Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dịch lở mồm long móng đe dọa đàn gia súc ở Tương Dương

Dịch lở mồm long móng bùng phát và lan rộng có nguy cơ đe dọa hàng trăm con trâu, bò của người dân ở huyện vùng cao Tương Dương.

Theo phản ánh của người dân bản Pủng (xã Lưu Kiền - Tương Dương), từ hơn một tuần nay, người dân phát hiện thấy một số trâu, bò có dấu hiệu chảy nước dãi ở miệng, dấu hiệu ban đầu của dịch lở mồm long móng. Tuy nhiên, vì chủ quan nghĩ rằng do thời tiết nắng nóng nên không mấy ai để ý. Nhưng đến nay, dịch đã trở nên phức tạp.

Chị Dặm Thị Huyền, hộ có 10/10 con bò bị dịch cho biết: Nhiều ngày nay cả gia đình lo lắng vì trâu, bò đã được tiêm phòng và chữa trị nhưng dấu hiệu giảm bệnh rất chậm.

 Người dân bản Pủng (xã Lưu Kiền - Tương Dương) đưa trâu, bò về nhà để chăm sóc. Ảnh: Đào Thọ

Theo ông Vi Văn Đoàn - Trưởng bản Pủng: Cả bản có hơn 300 con trâu, bò thì đến nay đã bị dịch hơn một nửa. Riêng nhà tôi có 10 con trâu, bò thì đã có tới 8 con bị. Chúng tôi rất lo lắng và hiện đã báo cáo lên xã để tìm cách dập dịch.

 Người dân dùng lá rừng để chữa lở mồm, long móng cho gia súc. Ảnh: Đào Thọ

Ông Mai Văn Hoàng - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tương Dương cho biết: “Sau khi nghe báo cáo của xã, chúng tôi đã tiến hành tiêm phòng và khoanh vùng dập dịch, đồng thời cử cán bộ bám sát địa bàn kể cả trong ngày nghỉ lễ để theo dõi. Hiện nay, ngoài việc tiêm phòng không để dịch lan rộng, chúng tôi còn tuyên truyền cho bà con dùng các loại lá chua, chát để chữa bệnh".

Tuy nhiên, dù đã được khuyến cáo nhưng một số người vẫn lấy nhớt thải trộn lẫn với pin đèn bôi vào chân cho trâu, bò. Việc làm này rất nguy hiểm bởi có thể gây nhiễm trùng cho gia súc”.

 Một số người dân vẫn dùng nhớt thải trộn pin đèn bôi lên vết thương cho trâu, bò dù đã được khuyến cáo sẽ gây nhiễm trùng. Ảnh: Đào Thọ

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho hay: “Hiện đang là thời điểm giao mùa nên dịch bệnh bùng phát. Ngoài xã Lưu Kiền, dịch lở mồm long móng còn bùng phát nhỏ lẻ ở một số địa phương như Xá Lượng, Tam Thái, Tam Đình… nhưng về cơ bản chúng tôi đã khống chế được. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là trời thường xuyên mưa to, nên việc phun dịch khử trùng cũng tốn nhiều công sức và tiền của”./.