Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ký ức về buổi chiều ngày 30/4/1975 lịch sử trong Dinh Độc Lập

Ít người biết rằng sau khi quân giải phóng chiếm được Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, chiều hôm đó, ở địa điểm này vẫn còn có súng nổ, có chiến sĩ bị thương.

Rất nhiều sách báo đã nói về các diễn biến hào hùng trong những ngày cuối của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với những hình ảnh tiêu biểu như xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập, các chiến sĩ giải phóng hạ cờ ba sọc, giương cao lá cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng trên nóc dinh, hay đưa Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng…

Nhưng diễn biến trong Dinh Độc Lập sau giờ toàn thắng ít người biết. Các sự kiện diễn ra buổi chiều lịch sử đó đều đã được ghi lại trong những cuốn sách của các tướng lĩnh, sĩ quan, những người trực tiếp tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và có mặt trong giờ toàn thắng.

 Dương Văn Minh và nội các tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện

Trong cuốn Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh (NXB Quân đội Nhân dân, 2005), Thiếu tướng Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, đơn vị vào Dinh Độc Lập đầu tiên bắt sống nội các của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh, kể lại chi tiết diễn biến từ sau buổi trưa 30/4.

“Khi tôi vào dinh, Dương Văn Minh đã đi ra đài phát thanh. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trông thấy tôi đoán là người chỉ huy, nên đến báo cáo về tình hình trong dinh trước lúc quân giải phóng đến, giới thiệu những nhân vật chính có mặt".

"Tôi nói với chuẩn tướng Hạnh, ở đây còn liên lạc được với đơn vị nào, anh cho họ biết các anh đã đầu hàng không điều kiện vào báo cáo đơn vị đó nhanh chóng đầu hàng. Chuẩn tướng Hạnh kể ra cũng được việc, đã liên lạc và truyền lệnh được cho nhiều đơn vị khác nhau".

"Vũ Văn Mẫu, thủ tướng xin phép để được gặp đại diện mặt trận với ý định bàn giao về nhà sớm. Tôi nói với Mẫu chúng tôi là quân nhân, vì vậy các anh cứ ở đây ngay trong gian phòng này".

"Ngày mai sẽ có đại diện mặt trận đến. Các anh cứ ngồi chơi thoải mái, hôm nay ăn thử một bữa cơm Việt cộng cho vui. Trông bọn họ cũng có vẻ yên tâm, nói cười vui vẻ với nhau”.

Quân ta bắn nhằm quân mình

Và trong buổi chiều 30/4 đó, do có đơn vị vào trước, vào sau, không nắm được thông tin Dinh Độc Lập đã bị quân ta chiếm, nên đã xảy ra những tình huống không đáng có.

“Khoảng 13 giờ, chúng tôi đang ngồi chuẩn bị bản thông cáo số 1 của quân giải phóng cho nhân dân Sài Gòn thì hai loạt súng cối 82 bắn ngay vào trước cửa ngôi nhà chính và nổ súng ra khắp xung quanh", Thiếu tướng Hoàng Đan kể.

"Sau này mới rõ là một đơn vị từ phía Tân Sơn Nhất sau khi chiếm xong khu vực phân công cũng tìm cách tiến nhanh đến dinh Độc Lập một cách máy móc là trước khi tiến vào mục tiêu phải bắn chế áp trước".

 Sân dinh Độc Lập hôm 30/4/1975.

"Cũng may các đồng chí bắn có hai loạt. Khi nghe tiếng súng, các đồng chí xe tăng cũng không hiểu súng ở đâu bắn đến, lại máy móc dùng súng đại liên bắn ra xung quanh, tất nhiên là bắn chỉ thiên".

"Thật ra hai bên bắn nhau, nhưng cũng hơi ngờ là không còn địch chống cự, vì dân đứng đầy đường phố. Chúng tôi phải dẹp hơn một tiếng đồng hồ mới yên tiếng súng. Phải cho người gọi từng xe để ra lệnh ngừng bắn".

"Khoảng 14 giờ lại xảy ra một chuyện nữa. Bây giờ kể lại thì có đồng chí ngạc nhiên, nhưng lúc đó thì tôi nghĩ cũng không phải có gì lạ lắm. Chúng tôi đang ngồi đầy ở các bậc lên nhà, thì thấy một tiểu đội từ ngoài vào".

"Đồng chí đi đầu nhanh chóng đặt gói bộc phá vào chân ngôi nhà, định giật nụ xòe cho bộc phá nổ. Đồng chí Ân lập tức chạy đến xô đồng chí này ra và hỏi: 'Ta đã chiếm rồi sao đồng chí lại còn đặt bộc phá?'”.

"Đồng chí này ngớ người ra một lúc. Có lẽ lúc này đồng chí đó mới thấy hành động của mình là vô lý. Đồng chí nói: 'Chúng em được lệnh đi đầu, tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập, vì vậy nên đến nơi chúng em đánh bộc phá liền'".

Để đảm bảo an ninh, lực lượng Quân đoàn 2 đã tổ chức bảo vệ vòng quanh Dinh Độc Lập, không cho ai vào. Nhưng rất nhiều đơn vị tiến đến sào huyệt cuối cùng của địch, đều khẩn khoản xin vào xem một chút.

“Chúng tôi cũng phải nhượng bộ để các đồng chí vào xem. Tất nhiên chỉ cho phép đứng xung quanh, không cho vào trong”, tướng Đan, khi đó là đại tá, viết.

Các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 chỉ quản lý Dinh Độc Lập đến chiều 30/4. Tướng Hoàng Đan mô tả diễn biến sau đó: “Sau lúc tiếp tục thảo xong thông cáo số 1, khoảng 17 giờ các đồng chí đại diện Quân đoàn 4 vào. Các đồng chí nói, các đồng chí có nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập nhưng vào chậm, nay cho xin bàn giao lại. Chúng tôi vui vẻ bàn giao ngay".

"Thật ra chúng tôi cũng muốn bàn giao nhanh để ra ngoài, nắm lại tình hình các đơn vị và trước mắt nghỉ ngơi một ít. Đã 4, 5 ngày đêm không hề chợp mắt. Trên đường xe cộ, người chen chúc nhau".

"Chúng tôi phải hết sức vất vả và mãi 24 giờ mới về đến Thủ Đức, nơi chúng tôi dự định đặt chỉ huy sở quân đoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Lê Linh và cơ quan quân đoàn cũng đã di chuyển lên đây từ chiều".

"Lúc về định nghỉ, nhưng thực ra không ai nghỉ được. Sở dĩ không ngủ được vì tình hình diễn ra nhanh quá. Chuyện nhiều quá, kể cho nhau nghe không hết được. Có lẽ cũng không phải chuyện nhiều, mà cái chính là người nào cũng có cảm giác là lạ, có lẽ là cảm giác vui mừng. Nhưng lúc đó cũng không hiểu cảm giác gì".

"Ngồi nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác. Nghĩ không biết bây giờ anh em đang làm gì. Có canh gác cẩn thận hay lại lơ là mất cảnh giác. Nghĩ Hà Nội bây giờ ra sao, vợ con mình nghĩ gì lúc này, khi chiến tranh đã kết thúc".

"Nghĩ thương các đồng chí hy sinh trước giờ chiến thắng... Nghĩ rất nhiều, hết chuyện này sang chuyện khác. Ngồi nghĩ, nói chuyện với nhau, ra một vài mệnh lệnh cần thiết, cứ thế chúng tôi thức đến sang”.

 Bộ đội trong dinh Độc Lập. 

Các sự kiện diễn ra buổi chiều 30/4/1975, với sự kiện “quân ta bắn nhầm quân mình” cũng được miêu tả chi tiết trong cuốn hồi ký Chiến trường mới, của Thượng tướng Nguyễn Hữu An (Nguyễn Tư Đương thể hiện, NXB Quân đội Nhân dân - 2002), người giữ cương vị Tư lệnh Quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Tôi cùng anh Duyến phó phòng tác chiến đi sóng đôi bước xuống thềm dinh, ra sân. Cái sân cỏ rộng phẳng phiu có tới mấy nghìn mét vuông. Tù binh đã bị tước vũ khí, ngồi xếp hàng ở giữa sân", Thượng tướng An kể lại.

"Giữa lúc nhìn cuộc sống xung quanh hư hư, thực thực ấy, mấy quả đạn cối 82 (hoặc 81) nổ liên tiếp ngay trên sân cỏ. Duyến ôm lấy mặt kêu lên 'Tôi bị thương rồi'. Tôi bảo chiến sĩ gác cho tù binh chạy vào trong hầm".

"Mấy quả đạn cối nổ, chỉ có mình cậu Duyến là chẳng may hỏng một bên mắt. Tôi hỏi một sĩ quan tù binh xem xung quanh đây còn lực lượng nào dám kháng cự nữa không. Không có. Như thế là 'quân ta bắn quân mình' thôi".

"Chiến tranh khó tránh hết được cái chuyện quái gở ấy. Nhưng nhờ có vài viên đạn súng cối, trật tự được thiết lập nhanh chóng. Các nhà báo thôi không trèo leo nữa. Các vị đã vào trong sân rồi, cũng vui lòng ra ngoài".

Lo toan chiến tranh đã qua đi

Tướng Hoàng Cầm viết rõ đến 17 giờ, Quân đoàn 4 vào tiếp quản dinh Độc Lập theo kế hoạch, Quân đoàn 2 rút về Thủ Đức.

Cuốn hồi ký Chặng đường Mười nghìn ngày của Thượng tướng Hoàng Cầm (NXB Quân đội Nhân dân, 2001, Nhật Tiến thể hiện), lúc đó là Tư lệnh Quân đoàn 4, đơn vị tiếp quản Dinh Độc lập từ Quân đoàn 2, cũng cho biết thêm diễn biến trong buổi chiều và tối ngày 30/4 lịch sử, cũng như cảm xúc cá nhân ông:

“Lúc này tôi mới có phút xả hơi, được nhìn quang cảnh một cái 'dinh', một địa danh quen thuộc với tất cả cán bộ, chiến sĩ có mặt trên chiến trường, nhất là chiến trường Đông Nam Bộ - vì trước đó lúc 10 giờ ngày 30/4 nó vẫn là sào huyệt cuối cùng của quân thù".

"Điều dễ thấy căn dinh mang dáng dấp một đồn binh, một trại lính. Có tới 3 hàng rào và công sự ngăn cách với bên ngoài; trong vườn dinh vẫn còn lều lán của binh sĩ địch canh phòng, xe bọc thép và súng phòng không chĩa ra tứ phía".

 Lính Việt Nam Cộng hòa trong dinh Độc Lập.

"Được biết Dương Văn Minh và nội các của ông ta từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng, nhưng vẫn lấm lét sợ hãi không dám ngỏ lời. Tôi chủ động nói với họ: 'Các ông có thể báo người nhà đem cơm tới, từ sáng đến giờ, đói chịu sao được'".

"Họ lễ phép cúi đầu, hai tay chắp cám ơn, đưa mắt nhìn trộm tôi. Tất cả đều cung kính, thưa bẩm vì thấy tôi tóc ngả hoa râm họ cho là tướng chỉ huy (khi gặp bất cứ chiến sĩ nào của ta họ đều hỏi như thế)".

"Đêm ấy tôi cùng cán bộ, chiến sĩ nằm ngoài hiên căn dinh, trên nền gạch lát hoa thật mát. Lo toan chiến tranh đã qua đi, thành phố về khuya yên tĩnh, không gian thoáng mát".

"Vậy mà cứ thao thức hoài mặc dầu những ngày dài vừa qua kể từ chiến dịch Đường 14 - Phước Long, chẳng đêm nào tôi được ngủ trọn vẹn. Gần đây, kể từ 26/4/1975 đều đói ngủ, mà vẫn cứ chong mắt với những suy nghĩ miên man. Nằm tại dinh 'Độc Lập' thật rồi mà cứ thấy ngỡ ngàng như mơ”.