Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hứa Thị Phấn lũng đoạn ngân hàng Đại Tín như thế nào?

Để có người hỗ trợ cho việc làm ăn phi pháp của mình, Hứa Thị Phấn đã đưa em, cháu, người thân vào giữ các chức vụ chủ chốt trong ngân hàng Đại Tín.

Theo dự kiến, sáng nay TAND TP.HCM sẽ mở xét xử Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Trong đại án này, Hứa Thị Phấn đã dùng nhiều thủ đoạn để “móc ruột” Ngân hàng Đại Tín hơn 6.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, để bước chân vào lĩnh vực ngân hàng và làm chủ Đại Tín, bà trùm Hứa Thị Phấn đã lôi anh em, con cháu đứng tên giúp bà ta mua gần 256 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, chiếm 84,92% vốn điều lệ.

Một trong những tay chân đắc lực của bà trùm này là Ngô Kim Huệ. Huệ vốn là cháu họ gần với Sáu Phấn. Sau khi cha mất, Huệ được bà Phấn đón về nuôi dưỡng, cho ăn học. Sau khi học xong, chị ta được đưa vào làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín và Huệ được coi là cánh tay phải đắc lực của bà trùm trong việc thâu tóm Đại Tín và rút ruột ngân hàng này.

 Hứa Thị Phấn

Một cánh tay đắc lực nữa của Sáu Phấn là Hứa Xường (nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Tín - người đã ký các giấy tờ quan trọng trong việc mua bất động sản số 5 Phạm Ngọc Thạch đã xuất cảnh đi Mỹ từ ngày 16/1/2017, nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra quyết định truy nã, khi nào bắt được bị can sẽ xử lý sau.

Ngoài ra, còn hàng chục người thân khác cũng được Hứa Thị Phấn “cài cắm” vào làm việc tại Ngân hàng Đại Tín và các công ty con của Phấn để hỗ trợ bà ta trong các phi vụ làm ăn phi pháp.

Với việc nắm 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, Sáu Phấn nghiễm nhiên trở thành Cố vấn cấp cao HĐQT (tiền thân của VNCB và sau này được NHNN mua lại với giá 0 đồng và đổi tên thành CB Bank như hiện nay), là cổ đông lớn nhất của Đại Tín nên Sáu Phấn thâu tóm toàn bộ mọi hoạt động của ngân hàng này, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành, cán bộ, nhân viên ngân hàng tại hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu - chi tiền mặt…gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.300 tỉ đồng.

Một trong những hành vi chiếm đoạt tiền trắng trợn nhất phải kể đến việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Theo đó, lợi dụng việc việc nắm giữ hơn 84% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, Hứa Thị Phấn đã thông qua Lâm Kim Dũng, Bùi Thị Kim Loan và Ngô Kim Huệ, chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (công ty không có chức năng thẩm định giá) tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị can Phấn lên 1.268 tỉ đồng (cao gấp 8 lần giá trị trường). Sau đó, bà ta chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng rồi bán cho Đại Tín, chiếm đoạt hơn 1.105 tỉ đồng.

Ngoài ra, Hứa Thị Phấn còn thâu tóm, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang. Hứa Thị Phấn chỉ đạo một số công nhân viên của ngân hàng Đại Tín thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hoạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hoạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục... nhằm lấy và sử dụng bất hợp pháp tổng số tiền hơn 5.256 tỉ đồng.

 Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Q1, TP.HCM được định giá khống 8 lần so với giá trị thực 

Đặc biệt, bằng thủ đoạn lập chứng từ chi khống cấn trừ với các chứng từ thu khống nhằm không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, Hứa Thị Phấn đã lấy hơn 5.250 tỉ đồng rồi đổ nợ lên đầu Công ty Cổ phần Phương Trang.

Theo đó, do cần nguồn vốn lớn để mở rộng kinh doanh, lãnh đạo Công ty Phương Trang đã đến Ngân hàng Đại Tín đề nghị vay tiền.

Thấy Phương Trang có nhiều bất động sản dùng làm tài sản bảo đảm, bà Phấn chỉ đạo cấp dưới buộc công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt. Tổng số tài sản mà Phương Trang thế chấp tại ngân hàng Đại Tín (nay là CB) lên tới 14.000 tỉ đồng.

Số tiền Công ty Phương Trang vay của Ngân hàng Đại Tín thể hiện trên hồ sơ ký trước - giải ngân sau là 9.402 tỉ đồng. Tuy nhiên, NH Đại Tín chỉ giải ngân cho bên vay 3.936,996 tỉ đồng; 5.465,004 tỉ đồng còn lại, bà Phấn lấy sử dụng (hơn 5.250 tỉ đồng) mà không hề giải ngân cho Công ty Phương Trang.

Sau đó, đến năm 2013, Hứa Thị Phấn đã có nhiều đơn tố cáo và kiến nghị việc lãnh đạo Công ty Phương Trang nhiều lần vay mượn nợ của bà ta số tiền lên tới 1.062 tỉ đồng và 400.000 USD.

Trước lời tố cáo này, phía Phương Trang đã đưa ra nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh tố cáo của Hứa Thị Phấn là không chính xác và quá trình điều tra, CQĐT xác định các bằng chứng phía Phương Trang đưa ra là có căn cứ, nhưng hiện chưa thể hỏi cung được Hứa Thị Phấn nên đã tách nội dung tố cáo này ra khỏi vụ án.

Về khoản vay của Phương Trang tại Đại Tín, CQĐT xác định, tổng số nợ thực tế mà công ty này phải trả chỉ là 3.936,996 tỉ chứ không phải là 9.402 tỉ đồng như dư nợ gốc của 46 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu.

Trước khi bị đưa ra xét xử trong vụ án này, ngày 4/5 vừa qua, Hứa Thị Phấn đã bị TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định vể cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” trong đại án Oceanbank.

Trong đại án Oceanbank, Sáu Phấn được xác định gây thiệt hại cho Oceanbank 500 tỉ đồng.

Bà trùm sắp án chồng án nhưng thực tế đợi đến khi bà ta có đủ sức khỏe để đi thi hành án có lẽ còn rất lâu hoặc có thể không bao giờ, bởi theo kết luận giám định về sức khỏe, bà ta đã mất 93% sức khỏe.