vấn đề gì thì đêm đấy tôi có để yên, anh em ở ngoài cũng không để yên đâu. Đó là tình huống cố tình đá gãy chân tôi mặc dù tôi cũng chơi với anh Chương ngoài đời.

 Huỳnh Tấn Tài (Long An) phân trần sau pha phạm lỗi nguy hiểm khiến Dương Văn Hào chấn thương nặng. Ảnh: Giang Nguyễn.

- Vậy là sau bao nhiêu năm từ đó tới nay, cầu thủ Việt Nam vẫn chưa hiểu được nỗi đau của việc dính chấn thương.

- Đúng vậy. Đời cầu thủ chỉ có một đôi chân. Khi ta còn đá hay thì người ta tung hô, chứ khi ta chấn thương thì không còn gì đâu. Tôi hay bảo các em rằng cứ thử là cha là mẹ xem. Các em có đứa con đá bóng hay, sướng lắm, tự hào lắm chứ.

Nhưng khi nó bị đau, nằm một chỗ, ăn ngủ đều một chỗ, đó là nỗi đau chứ còn là gì nữa? Nếu các em trẻ hiểu được điều đó, các em sẽ tôn trọng đồng nghiệp và tôn trọng chính đôi chân của mình.

- Vậy còn anh thì sao? Anh đã bao giờ chơi xấu đối thủ?

- Tôi nhớ có một lần tại vòng bảng SEA Games 2005, trận gặp U23 Thái Lan, tôi bị Thonglao đá xấu một cái. Suốt cả trận ấy, tôi cứ chăm chăm đi theo, “đè” cậu ta ra để “phang” lại. Ngoài lần ấy ra, ở Việt Nam, tôi hầu như không chơi xấu ai vì các bạn khác cũng ngại đá láo với tôi. Bản thân tôi không chủ động đá láo với ai bao giờ.

Thời chúng tôi còn đá, ai cũng sợ SLNA không phải vì chúng tôi đá láo mà bởi họ biết nếu họ đá láo với chúng tôi, nếu có ai đó ở SLNA bị đau thì bằng mọi giá, cả đội chứ không chỉ người bị phạm lỗi sẽ “trả đũa” bằng được. Chúng tôi sẽ trả lại không hề nhẹ, không chỉ một lần, không chỉ một trận. Đó là tinh thần đoàn kết của SLNA từng khiến các đối thủ nể sợ.

Nhưng suy nghĩ ấy giờ không còn phù hợp nữa rồi.

- Mọi người hay hỏi tôi rằng thế người ta đá xấu mình thì mình phải làm gì? Tôi bảo em chỉ cần trau dồi chuyên môn tốt hơn thôi. Đừng đá láo. Mình đá láo người ta thì mình sẽ phải đề phòng người ta trả đũa mình. Hai bên cùng láo, cuối cùng có được gì không? Anh nói suy nghĩ ấy không còn phù hợp. Vậy cầu thủ hiện tại nên nghĩ sao về chuyện này?

- Các em trẻ ngày nay được va chạm, tiếp xúc rất nhiều. Trong thời đại bùng nổ Internet, các HLV Việt Nam cũng học được về chiến thuật nhiều hơn, hiểu được tư tưởng bóng đá hiện đại hơn. Tôi xem V.League thì thấy các tình huống vào bóng ác ý, cố tình triệt hạ còn rất ít. Đương nhiên, bây giờ ta vẫn thấy còn những cầu thủ dễ nổi nóng, muốn trả đũa. Nhưng bạn bảo tôi là nhiều người cố tình đá cho đối phương đau, đá cho đối thủ chấn thương nặng ư? Tôi nghĩ không còn nhiều và chỉ là cá biệt.

 Tình huống Phan Văn Đức (áo trắng) va chạm với Đinh Tiến Thành trong trận SLNA gặp Thanh Hóa tại V.League 2018. Ảnh: Minh Chiến.

- Để ngăn chặn bóng đá bạo lực, anh sẽ nói gì với các cầu thủ trẻ ngày nay?

- Tôi mong các em bây giờ thay đổi tư duy, đừng đá thế nữa. Khi mình bị người ta đá, mình cứ chăm chăm trả đũa thì mình sẽ không tập trung được vào chuyên môn trận đấu. Thay vì thế, mình cứ suy nghĩ và phát triển chuyên môn thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Chúng ta tôn trọng nhau thì chính ta sẽ chơi bóng được lâu hơn, bóng đá Việt Nam tốt hơn, tuổi nghề của ta sẽ dài hơn.