Bầu Đức: Người giỏi không cần bằng cấp, quan trọng là làm được việc
- 07:47 28-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hôm qua (27/4), Chủ tịch Lê Hùng Dũng gửi văn bản đến các ủy viên Ban chấp hành VFF về tổng hợp ý kiến bỏ tiêu chí bằng cử nhân, có 4 người không đồng ý bỏ, 16 người bỏ (4 ý kiến không trả lời) và 1 người xin không ý kiến.
16/23 người đồng ý bỏ bằng cử nhân nên Đại hội VFF khóa VIII cũng không thể diễn ra mà gia hạn thêm thời gian cho các tổ chức thành viên giới thiệu ứng viên, từ ngày 2 đến ngày 10/5/2018. Điều ấy đồng nghĩa Đại hội sẽ tiếp tục hoãn, không thể tiến hành trong tháng 5.
Văn bản của lãnh đạo VFF gửi đến các ủy viên Ban chấp hành. |
Theo thông tin của Saostar, một người xin không ý kiến trong số 23 ủy viên Ban chấp hành của VFF chính là bầu Đức. Nguyên nhân đơn giản là bầu Đức đã nói rất nhiều về chuyện bằng cử nhân. Ông Đức nói thẳng ngay tại cuộc họp Ban chấp hành vào ngày 16/3 và trên báo chí.
Bầu Đức đã quan điểm rất rõ ràng rằng: “Cho tôi hỏi bao nhiêu khóa vừa qua, các quan chức VFF có bằng cấp? Tôi xin lỗi, người giỏi không cần có bằng cấp, quan trọng là làm được việc. Mắc mớ gì làm bóng đá cần phải có bằng cấp? Cái này tôi cho là quá!
Giả sử Bộ Nội vụ, Chính phủ hay luật của Quốc hội đặt ra thì chúng ta đồng ý ngay. Còn mình không nên đặt ra điều kiện đó. VFF không có quyền đặt ra nên tôi đề nghị dẹp ngay. Làm phó Chủ tịch truyền thông chỉ cần đẳng cấp, không cần bằng cấp. Hoặc chỉ có thể là một nhóm người nào đó cài vào điều khoản này để loại người khác ra mà thôi”.
Bầu Đức cay đắng vì chuyện bằng cử nhân của VFF. |
Và sau thông báo của Chủ tịch Lê Hùng Dũng vào ngày hôm qua khiến cho nhiều người phải đặt ra các câu hỏi khác nhau. Đầu tiên là chuyện lãnh đạo VFF đem tiêu chí này vào Đại hội khóa VIII để làm gì? Bao nhiêu ủy viên Ban chấp hành đã đồng ý trong lần đầu tiên?
Nguyên nhân là lần thăm hỏi ý kiến để đưa ra tiêu chí bằng cử nhân, lãnh đạo VFF chỉ nói chung chung là Ban chấp hành VFF đã chấp nhận. Tức không rõ ràng và minh bạch như đợt thăm hỏi ý kiến lần thứ hai để xóa bỏ tiêu chí bằng cử nhân.
Điều tiếp theo, chuyện tiêu chí bằng cử nhân không có trong điều lệ của VFF nhưng một số thành viên Ban chấp hành vẫn cương quyết không xóa bỏ, với 4 người không đồng ý. Chỉ là thiểu số nhưng cần đặt dấu hỏi lớn: Vì sao họ vẫn muốn giữ điều ấy và thời gian qua những ủy viên này đang đóng góp cho VFF dựa trên điều lệ hay sự cảm tính?
Ví dụ dễ thấy là trường hợp của Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi chia sẻ thẳng thắn về tiêu chí bằng cử nhân với Saostar: “Đó là tập thể chứ không phải cá nhân tôi. Tôi thấy, nếu là lãnh đạo cấp cao nhất của Liên đoàn nên cần có trình độ. Bởi người ta yêu cầu lấy ý kiến các cán bộ chủ chốt của Liên đoàn từ cấp phó Chủ tịch trở lên cần có bằng Đại học. Tôi thấy điều ấy hợp lý thì đồng ý”.
“Tôi thấy hợp lý thì đồng ý” - một quan điểm hết sức vô lý bởi VFF làm việc dựa trên điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt chứ không phải cá nhân thích thì đồng ý. Nếu chuyện tiêu chí bằng cử nhân là đúng thì tại sao sau cuộc họp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch thì Tiểu ban Nhân sự VFF phải xin ý kiến Ban chấp hành để xóa bỏ?
Bầu Đức nghỉ chơi với VFF vì không có bằng cử nhân. |
Một dấu hỏi khác là lần đầu xin ý kiến thì tiêu chí này được thông qua nhưng sao bây giờ có đến 16/23 người đồng ý bỏ?
Đây là câu hỏi mà lãnh đạo VFF cần phải trả lời cho người hâm mộ và dư luận. Vì cũng 23 con người ấy lại có 2 quan điểm khác nhau về chuyện bằng cấp trước thềm Đại hội VFF khóa VIII.
Cần nhắc, chuyện tiêu chí bằng cử nhân là một trong những khúc mắc lớn khiến xảy ra tranh cãi ở VFF và Đại hội phải liên tục hoãn, thậm chí chưa biết bao giờ chốt xong nhân sự ứng cử để có thể tổ chức.
Hơn hết, tấm bằng Đại học liệu có thể là thước đo dành cho một lãnh đạo VFF có tài đức, tâm huyết? Những người làm bóng đá thừa hiểu là tấm bằng quan trọng nhất với họ chính là “bằng lòng” của người hâm mộ, cần sự thừa nhận, chứ không phải kể công, kể kiến thức hay này nọ. Đơn giản bóng đá cần kết quả.
Bầu Đức đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam. |
Bản thân bầu Đức quan niệm người làm lãnh đạo VFF không cần bằng cấp, chỉ cần đẳng cấp, quan trọng là làm được việc để đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Ở khía cạnh làm bóng đá là hợp lý, khi VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, những người như bầu Đức vào chỉ bỏ thêm công sức, tiền bạc, tâm huyết chứ không phải nhận lương.
Xét về đẳng cấp, bầu Đức trong nhiều năm qua làm bóng đá đi tiên phong từ việc mua sắm cầu thủ đến xây Học viện HAGL. Ông Đức cũng góp công mang về HLV Park Hang Seo và trả tiền lương cho ông thầy người Hàn Quốc. Tiếc rằng, ông Đức đã nghỉ chơi ở VFF, vì một trong những lý do là tủi hờn với tiêu chí được sáng tác theo kiểu VFF, theo ông Đức là dùng để loại người khác.
Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải đã nhận xét rằng: “Những việc bầu Đức làm rất thành công. Ông ấy có thể tạo nên một thương hiệu HAGL, cách làm khoa học. Bầu Đức hợp tác với Arsenal để cho ra đời Học viện và một lứa cầu thủ giỏi. Chứng tỏ ông Đức có tâm, có tầm nhìn”.
Cựu phó Tổng thư ký VFF - Dương Nghiệp Khôi cũng khẳng định: “Tôi nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam cần người tài giỏi, có tâm và có tầm, dám nghĩ dám làm như anh Đức. Còn bằng cấp, nó không quan trọng với một người như anh ấy”.
Nghịch lý của bầu Đức Bầu Đức tâm sự rằng: “Tôi không có bằng Đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc…”. Chia sẻ ấy càng khiến cho người hâm mộ đồng cảm với nỗi đau của bầu Đức ở VFF. Ông chủ CLB HAGL đã tốn hơn cả nghìn tỷ làm bóng đá trong gần 20 năm qua, cống hiến và làm vì sự phát triển bóng đá nước nhà. Bây giờ, bóng đá Việt Nam khởi sắc sau thành công của U23 thì ông Đức phải nói lời tạm biệt VFF trong tiếng thở dài… |