Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Rừng phòng hộ hồ Vực Mấu bị 'xẻ thịt', trách nhiệm thuộc về ai?

Vì sao hàng chục ha RPH xung yếu đầu nguồn hồ Vực Mấu bị “xẻ thịt” từ nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng không thể ngăn chặn?

 RPH đầu nguồn hồ Vực Mấu bị khai thác trồng keo

Theo Hạt Kiểm lâm (HKL) thị xã Hoàng Mai, khu vực Đuôi Thằn lằn trước đây là rừng cây bụi, được giao cho các hộ dân khoanh nuôi bảo vệ. Qua nhiều lần chuyển chủ rừng cho các đơn vị mới thành lập, đến năm 2007 khu vực này được giao cho BQL RPH huyện Quỳnh Lưu quản lý. Thế nhưng, đơn vị này không có vốn trồng rừng. Trong khi đó, nhiều hộ dân xã Quỳnh Trang đã lấn chiếm, chặt rừng, trồng mới trong sự bất lực của cơ quan chức năng.

Ông Lê Ngọc Hữu, Hạt trưởng HKL thị xã Hoàng Mai cho biết, về nguyên tắc, không thể tự ý “cạo trọc” RPH để trồng lại. Việc khai thác phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án và buộc phải khai thác theo thiết kế.

“Lúc đầu, họ mới chiếm một ít nhưng sau diện tích tăng dần. Lần này, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hành vi khai thác rừng không đúng quy định, sau đó giao cho UBND xã Quỳnh Trang xử lý. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, đây là RPH nhưng dân tự đầu tư trồng, nếu ngăn chặn quyết liệt ngay từ đầu thì không xảy ra cơ sự này. Bây giờ xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhưng dù ai đầu tư trồng trên đất RPH thì việc khai thác cũng phải theo đúng thủ tục quy định”, ông Hữu cho biết.

Về trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn, ông Hữu cho rằng: “Trước đây, khi chưa tách huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, việc quản lý đã có nhiều bất cập dẫn đến một dự án bảo vệ khoanh nuôi rừng trạng thái 1b, 1c bị người dân xóm 12, 13 lấn chiếm. Nếu lúc đó, cơ quan chức năng, UBND huyện Quỳnh Lưu làm nhất quán, thống nhất xử lý dứt điểm thì không để lại hậu quả như bây giờ. Giờ mất rừng, chủ rừng phải chịu trách nhiệm, 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách 3 - 4 xã không thể kiểm soát hết được. Khi sự việc xảy ra, chủ rừng phải báo cáo, lập biên bản giao cho chúng tôi để tham mưu cho xã, phường xã xử lý”.

Ông Hồ Bá Hải, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, BQL RPH huyện Quỳnh Lưu, cho rằng nguồn gốc phức tạp của RPH hồ Vực Mấu chính là nguyên nhân dẫn đến người dân ngang nhiên phá rừng trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

“Trước khi được giao cho BQL RPH huyện Quỳnh Lưu quản lý thì một số diện tích RPH hồ Vực Mấu là đất lâm nghiệp đã được giao cho người dân quản lý sử dụng. Sau đó, chúng tôi được giao đất theo Quyết định 07 của UBND tỉnh Nghệ An, chỉ giao nguyên trạng để quản lý nhưng chưa được cấp bìa đỏ. Từ đó đến nay người dân vẫn tiếp tục được canh tác. Diện tích bị xâm chiếm để trồng keo lần này không nằm trong số diện tích được giao khoán cho người dân trước đây. Đó là hành vi xâm lấn RPH, cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng để xử lý”, ông Hải cho biết.

 Khu vực đồi Đuôi thằn lằn bị cạo trọc

Trong khi đại diện BQL RPH huyện Quỳnh Lưu thừa nhận đã có tình trạng máy múc được đưa vào múc rãnh, đào hào, phân lô thì ông Nguyễn Cảnh Lợi, kiểm lâm địa bàn phụ trách xã Quỳnh Trang lại không hề hay biết: “Sau khi xử phạt vi phạm hành chính 1 đối tượng thì nay họ không dám làm rầm rộ nữa. Còn việc có dùng máy múc đào xới, phân lô hay không thì để tôi nắm lại đã”.

Liên quan đến vụ phá RPH khu vực Đuôi Thằn lằn, ông Nguyễn Cảnh Lợi, kiểm lâm địa bàn phụ trách xã Quỳnh Trang cho biết thêm, tổ công tác đến hiện trường, phát hiện 2 xe ô tô và đã thu giữ 1 máy cưa nhưng bị các đối tượng cướp lại. Cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 750 nghìn đồng đối với ông Phạm Văn Tâm, trú tại xóm 12, xã Quỳnh Trang.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An tỏ ra bất ngờ khi chúng tôi cung cấp thông tin vụ việc: “Chúng tôi chưa nhận được báo cáo về vụ việc”.

Về vụ phá rừng tại xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu), ông Tuấn cho biết thêm: “Ngày 14/3 chúng tôi nhận được báo cáo về sự việc thì ngày 15 thành lập đoàn kiểm tra hiện trường. Diện tích bị chặt phá trước đây đã giao cho hộ dân sử dụng vào mục đích khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới. Sau đó, do tính cấp thiết của rừng đầu nguồn hồ Vực Mấu, quá trình rà soát quy hoạch, UBND tỉnh Nghệ An đã chuyển thành RPH và giao cho BQL RPH huyện Quỳnh Lưu quản lý. Tuy nhiên, khi bàn giao cho chủ mới, UBND huyện Quỳnh Lưu không đền bù cho người dân. Dân đòi hỏi đền bù là chính đáng nhưng Nhà nước không có khả năng tài chính. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân vẫn coi đó là rừng của mình và khai thác, trồng rừng”.

Cũng theo ông Tuấn, căn cứ theo tài liệu kiểm kê năm 2016 của UBND tỉnh Nghệ An thì lô rừng bị phá là rừng sản suất. Chủ quản lý cũ là ông Vi Văn Bành ở xóm Nam Việt, xã Tân Thắng. Sau đó, ông Bành chuyển cho một người cùng xóm, người này hiện đã mất. Còn theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2007 thì đây lại là trạng thái đất chưa có rừng.

 

Ông Tuấn cho biết thêm, 3 đối tượng chặt phá gồm Nguyễn Văn Dũng, Đào Duy Lâm cùng trú tại xã Quỳnh Thắng; Trần Lâm Châu, trú tại xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc, lấy lời khai làm rõ vai trò của 3 đối tượng trên và không loại trừ có thêm các cá nhân, tổ chức khác cùng liên quan. Hiện tại vụ án chưa thể khởi tố vì các đối tượng không có tội, chỉ là đào phá đất rừng.

“Căn cứ vào các quy định hiện hành thì đối tượng không thuộc trường hợp phải khởi tố mà chỉ tự ý đào bới đất rừng, xây dựng lán trại trái phép. Trường hợp nếu trên đất có rừng tự nhiên thì có thể xử lý hình sự. Còn nếu người dân tự bỏ kinh phí trồng, khai thác, khoanh nuôi, tài sản thuộc sở hữu của gia đình thì người dân được tự do khai thác lưu thông bởi đây là khu vực rừng sản xuất, rừng trồng", ông Tuấn nói.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ thủ phạm, vai trò của các đối tượng, cá nhân, tổ chức có liên quan và xử lý dứt điểm để chấm dứt tình trạng phá RPH hồ Vực Mấu.

Về nguyên tắc, người được giao đất rừng có các quyền như chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp, cho thuê, tự do sản xuất kinh doanh. Nếu trên đất có rừng thì phải làm hồ sơ cam kết không phá rừng, khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt. Tuy nhiên, việc giao khoán đất lâm nghiệp tại Nghệ An lâu nay chưa gắn với giao rừng.

"Nếu làm đúng quy trình thủ tục thì sau khi làm thủ tục giao đất, ngành Tài nguyên Môi trường phải giao hồ sơ cho ngành lâm nghiệp để làm thủ tục giao rừng. Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo triển khai đề án giao rừng, cho thuê rừng và Sở NN-PTNT Nghệ An đã trình để được phê duyệt”, ông Tuấn cho biết thêm.