Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Có không ‘quyền lực đen’ trong giới trọng tài Việt Nam?

V.League 2018 mới chỉ đi qua 6 vòng đấu nhưng giới chuyên môn và người hâm mộ đã phải đặt nhiều dấu hỏi về trình độ của các “vua áo đen” khi họ liên lục đưa ra quyết định sai luật.

 Trọng tài Nguyễn Trọng Thư mắc nhiều lỗi cơ bản từ đầu mùa. Ông là con trai trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi. Ảnh: Tùng Lê.

Mùa giải VĐQG 2018 năm nay, ngay khi chưa khởi tranh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ cả nước sau thành công của đội tuyển U23 quốc gia tại VCK U23 châu Á. Bên cạnh đó, những động thái chưa từng có của Chính phủ như tổ chức buổi “Đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam” vào trung tuần tháng 1/2018, đã thể hiện rõ quyết tâm về một mùa giải sạch từ công tác tổ chức đến thi đấu.

Tuy nhiên, sau 6 vòng đấu, trái với những dấu hiệu tích cực chung của giải, công tác trọng tài đang gặp nhiều vấn đề khiến người hâm mộ có quyền nghi ngờ về chất lượng, trình độ của đội ngũ cầm còi, đặc biệt là năng lực quản lý của Ban trọng tài.

Trọng tài liên tục sai luật cơ bản

Khởi đầu cho những trục trặc của trọng tài Việt Nam trong mùa giải này là cái tên quen thuộc Nguyễn Trọng Thư. Ở giai đoạn lượt về mùa giải 2017, con trai của Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi bị trượt thể lực trong khóa tập huấn giữa mùa giải nên không được bố trí làm nhiệm vụ đến hết năm.

Đến mùa giải V.League 2018, ngay ở vòng 2, trong trận đấu giữa Cần Thơ và CLB Hà Nội, ông Thư đã bị khán giả Tây đô thóa mạ nặng nề, ném vật thể lạ vì những quyết định gây tranh cãi. Trong đó, tình huống đáng chú ý nhất đến ở phút 84. Khi CLB Hà Nội đang dẫn 1-0, tiền đạo Dyachenko (Cần Thơ) đã ngã xuống trong vòng cấm khi tranh chấp với hậu vệ CLB Hà Nội, trọng tài Nguyễn Trọng Thư đã xua tay cho trận đấu tiếp tục trong sự phản ứng dữ dội của cả sân vận động.

 Trọng tài Nguyễn Trọng Thư (thứ 3, từ phải sang) trong trận đấu giữa chủ nhà Cần Thơ với CLB Hà Nội tại vòng 2 V.League. Ảnh: VPF.

Xét thấy Dyachenko có những phản ứng thái quá, ông Thư cho dừng trận đấu khi bóng sống và rút thẻ vàng cảnh cáo. Khoan tính đến đúng sai trong quyết định từ chối phạt đền cho Cần Thơ, ông Thư tiếp tục mắc thêm một lỗi chuyên môn nữa.

Luật bóng đá quy định, sau khi rút thẻ vàng Dyachenko vì lỗi phản ứng, ông Thư phải cho các cầu thủ Hà Nội hưởng quả đá phạt gián tiếp ở nơi bóng dừng nhưng con trai Trưởng ban trọng tài lại tự ý sửa luật, cho trận đấu bắt đầu bằng quả thả bóng chạm đất. Nguồn tin của Zing.vn cho biết sai lầm này đã khiến ông Thư phải làm khán giả trong 2 vòng đấu tiếp theo của V.League 2018.

Khi cầm còi trở lại ở vòng 6, ông Thư tiếp tục lặp lại những sai lầm cơ bản. Trong tình huống ở phút 87 trận Quảng Ninh - Nam Định, khi thủ thành Huỳnh Tuấn Linh (Quảng Ninh) đang cầm bóng, ông Thư cho dừng trận đấu, hội ý với trọng tài thứ 4 Nguyễn Trung Kiên rồi rút thẻ vàng Mạc Hồng Quân vì pha va chạm của tiền đạo này với cầu thủ Nam Định trước đó.

Để trận đấu tiếp tục trở lại, cựu Còi vàng Việt Nam 2013, 2014 lại tung bóng cho Tuấn Linh thay vì cho Nam Định được hưởng quả phạt trực tiếp tại nơi Mạc Hồng Quân phạm lỗi với đối phương. Một sai lầm khác của ông Thư trong tình huống này là chỉ cảnh cáo Mạc Hồng Quân. Sau này, Ban kỷ luật đã xem xét lại tình huống, nâng mức phạt lên thành cấm 2 trận (tương đương thẻ đỏ).

Những sai phạm của trọng tài Nguyễn Trọng Thư diễn ra có hệ thống, trong 2 trận bắt chính liên tiếp, cách nhau chỉ 4 vòng và cùng là các tình huống áp dụng luật cơ bản.

Trước đó, tại buổi đối thoại công khai ngày 13/1, Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi khi bị chất vấn về con trai đã phát biểu: “Trong quá trình làm nhiệm vụ, các trọng tài có thiếu sót chúng tôi đã nghiêm khắc xử lý. Không có hiện tượng bao che nào cả. Các anh chỉ ra một trường hợp trong tài sai sót nghiêm trọng mà chúng tôi bao che, chúng tôi nhận ngay”.

 Trọng tài Trương Hồng Vũ cũng mắc lỗi nhận định cơ bản trong trận đá bù của HAGL và CLB Hà Nội hôm 5/4. Ảnh: Minh Chiến.

Không chỉ trọng tài Nguyễn Trọng Thư, một trọng tài khác cũng áp dụng sai luật trong thời gian qua là ông Trương Hồng Vũ trong trận đá bù giữa Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai hôm 5/4. Phút 64, khi cầu thủ Hà Nội đang tổ chức tấn công, ông Vũ cho dừng trận đấu để phạt thẻ vàng với tiền vệ đội trưởng Lương Xuân Trường của HAGL.

Thay vì cho đội bóng thủ đô được hưởng quả đá phạt gián tiếp tại nơi bóng dừng, trọng tài lại cho phạt gián tiếp tại nơi cảnh cáo đội trưởng HAGL. Khi CLB Hà Nội vừa chơi bóng trở lại, ông Vũ lại dừng trận đấu để Hà Nội thay cầu thủ rồi lại thả bóng chạm đất, yêu cầu tiền đạo HAGL trả bóng cho đối phương. Hai tình huống trái luật liên tiếp của ông Vũ khiến một số phóng viên thắc mắc hỏi giám sát trọng tài nhưng không nhận được câu trả lời.

Đó chỉ là những tình huống tiêu biểu nhất trong nhiều sai lầm cơ bản của trọng tài Việt Nam sau 6 vòng mở màn. Trong khi V.League đang “hừng hực khí thế” với những con số ấn tượng về chất lượng chuyên môn, khán giả... thì trọng tài vẫn là nỗi lo thường trực. Mới chỉ là những vòng đấu đầu tiên, sai lầm cơ bản đã liên tục mắc phải thì khi giải đấu đi vào giai đoạn quyết định, không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu.

Có hay không sự bao che từ Ban trọng tài?

Trên thực tế, trọng tài cũng chỉ là con người. Nếu không gây hậu quả nghiêm trọng, lỗi của trọng tài cũng là “sai số” tất yếu và có thể chấp nhận được. Nhưng lý thuyết này chỉ phù hợp với các lỗi nhận định, lỗi sai của trọng tài trong các tình huống áp dụng luật cơ bản là không thể chấp nhận được.

Vậy điều gì đã khiến những trọng tài từng được trao danh hiệu “Còi vàng” như ông Nguyễn Trọng Thư liên tục mắc lỗi?

Luật bóng đá được cập nhật liên tục cho phù hợp với sự phát triển thực tế của môn thể thao vua. Hàng năm, các trọng tài V.League có 2 khóa tập huấn rất quan trọng trước và giữa mùa giải. Việc hướng dẫn, kiểm tra trọng tài V.League trước mùa giải 2018 được giao cho Ban trọng tài với các thành viên Nguyễn Văn Mùi, Đặng Thanh Hạ, Đoàn Phú Tấn và Võ Quang Vinh.

 Các đợt tập huấn trọng tài chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi vì nhiều lý do khác nhau. Ảnh: VPF.

Ngoài các buổi học lý thuyết trên lớp và tập thể lực, các học viên trọng tài phải thực hành trực tiếp ngoài sân để ôn luật cũ, áp dụng luật mới sao cho phù hợp. Nhưng vì một khó khăn nào đó, các trọng tài đã không có quân xanh, quân đỏ để thực hành mà phải tự chia đôi ra thi đấu và thực hành trên chính trận đấu của mình. Chính vì không có những buổi “nháp” trước chất lượng, trọng tài đã nghỉ gần một năm như ông Nguyễn Trọng Thư mới dễ dàng “quên bài”.

Một câu hỏi nữa được các nhà chuyên môn đặt ra là có hay không sự bao che của các giám sát với trọng tài. Nếu giám sát không làm tốt việc của mình, họ có bị xử phạt theo trọng tài?

Theo tìm hiểu của Zing.vn, phó ban trọng tài Dương Văn Hiền là giám sát trọng tài tại trận đấu vòng 6 giữa Than Quảng Ninh và Nam Định. Nhưng không biết vị này nhận xét thế nào hay cũng quên luật như “học trò” mà gần 2 tuần trôi qua, ông Nguyễn Trọng Thư vẫn chưa bị xử lý. Trong trường hợp này, trách nhiệm cũng thuộc về giám sát trọng tài.

 Ông Hiền cũng có trách nhiệm khi không thông báo kịp thời sai lầm của trọng tài trong các trận đấu ông giám sát. Ảnh: Tùng Lê.

Nhiều năm qua, công tác trọng tài đã luôn là “điểm đen” của V.League. Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi - người chắc chắn sẽ nghỉ khi Đại hội VII hết nhiệm kỳ, đã gần như “buông súng” trong việc khắc phục tình trạng yếu kém của cấp dưới.

Nhiều yêu cầu cơ bản cho công tác trọng tài đã không được áp dụng chính xác tại Việt Nam. Lẽ ra, công tác trọng tài phải được phân chia giữa Ban trọng tài và Phòng điều hành trọng tài. Nhưng tại Việt Nam, Ban trọng tài đã làm tất cả mọi công đoạn từ đào tạo, giám sát cho đến đánh giá chất lượng của chính ban mình. Phòng điều hành trọng tài những năm qua chỉ có nhiệm vụ quan trọng nhất là thông báo công việc cho lực lượng trọng tài chứ không có bất cứ dấu ấn đậm nét nào về mặt chuyên môn. Sự “độc quyền” ấy đã khiến công tác trọng tài trở nên thiếu khách quan.

Tại FIFA và thế giới hiện nay, Ban trọng tài chỉ làm nhiệm vụ bồi dưỡng và giới thiệu trọng tài cho các ban chuyên môn khác. Họ không được tham gia vào việc giám sát, càng không tham gia vào quá trình kết luận trọng tài đúng hay sai sau các sự cố. Đánh giá ấy phải thuộc về các đơn vị khác.

Những bất cập từ công tác trọng tài, vì thế, sẽ tiếp tục đe dọa phá hỏng hình ảnh V.League 2018.