Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đại gia phố cổ dạy con làm người tử tế

“Cậu mợ tôi là những người coi trọng việc học của con cái. Do vậy, khoảng những năm 50, cậu đã cho tôi theo học các thầy giỏi bậc nhất Hà thành thời bấy giờ”.

Ông Nguyễn Thái An vốn là con trai cả trong một gia đình giàu nức tiếng phố Hàng Đào. Ở tuổi 75, ông vẫn nhớ vẹn nguyên những kỷ niệm xưa cũ, từ khi còn là cậu học trò lớp Năm của trường tiểu học Nguyễn Công Trứ. Ông nhắc lại chúng bằng tất cả sự trân quý, nhớ nhung...

Sống phải luôn tử tế với cả những người dưới

Nhà ông có cửa hiệu tên Thái An chuyên buôn bán hàng tơ lụa, vải sợi may mặc. Số lượng khách buôn ngoại quốc thời ấy đến rất đông. Cha mẹ (ông gọi là cậu mợ) thường xuất khẩu vải vóc sang cả Thái Lan, Lào, Miên, Mã Lai… Mợ ông luôn dạy các con cách cư xử tử tế, kể cả với những người giúp việc.

Trong giao tiếp với gia nhân, từ câu nói cửa miệng, mợ ông cũng dặn dò phải thật trân trọng, không được sắng giọng hay to tiếng.

Nhà ông Thái An khi ấy có độ hơn chục người ở. Mặc dù mọi việc trong nhà đều có u già hay người ở giúp đỡ nhưng tuyệt nhiên bà không cho phép anh em ông Thái An ỉ lại.

 Căn nhà 3 tầng này ngoài 8 người trong gia đình ông còn có hàng chục gia nhân ở

Vốn là người khéo léo, nhẹ nhàng nên bà không để mất lòng ai bao giờ. “Mỗi khi có đồ ăn ngon, mợ tôi thường bảo: “Phần này dành cho Nụ. Có mấy khi nó được ăn đâu. Nhà mình thì ăn lúc nào chẳng được”.

Hay khi u già ốm đau. Thời bấy giờ mời đốc tờ (bác sĩ) đến khó. Vậy nhưng mợ vẫn tận tình mời đến nhà bằng được để chữa trị và lo thuốc men cẩn thận.

"Mợ luôn dạy chúng tôi cách đối xử với người ở như thế. Dần dần, nó đã trở thành nếp sống trong gia đình”.

Cái nếp nhà ấy đã tạo cho mỗi thành viên trong gia đình ông Thái An một lối sống gần gũi, không tranh giành, biết chia sẻ, yêu thương.

“Tôi nhớ vào mỗi dịp Tết, mợ thường chuẩn bị quà bánh cho người làm rất chu đáo. Ngoài tiền lương, mợ thường thưởng thêm tiền để họ về quê ăn Tết”.

Cũng bởi quý người ở như người trong nhà nên nhiều gia nhân đã gắn bó với gia đình ông suốt cả đời. Cũng có người xin về quê lấy chồng, nhưng mỗi dịp Tết đều không quên quay lại thăm, tay xách theo đôi gà kèm vài củ su hào làm quà biếu.

Là người kinh doanh, phải kinh doanh tử tế

Trong ký ức của cậu bé Thái An vẫn đầy ắp những tiếng rao gõ nhịp của bà hàng xôi sáng sáng lướt qua cửa nhà hay ông bán bánh mì có cái thùng bằng cót khoác chéo một bên vai. Thời ấy, ông Thái An thường được mợ giúi cho mấy đồng để ăn quà sáng.

Ngoài vài đồng tiền quà, ông được mợ cho thêm một đồng để mua đồ tuỳ thích. Ông dành dụm bỏ vào một con lợn bằng đất. Cứ đến rằm tháng Tám hay 30 Tết, ông Thái An lại mổ ra để lên Hàng Thiếc mua những chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước. Chiếc tàu được chế từ sắt tây, nhờ ngọn lửa hun nóng hộp nước, tạo thành hơi nước đẩy tàu đi xa. Thứ đồ chơi phát ra tiếng kêu xình xịch ấy có sức hấp dẫn đặc biệt với những đứa trẻ như ông thời bấy giờ.

dạy con,kỹ năng sống,giá trị sống,sống tử tế

Ở tuổi 75, ông Thái An vẫn nhớ vẹn nguyên những kỷ niệm xưa cũ

“Cậu mợ tôi không bao giờ cho tiền mua ngay những thứ con thích. Tôi phải tự mua bằng những đồng tiền do tằn tiện, chắt bóp mới có được.

Cũng nhờ vậy mà từ bé, tôi rất ham kinh doanh. Khi lên 6 tuổi, tôi thường gấp những con sư tử hay con ngựa bằng giấy rồi đặt lên một cái mâm bán trước cửa nhà”.

Để con quen với việc buôn bán, lần nào tiếp đãi khách buôn từ ngoại quốc đến, cậu mợ cũng dắt con trai theo cùng. Trong trí nhớ của ông, đó đều là những nhà hàng ngon bậc nhất Hà thành như hàng Mỹ Kinh hay Đông Hưng Viên nằm ngay trên phố Hàng Buồm.

“Cậu mợ tôi luôn dạy, trong kinh doanh phải ghi nhớ bốn chữ: chí, đức, tín, nghĩa. Chí tức chí làm giàu. Làm giàu thì phải có đức, tức biết san sẻ với kẻ khó. Khi kinh doanh cần phải giữ chữ tín; còn nghĩa là phải biết nhớ về nguồn cội, ông bà tổ tiên vì đã cho ta cuộc sống hôm nay”.

Mặc dù đến khi cách mạng thành công, giống như nhiều gia đình tư sản yêu nước thời bấy giờ, cậu mợ ông Thái An cũng bỏ tiền vàng ủng hộ chính quyền mới. Các anh chị em ông không ai nối nghiệp buôn bán nữa, nhưng những bài dạy của cậu mợ về kinh doanh tử tế vẫn được ông Thái An khắc sâu.

“Tôi nhớ, cậu mợ tôi luôn chọn nguồn hàng tốt nhất để bán. Mặc dù giá thành sản phẩm cao hơn nhưng mợ vẫn giảm giá cho khách. Vì luôn giữ chữ tín nên nhiều hôm để kịp giao hàng, cậu mợ phải mải miết làm đến tận đêm khuya.

Luôn đặt chữ tín lên hàng đầu nên cậu mợ rất được chủ buôn tin tưởng. Có nhiều lần cậu mợ lấy số lượng hàng lớn nhưng chủ buôn vẫn cho nợ tiền mà không đòi hỏi thêm điều gì”.

Học hay làm cũng đều phải tử tế

Mợ ông Thái An vốn là người tháo vát. Trừ những ngày buôn bán bận mải, còn khi rảnh rỗi hay vào dịp lễ Tết, mợ ông vẫn thường tự tay chuẩn bị cơm mà không cần mượn đến vú già hay người ở. Khi ấy, các em gái của ông Thái An cũng phải xuống bếp phụ giúp mợ nấu nướng.

Vốn là con gái Hàng Đào, các em ông được mợ dạy rất nghiêm ngặt về bổn phận của người phụ nữ. Từ cách đi chợ, lựa đồ đến việc nấu các món ăn đều được rèn từng li từng tí.

Mợ uốn nắn rất khuôn phép, không dễ dãi, buông tuồng. Mợ ông kị nhất là thói làm ẩu. Đến việc quét nhà cũng phải làm cẩn thận, tuyệt đối không được vội vàng “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy”.

Những năm 50, ông Thái An đã được cậu mợ cho theo học các thầy giỏi bậc nhất Hà thành thời bấy giờ

Sinh ra trong một gia đình giàu có, bản thân ông Thái An và các em của ông từ nhỏ đã được cậu mợ chăm chút, đầu tư học hành cẩn thận. Sau mỗi giờ lên lớp, ông được kèm cặp thêm võ, nhạc, hoạ bởi những người thầy giỏi bậc nhất Hà thành.

“Những người thầy ấy, tôi nhớ là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn; học võ, đấu kiếm của thầy Võ Đình Quỳnh - người từng vô địch Đông Dương; học hoạ thầy Mạnh Quỳnh - một hoạ sĩ nức tiếng”.

Cũng bởi coi trọng việc học, nên trong nhà ông Thái An có luật bất thành văn, sau khi cơm nước xong xuôi, cả mấy anh em phải tự giác ngồi vào bàn học bài.

Lối dạy con của cậu mợ ông vừa cương, vừa nhu.

“Cậu tôi dạy con rất cương quyết. Cậu rất nghiêm khắc, có roi vọt nhưng mợ tôi lại rất nhẹ nhàng. Nếu chúng tôi không chịu học bài, cậu sẽ phạt nhịn cơm hoặc dùng cái cán phất trần quật vào mông cho nhớ. Sau mỗi lần ấy, mợ thường dắt tôi đi ăn chè không quên kèm theo lời nhắc “Lần sau phải nhớ lấy lời cậu”.

Dạy con có thưởng, có phạt nên những lần tôi được 10 điểm, cậu thường dẫn ra Hàng Buồm thưởng cho một bát chè lục tàu xá”.

Lối dạy con yêu thương nhưng luôn kỷ luật và kỷ luật nghiêm khắc đã rèn cho anh em ông Thái An tính trách nhiệm cao trong bất cứ chuyện gì. Cách dạy con ấy cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến lối dạy con của ông Thái An sau này.

“Cậu mợ tôi không bao giờ đưa ra những quy tắc bắt con cái phải làm theo. Nhưng qua mỗi lời nói, cử chỉ của cậu mợ, anh em tôi đều hiểu rằng bản thân mỗi người đều phải sống sao cho thật tử tế”.