Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cô giáo xinh đẹp viết lời phê: 'Hờn cả thế giới'

Một cô giáo dạy Toán ở Lâm Đồng có cách viết lời phê bài kiểm tra siêu dễ thương, tỉ như “Chép nhầm đề. Hờn cả thế giới” đang gây xôn xao cộng đồng mạng.

Sáng ngày 7-5, trên trang facebook cá nhân của cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục Microsoft đã chia sẻ những lời nhận xét ấn tượng của cô giáo Nguyễn Thị Như Huyền, giáo viên trường THCS Quang Trung (Bảo Lộc, Lâm Đồng) trong bài kiểm tra của học sinh.

 Cô Nguyễn Thị Như Huyền với những lời phê siêu dễ thương.

Không còn những điểm số, lời phê đơn điệu, tùy thuộc vào từng bài kiểm tra, từng điểm số cô Huyền lại có nhận xét khác nhau khiến học sinh thích thú. Đối với các bài đạt điểm 10, cô Huyền phê: “Thật sung sướng”, “Oh year! Hôm nay có đứa cười rách miệng”, “Rất tốt! very good”.

Đối với những bài điểm thấp, cô Huyền lại đưa ra những lời nhận xét nhắc nhở, động viên như: “cô rất buồn! con đi học cần chú ý hơn”, “con cần cố gắng thật nhiều nhé”, “ Ehèm! Làm cẩn thận hơn là ok rồi”.

 Những lời phê đáng yêu

Hay đối với những bài đạt điểm gần tối đa, cô Huyền không quên nhắc nhở: “Sắp chạm đến đỉnh cao rồi con ah! Cố lên”, “Ôi, bảng cửu chương ơi! Mày đi đâu vậy”, “Đôi khi nhanh quá lại thiệt, cần được hướng dẫn trước khi hạ bút”, “Con đọc kỹ đề là được 10đ rồi”.

Không chỉ chia sẻ những hình ảnh nói trên, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên còn viết: “Điều đáng chú ý là các em học sinh đã phản hồi rất thích thú và có nhiều em tiến bộ rõ rệt chỉ với những lời phê đầy tình yêu, sự bao dung và sự khích lệ này. Tôi tin rằng những đứa trẻ được nhận xét như thế sẽ trưởng thành bằng nhân cách lẫn nghị lực”.

 Học sinh thích thú với những lời phê thú vị

Chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, cô Như Huyền cho biết, điều đó xuất phát từ sự đổi mới, sáng tạo trong việc dạy học của ban giám hiệu nhà trường đặc biệt là thầy hiệu trưởng. Tại các cuộc họp, thầy luôn định hướng giáo viên phải sáng tạo để theo kịp với thời đại.

Cô Huyền cho hay, trước đây những lời phê của mình rất bình thường như “con làm tốt”, “còn yếu”, “cố lên”. “Thế nhưng trong một lần trả bài kiểm tra, ánh mắt buồn xa xăm của em học sinh vê lời phê “còn yếu, con phải cố gắng học hơn nữa” khiến tôi nhớ mãi. Vì thế, tôi hiểu rằng, bản thân mình phải hiểu các em hơn. Và mỗi lời nhận xét trong bài thi càng phải trở nên nên gần gũi hơn”, cô Huyền nói.

Cũng theo cô Huyền, từ khi cô phê bài theo hướng cởi mở, thân thiện, học sinh cảm thấy thích thú, luôn mong đợi các bài kiểm tra. Đặc biệt, có nhiều em còn nhắc khéo “Cô nhớ phê dài dài cho con nhà”.

Cô Huyền chia sẻ, mỗi lời phê đều có hàm ý của nó. Ví dụ như có em được 10 điểm, được cô phê “Oh year, có đứa cười rách cả miệng”. Bởi em này chưa bao giờ được 10 điểm, trong quá trình học em chỉ được 7,8 điểm là cùng. Điểm 10 là một sự cố gắng rất nhiều. Với lời phê ấy, hy vọng học sinh hiểu rằng, giáo viên hiểu rất rõ cảm xúc của các em.

Hay như có em lại được nhận xét “Chấm bài cho cô tôi muốn tăng xông”. Bởi, mặc dù em được 9,3 điểm nhưng lại sai ở một câu quá đơn giản. Lời phê đó đã thể hiện sự giận dữ của giáo viên trước trước một bài đơn giản mà học sinh làm ẩu. Vì thế, khi nhận bài, bản thân em đó cũng không còn tự trách mình nữa.

“Để có những lời phê thú vị như trên, bản thân tôi luôn đặt mình vào các em đồng thời phải am hiểu tính cách và năng lực của từng em. Qua đó, tôi muốn tạo môi trường thân thiện, gắn kết yêu thương giữa thầy và trò, xóa bỏ khoảng cách giữa cô giáo và học sinh”, cô Như Huyền nhắn gửi.