Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


‘Giáo sư mặc quần đùi’ và bầu Đức xấu hổ không có bằng Đại học

"Chưa đủ 5 năm quản lý ở cấp khoa/phòng" theo điều 20 Luật giáo dục khiến cho "giáo sư mặc quần đùi" - Trương Nguyện Thành đã không được công nhận là hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.

Ông Trương Nguyện Thành từng “gây bão” khi mặc quần đùi giảng bài trước sinh viên Trường Đại học Hoa Sen. Ông Thành là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán Đại học Minnesota của Mỹ, từng giành giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ.

Hồi đầu năm 2017, ông Thành đã đảm nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng điều hành của Đại học Hoa Sen. Hội đồng quản trị Trường Hoa Sen cũng thống nhất đề cử chức danh hiệu hiệu trưởng cho ông Thành, với 16/18 phiếu (88,89%).

Mới đây, chuyện về “giáo sư mặc quần đùi” tiếp tục gây xôn xao dư luận vì không thể làm hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.

Sáng ngày 4/5, ông Thành đã gửi mail thông báo đến giảng viên, nhân viên và sinh Trường Đại học Hoa Sen có đoạn: “Qui trình công nhận vị trí Hiệu trưởng theo luật Giáo dục Đại học Việt Nam thì tôi chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do đó Bộ/Sở GD-ĐT không đủ cơ sở để đề xuất UBND TP.HCM công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi…”.

 “Giáo sư mặc quần đùi” không đủ thâm niên nên không thể làm hiệu trưởng Trường Đại học Hoa sen.

Chuyện ông Thành “chưa đủ 5 năm quản lý ở cấp khoa/phòng” theo điều 20 Luật giáo dục nên không được công nhận là hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen khiến cho dư luận xảy ra nhiều ý kiến trái chiều.

Việc quy định ở các tổ chức, đơn vị là điều cần thiết nhưng rõ ràng đang tồn tại những điều đáng nói từ chuyện của ông Thành, là người có năng lực gặp khó vì các rào cản nhất định, điển hình là yếu tố thâm niên khiến cho “giáo sư mặc quần đùi” không thể làm hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.

Câu chuyện của “giáo sư mặc quần đùi” làm cho nhiều người nhớ đến vụ làm xùm giữa VFF và bầu Đức trong thời gian qua. Đó là tiêu chí bằng cử nhân dành cho ứng viên phó Chủ tịch, Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII - một điều “lạ” và “độc” của VFF. Sau cuộc họp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, VFF mới chịu gỡ bỏ tiêu chí này.

Đáng tiếc là sau khi VFF gỡ bỏ thì bầu Đức cũng đã “cạn tình” với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ông Đức không còn tha thiết gì ở lại VFF, khi cho rằng một số người gài tiêu chí bằng cử nhân để đá ông khỏi VFF, khi cả nước đều biết ông Đức không có bằng Đại học.

 Bầu Đức đã nghỉ VFF sau lùm xùm chuyện bằng cử nhân.

Với ông Đức, đó là một sự tổn thương quá lớn sau gần 20 năm bỏ hàng nghìn tỷ làm bóng đá, đóng góp công sức lẫn trí tuệ cho bóng đá Việt Nam. Nỗi uất ức đến mức ông Đức từ chối họp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, với quan điểm “tôi xấu hổ vì không có bằng Đại học”.

Sự vô lý và sai trái của VFF là điều rất rõ ràng khi chính VFF sửa sai bằng cách bỏ tiêu chí bằng cử nhân. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, cần hiền tài, cần những người có tâm huyết để bỏ công sức, tiền bạc giúp bóng đá Việt Nam phát triển. Những người như bầu Đức không phải vào VFF để nhận lương, ngược lại chỉ bỏ thêm tiền.

“Tôi nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam cần người tài giỏi, có tâm và có tầm, dám nghĩ dám làm như anh Đức. Còn bằng cấp, nó không quan trọng với một người như anh ấy”, Cựu phó Tổng thư ký VFF - Dương Nghiệp Khôi nói.

Câu chuyện của “giáo sư mặc quần đùi” và bầu Đức khác nhau ở điểm, một điều được quy định sẵn, còn một điều được tự ý đưa ra một cách vô lý. Thế nhưng, ở chừng mực nào đó thì dư luận nhìn thấy là quy định có những lúc trở thành rào cản cho người có năng lực muốn được cống hiến.