Giọt nước mắt muộn màng của thiếu nữ lấy chồng ở tuổi 17
- 15:01 08-05-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Câu chuyện về “cô dâu” 13 tuổi ở Sóc Trăng gây xôn xao dư luận mấy ngày nay. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu để con lấy chồng sớm như vậy là sướng hay khổ và có nên chăng cho con gái lấy chồng khi chưa qua tuổi trăng tròn?
PV đã có cuộc nói chuyện với chuyên gia tâm lý Hà Anh (Trung tâm tư vấn tâm lý hôn nhân và gia đình Hà Nội). Chuyên gia tâm lý Hà Anh cho biết, cô cũng rất buồn khi nghe được trường hợp của “thiếu nữ” ở tuổi 13 mà phải đi lấy chồng theo ý của cha mẹ. Ở tuổi ấy cơ thể người con gái còn chưa phát triển hết, chưa có kỹ năng và kinh nghiệm sống.
Từ trường hợp trên, chuyên gia tâm lý Hà Anh kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của một cô gái tên H. đã đến trung tâm tư vấn nhờ gỡ rối vì H. lấy chồng khi mới 17 tuổi, cuộc sống hôn nhân khá phức tạp khiến cô muốn tìm đến cái chết.
Chuyên gia tâm lý Hà Anh kể, năm 17 tuổi H. yêu một người cùng tuổi, cách nhà cô hơn 100km . Nhưng, tình yêu của H. đã phải chấm dứt khi bố mẹ H. nhờ người mai mối H. với một chàng trai hơn H. 15 tuổi. Lúc đầu H. cũng quyết tâm không chịu kết hôn nhưng bố mẹ liên tục phân tích cho H. những việc được và mất nếu lấy chồng gần nhà và hơn nhiều tuổi.
Thậm chí, mẹ H. còn dùng nước mắt để con gái mình đồng ý, bà liên tục nói: “Mẹ có mỗi con là con gái, lấy chồng gần sau này hai gia đình nương tựa vào nhau mà sống. Hơn nữa, nhà chồng con có điều kiện mới giúp đỡ được bố mẹ”. Nghĩ thương mẹ, H. đã bỏ lại người yêu, bỏ lại tuổi thanh xuân để lấy một người mà mình không yêu.
Giờ đây H. hối hận về quyết đinh của mình một năm trước (Ảnh minh họa). |
Ngay sau ngày cưới, H. nhận ra bộ mặt gia trưởng của chồng mình. Anh ta bắt H. làm đủ thứ việc trong khi H. vẫn còn ngỡ ngàng về bổn phận làm dâu, con của mình. Nhiều lúc, H. thấy mệt mỏi, căng thẳng chỉ muốn về nhà với mẹ đẻ nhưng không dám và chồng H. cũng không cho phép.
Cuộc sống hôn nhân đối với H. càng khó khăn hơn khi H. không biết cư xử như thế nào đối với mẹ chồng, em chồng và gia đình bên chồng, bởi chính mẹ H. cũng chưa dạy cô điều này và cô chưa được ra ngoài xã hội để học hỏi.
“H. nói với tôi, cô ấy luôn cố gắng để cho gia đình bên chồng vui vẻ, H. sợ họ sẽ buồn nhưng không ai nghĩ đến cảm xúc của cô ấy. Đã hơn 1 năm lấy chồng, nhưng H. vẫn lo sợ đủ thứ. Trong đôi mắt của cô gái chưa đầy đôi mươi ấy đượm một nỗi buồn và chỉ nghĩ đến chuyện ly hôn. Sau khi nghe tôi phân tích, H. nói sẽ suy nghĩ về quyết định ly hôn của mình và gặp lại tôi vào một ngày sớm nhất”, chị Hà Anh chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Hà Anh cho rằng, nếu các bậc phụ huynh để con gái kết hôn quá sớm thì con họ sẽ không có nhiều kinh nghiệm sống và chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong hôn nhân. Hơn nữa, họ sẽ bị sốc trước những mối quan hệ mới, một vị trí, vai trò mới, họ chưa thể lo được về mặt kinh tế và khi lấy chồng rồi sẽ bị phụ thuộc vào chồng hoặc gia đình.
Chính bản thân các cô gái cũng nên nhớ rằng, cần phải trang bị đủ kiến thức về hôn nhân, gia đình để khi bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân không cảm thấy bỡ ngỡ, sợ hãi, biết cách ứng xử để gia đình không rơi vào trạng thái căng thẳng.