Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Thị Màu' Thu Huyền trượt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Qua được vòng xét duyệt của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhưng nghệ sĩ bị Hội đồng thành phố loại vì thiếu huy chương.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách bảy nghệ sĩ đủ điều kiện xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân để gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước. Danh sách được chọn ra từ 12 trường hợp do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất, trong đó có diễn viên Thu Huyền - bà xã ca sĩ Tấn Minh. 

 Diễn viên Thu Huyền. 

"Tôi có một huy chương vàng quốc gia và một huy chương vàng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Huy chương của Hội tương đương khoảng 70% so với tiêu chuẩn huy chương quốc gia. Ngoài ra, tôi còn giảng dạy, truyền vai cho nhiều học trò đoạt giải cao ở các liên hoan, hội diễn toàn quốc. Cấp cơ sở cho rằng việc xét duyệt tổng hòa nhiều yếu tố nên thông qua hồ sơ của tôi. Tuy nhiên, hội đồng thành phố nghiêm ngặt hơn nên tôi bị đánh trượt", Thu Huyền cho biết. Nghệ sĩ nói không buồn vì tuổi còn trẻ, có nhiều cơ hội phấn đấu. "Khi nào đủ điều kiện, tôi tiếp tục làm hồ sơ", Thu Huyền tâm sự. Chị sinh năm 1975 ở Hà Nội, nổi tiếng với vai Thị Màu trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Hiện Thu Huyền là Phó giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Chèo Hà Nội. 

Hồ sơ của nghệ sĩ Trần Hạnh được thông qua. Ông mới đoạt một giải Cống hiến (tương đương giải Vàng) tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2010. Dù không đủ số huy chương quy định, Trần Hạnh có nhiều đóng góp cho sân khấu, phim truyền hình. Hồi tháng 3, Trần Hạnh được Sở đặc cách đưa vào danh sách xét trao danh hiệu NSND vì hóa thân vào nhiều vai diễn "có sức lan tỏa, đồng thời có hình ảnh đúng mực trong cuộc sống". 

 Diễn viên Trần Hạnh. 

Nghệ sĩ Thu Hà, Công Lý là hai tên tuổi nổi bật trong số bảy nghệ sĩ đạt tiêu chuẩn của hội đồng. Thu Hà nổi tiếng với vai diễn trong các phim Đêm hội Long Trì (1989), Lá ngọc cành vàng (1989), Tóc gió thôi bay (1993), Đường đời (2008)... Công Lý được biết đến nhiều nhất qua vai diễn Bắc Đẩu trong Gặp nhau cuối năm. Hai diễn viên thuộc biên chế Nhà hát Kịch Hà Nội. 

 NSƯT Công Lý (trái) và NSƯT Thu Hà.

Ngoài ra, diễn viên Trần Mạnh Cường, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội - Trần Quang Hùng, nhạc sĩ Đào Văn Trung (Nhà hát Cải lương Hà Nội), họa sĩ Nguyễn Tất Ngọc (diễn viên đã nghỉ hưu Đoàn Kịch nói Quân đội) cũng được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua. Hồ sơ của đạo diễn Nguyễn Minh Chuyên, đạo diễn Nguyễn Lê Văn, diễn viên chèo Trần Thị Loan... bị đánh trượt. Về danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, 31 người đủ tiêu chuẩn.

Danh sách trên được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổng hợp từ hồ sơ của các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội như Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có danh sách độc lập, tổng hợp từ đề xuất của các đơn vị trực thuộc như Hãng phim truyện Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Hai danh sách được gửi lên Hội đồng Nhà nước để xem xét.

Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức tám đợt xét duyệt vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015. Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.