Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Tranh chấp đất dai dẳng hơn 10 năm, huyện, xã vẫn chưa giải quyết xong

Việc tranh chấp nhiều diện tích đất lâm nghiệp giữa 2 hộ gia đình ở khu vực giáp ranh xã Thanh Hà và Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã diễn ra nhiều năm. Mặc dù người dân kiến nghị hàng chục lần nhưng chính quyền vẫn chưa giải quyết.

 

Nhập nhằng việc tranh chấp đất rừng ở ranh giới 2 xã

Mới đây, báo điện tử Infonet nhận được đơn thư phản ánh của ông Phạm Đức Thế (SN 1963, trú tại xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) về việc phần đất rừng của gia đình ông được cấp sổ lâm bạ rồi nhưng vẫn bị người khác tranh chấp, lấn chiếm.

Trong đơn ông Thế nêu rõ: “Thực hiện trồng rừng 327 (Quyết định số 327-CT ngày 15 tháng 9 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách, sử dụng đất trồng, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước – PV) của nhà nước về phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế trang trại.

Ngày 10/08/1996, tôi cùng hộ bà Hà (bà Hoàng Thị Hà, xóm 13, Thanh Hà – PV) và một số hộ dân khác làm đơn xin giao đất trồng rừng ở các khu vực: Cồn Lở, Mũi Thuyền, Ông Hy, Thung Nẫy và Cồn Du thuộc xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương.

 Hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho gia đình ông Thế.

Đơn chúng tôi được ông Nguyễn Văn Xuân - nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Hà ký xác nhận. Sau đó căn cứ vào hồ sơ địa giới phân lô, khoảnh thửa thẩm định rồi trình UBND huyện. Chủ tịch huyện ký giao đất cho chúng tôi sử dụng 50 năm; chúng tôi quản lý và sử dụng ổn định các phần diện tích được giao nói trên. 

Điều bất ngờ là năm 2012, ông Phan Duy Tịnh (ở xóm 6, xã Võ Liệt) sang tranh chấp và nói đã có sổ đỏ phần diện tích đó. Tôi khẳng định với họ là chúng tôi được cấp, giao có sơ đồ và diện tích, hình thể, sử dụng liên tục từ đó đến nay (thời điểm tranh chấp)”. 

Cũng theo ông Thế: Diện tích tranh chấp gồm thửa 41 tiểu khu 1A, khoảnh 1 diện tích 7,6 ha đất trồng rừng mang tên ông Phạm Đức Thế và thửa 42 tiểu khu 1A, khoảnh 1 diện tích 1,75 ha đất trồng rừng mang tên Hoàng Thị Hà (hiện phần diện tích của bà Hà nay đã chuyển nhượng cho ông Thế).

 

 Khu vực đang tranh chấp giữa hộ gia đình ông Thế và ông Tịnh (trong hình vuông đỏ, theo bản đồ 163).

“Số diện tích đất tại Cồn Lở mà gia đình tôi đã được cấp (thửa 41,42) nay thuộc các thửa 961, 982, 991, 1304 và 1 phần diện tích thửa 990 (thuộc bản đồ 163) cấp chồng lên, do tôi trồng cây, quản lý sử dụng từ đó đến nay, có sổ lâm bạ nhưng lại bị cán bộ 2 xã và các cấp phù phép làm hồ sơ giả mạo cấp chồng lên để chiếm đoạt của gia đình, xảy ra tình trạng đốt phá, lấn chiếm phần diện tích trên, mặc dù gia đình gửi đơn hàng chục lần, hàng chục năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến gia tôi bị ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống vật chất cũng như tinh thần”, trong đơn ông Thế viết.

Trước thực trạng trên, gia đình ông đã làm đơn trình báo gửi chính quyền 2 xã Thanh Hà và Võ Liệt nhiều lần cùng các cấp, ngành liên quan nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

 Biên bản làm việc ngày 7/1/2017 giữa 2 xã Võ Liệt và Thanh Hà.

Ngày 7/1/2017, chính quyền 2 xã Thanh Hà và Võ Liệt đã thành lập đoàn xác định, giải quyết các điểm tranh chấp, cùng nhau đi thực địa từ địa danh Ông Làn (Cột mốc 3 mặt, bản đồ 163) cho đến địa danh Mũi Thuyền, Đá Bạc (giáp Cồn Lở) và đã thống nhất xác định lại ranh giới giữa 2 xã, xác định lại vị trí mới để cắm cột mốc 3 mặt giữa 3 xã (Thanh Thủy, Thanh Hà, Võ Liệt của huyện Thanh Chương).

Sau đó, 2 xã đã thống nhất điều chỉnh, chuyển toàn bộ thửa: 996 diện tích 434.560 m², thuộc tờ bản đồ địa chính số 1, bộ bản đồ 163 của xã Võ Liệt sang địa giới hành chính xã Thanh Hà, còn các tranh chấp khác 2 xã sẽ phối hợp giải quyết sau.

Như vậy điểm tranh chấp địa giới hành chính tại cột mốc 3 cạnh (thửa 996) đã được giải quyết, trả về hiện trạng ban đầu cho gia đình ông Thế. Tuy nhiên, vấn đề này cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ những mâu thuẫn, tranh chấp.

Mới đây nhất, ngày 24/12/2017 gia đình ông tiếp tục gửi đơn đề nghị UBND huyện Thanh Chương, UBND xã Thanh Hà đề nghị phối hợp với các phòng ban liên quan và UBND xã Võ Liệt giải quyết dứt điểm vấn đề trên để đảm bảo quyền lợi cho gia đình, tuy nhiên chính quyền không hề có động thái nào để giải quyết.

 Công văn 1418 năm 2006 của UBND huyện Thanh Chương nêu rõ: "Đối với các hộ công dân đã được giao đất lâm nghiệp và cấp sổ lâm bạ, nếu hiện nay có xâm canh trên địa bàn của 2 xã thì chấp nhận việc xâm canh đó...".

Chính quyền xã “phớt lờ” chỉ đạo của UBND huyện?

Liên quan đến sự việc tranh chấp đất rừng, địa giới hành chính giữa 2 xã Võ Liệt và Thanh Hà nhiều năm liền. Trước đó, ngày 20/10/2006, UBND huyện Thanh Chương đã có Công văn số 1418/CV-UBND do ông Lê Cao Bính – Chủ tịch UBND huyện ký, trả lời những kiến nghị của người dân liên quan đến tranh chấp đất lâm nghiệp giữa 2 xã Thanh Hà và Võ Liệt, trong đó có hộ gia đình ông Phạm Đức Thế (xóm 13, xã Thanh Hà).

Theo công văn này, UBND huyện Thanh Chương giao cho Phòng TN&MT chỉ đạo UBND 2 xã Võ Liệt và Thanh Hà tổ chức cắm mốc tăng dày để làm rõ tuyến địa giới hành chính theo bản đồ 364/CT tại thực địa làm căn cứ cho công tác quản lý đất đai đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, giao trách nhiệm cho UBND 2 xã Võ Liệt và Thanh Hà căn cứ đường địa giới hành chính theo bản đồ 364/CT đã thống nhất tại thực địa, tổ chức xác định chính xác diện tích của từng hộ công dân xã này đang xâm canh, xâm cư trên địa giới hành chính của xã khác.

“Đối với các hộ công dân đã được giao đất lâm nghiệp và cấp sổ lâm bạ, nếu hiện nay có xâm canh trên địa bàn của 2 xã thì chấp nhận việc xâm canh đó và các hộ đang xâm canh được tiếp tục sử dụng đất và phải chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật” – 
Công văn 1418 nêu rõ. 


Mặc dù Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đã có văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cho UBND 2 xã Thanh Hà và Võ Liệt thực hiện, tuy nhiên tình trạng tranh chấp giữa các hộ dân vẫn chưa được giải quyết chưa dứt điểm, khiến các hộ dân vẫn gửi đơn thư kiến nghị nhiều lần đến các cấp, ngành liên quan “cầu cứu”.

 Văn bản số 2068 ngày 9/10/2012 của UBND huyện Thanh Chương phê bình Chủ tịch xã Võ Liệt và tiếp tục yêu cầu giải quyết vụ việc.

6 năm sau, ngày 9/10/2012, UBND huyện Thanh Chương tiếp tục có văn bản số 2068/UBND.CT gửi UBND xã Võ Liệt, phê bình Chủ tịch UBND xã này vì chưa giải quyết theo những nội dung mà UBND huyện yêu cầu xác định ranh giới giữa các hộ dân (trong đó có hộ ông Phan Duy Tịnh đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp, có một phần giáp với xã Thanh Hà).

Theo văn bản này: UBND huyện Thanh Chương giao nhiệm vụ giải quyết tại Thông báo kết luận số 754/TB-UBND ngày 23/6/2006 và công văn 1418/CV-UBND ngày 20/10/2006 nhưng đến nay UBND xã Võ Liệt chưa thực hiện.

Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND xã Võ Liệt phải chủ trì phối hợp với UBND xã Thanh Hà xác định chính xác diện tích đất lâm nghiệp theo sổ lâm bạ của các hộ dân xã Thanh Hà xâm canh sang địa giới hành chính của xã Võ Liệt, để các hộ nói trên biết rõ ranh giới đất đã được giao tại thực địa, từ đó các hộ được tiếp tục sử dụng đất với hình thức xâm canh.

 Mặc dù Công an xã Thanh Hà vào lập biên bản sự việc nhưng gia đình ông Phan Duy Tĩnh vẫn ngang nhiên chặt phá số keo trên diện tích đất đang tranh chấp.

Chủ tịch huyện yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm vụ việc

Vào khoảng 7h ngày 13/4/2018, tại khu vực đang tranh chấp (Cồn Lở), gia đình ông Phan Duy Tịnh (trú tại thôn 6 xã, Võ Liệt) ngang nhiên cho người và máy móc vào để chặt phá, tập kết hàng tấn gỗ keo để đưa đi nhập.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Thế đã cấp báo và có đơn thư gửi chính quyền sở tại, sau đó phía Công an xã Thanh Hà đã vào lập biên bản nhưng hộ gia đình ông Tịnh vẫn không chấp hành mà ngang nhiên chặt phá.

Theo trình bày của anh Phan Duy An (con trai ông Tịnh) tại biên bản do Công an xã Thanh Hà lập vào hồi 9h45’ ngày 23/4/2018: “Vào năm 2012, gia đình tôi có trồng 5000 cây keo trên phần đất Cồn Lở do UBND huyện Thanh Chương cấp. Đến ngày 13/4/2018, gia đình tôi thuê công nhân, đưa máy vào cắt số keo trên diện tích của gia đình tôi và đã thu hoạch được 3 xe”.

Liên quan đến vụ việc, ông Phan Văn Lân – Chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết, sau khi nhận được phản ánh của gia đình ông Thế về việc ông Tịnh cho người vào để khai thác keo. Chúng tôi đã chỉ đạo cho an ninh xã vào để lập biên bản sự việc. Tuy nhiên, ông Tịnh vẫn cố tình không hợp tác và không ký vào biên bản sự việc ngày hôm đó (13/4/2018).

 Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường, thống kê số keo mà gia đình ông Tịnh đã chặt phá.

“Sự việc kéo dài đã khá lâu, chúng tôi đã nhận được công văn chỉ đạo của UBND huyện Thanh Chương, cũng như đơn ông Thế và đang chỉ đạo cán bộ chuyên trách thu thập hồ sơ và nắm tình hình, để có hướng giải quyết sớm nhất. Vì sự việc xảy ra nhiều năm, có nhiều tình tiết phức tạp do ở khu vực tranh chấp thuộc ranh giới của 2 xã Võ Liệt và Thanh Hà nên rất cần UBND huyện chủ trì và vào cuộc quyết liệt để giải quyết thấu đáo sự việc, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn”, ông Lân mong muốn.

Xác nhận với PV về thửa đất ông Tịnh đã được cấp bìa, ông Nguyễn Văn Tâm – Cán bộ địa chính xã Võ Liệt cho biết, gia đình ông Phan Duy Tịnh đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất Lâm nghiệp vào năm 2006, số thửa 990, thuộc tờ bản đồ số 1, có diện tích 137.904 m2 tại khu vực Cồn Lở.

Ông Trình Văn Bằng – Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Chương nhấn mạnh: Việc tranh chấp này đã kéo dài từ lâu. Vừa rồi, phòng có nhận được đơn phản ánh của gia đình ông Phạm Đức Thế và đã yêu cầu UBND xã Thanh Hà kiểm tra, xác minh sự việc và báo cáo trước ngày 28/4/2018.

 Việc tranh chấp đất lâm nghiệp cần sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trao đổi với PV báo điện tử Infonet về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định sẽ yêu cầu Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện này trong thời gian sớm nhất chủ trì, phối hợp với các xã để giải quyết dứt điểm sự việc trên, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, nếu không phải là cấp chồng lấn mà chặt phá thì tham mưu cho ủy ban chuyển công an để truy tố nếu có đủ căn cứ, chứ không để sự việc kéo dài như thế được.

Hàng chục năm liền, việc tranh chấp giữa các hộ dân 2 xã vẫn chưa được chính quyền sở tại giải quyết. Trong khi đó, quyền lợi của người dân trồng rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và liệu họ có còn yên tâm để “phủ xanh đất trống, đồi trọc” trên những cánh rừng khi lợi ích chưa được đảm bảo? Câu hỏi này chúng tôi xin gửi đến các ban, ngành chức năng huyện Thanh Chương để xin lời giải đáp.