Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982: Cần giải quyết những mong muốn chính đáng của dân
- 07:44 27-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982” chỉ được nhận diện ở tấm bảng nơi cổng vào, bên trong hoang phế, không mộ phần. Ảnh: Đình Phú |
Người “trong cuộc” lên tiếng
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, vào ngày 6.3.2016, ông Nguyễn Văn Tư, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt VN (ngụ P.10, Q.3, TP.HCM), có thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt VN và một số đơn vị liên quan đề cập đến vụ tai nạn lật tàu tuyến Nha Trang - Sài Gòn.
Thư của ông Tư viết: “Tôi nhắc lại vụ tai nạn đường sắt ngày 17.3.1982 tại Bàu Cá, H.Trảng Bom, Đồng Nai: trên 100 người chết chôn tại khu nghĩa địa tập thể thuộc xã Tây Hòa, H.Trảng Bom, gần chỗ xảy ra tai nạn, nay gọi là nghĩa trang đường sắt đã bị bỏ hoang phế từ lâu không nhìn ra nấm mộ. Các thân nhân nhiều lần đến gặp tôi và ngành đường sắt mà chưa giải quyết được”. Trong thư, ông Tư đề nghị những người có trách nhiệm trong ngành đường sắt xem xét giải quyết dứt điểm những kiến nghị chính đáng của thân nhân các nạn nhân.
Ông Nguyễn Văn Tư cũng từng ký vào đơn “kêu cứu” của tập thể thân nhân nạn nhân. Trong đơn, họ đề nghị ngành đường sắt giải quyết 4 nguyện vọng: (1) tìm lại hồ sơ chôn cất để có thể tìm được vị trí phần mộ của người thân; (2) bốc hài cốt, thử ADN để xác định chính xác danh tính người nằm dưới mộ; (3) xây từng mộ phần rõ ràng, nếu không thì làm mỗi phần mộ một ô gạch với chi phí thấp nhất để phân biệt; (4) chỉnh trang lại cổng, tường rào.
Trong khu mộ tập thể vô danh, chỉ có 2 mộ phần xây đá liền nhau, chính giữa ghi: “Trong hai ngôi mộ này có phần mộ mẹ chúng tôi, phần mộ còn lại nếu có thân nhân xin liên hệ cùng chúng tôi để tìm hiểu, liên lạc số điện thoại: 0972227…, 01636501…” |
Năm 2015, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt VN (thuộc Bộ GTVT) có về “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982” và trong 4 kiến nghị thân nhân nạn nhân nêu ra, ngành đường sắt mới giải quyết chỉnh trang lại cổng, tường rào. Ba nguyện vọng còn lại bị trôi vào quên lãng từ đó đến nay.
Để nắm rõ hơn thông tin về thảm nạn, PV Thanh Niên đã liên hệ với Công an tỉnh Đồng Nai. Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Tham mưu công an tỉnh, cho biết sau nhiều ngày tra cứu tư liệu thì không có hồ sơ nào nói về vụ tai nạn thảm khốc ở khu vực ga Bàu Cá. Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cũng ký văn bản gửi Sở LĐ-TB-XH tỉnh và Công an H.Trảng Bom đề nghị phối hợp hỗ trợ, cung cấp thông tin, nhưng hiện vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. PV cũng đã tìm tới hai cơ quan này và đều nhận được hồi âm: “Không nắm được vụ tai nạn vì xảy ra quá lâu, thời điểm đó hồ sơ không làm kỹ như bây giờ”.
Bên trong “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982” hoang phế, mặt bằng lồi lõm, cỏ dại mọc đầy |
Ông Nguyễn Kim Hoạt là người giúp bà Trần Thị Cẩm phát quang khu mộ tập thể sau nhiều năm rơi vào quên lãng |
Ngành đường sắt nói gì?
Về phía ngành đường sắt, trong văn bản Tổng công ty đường sắt VN (VNR) phúc đáp Công an tỉnh Đồng Nai mới đây, VNR nêu: Vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra vào ngày 17.3.1982 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM thuộc địa bàn ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất (nay là xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom), là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan thụ lý, điều tra Công an tỉnh Đồng Nai và Ty Công an đường sắt trực thuộc Tổng cục Đường sắt (sau đó Ty này thuộc Cục CSGT - C67 Bộ Công an) trực tiếp điều tra và lưu hồ sơ vụ tai nạn.
Khi tai nạn xảy ra, lãnh đạo Tổng cục Đường sắt giao lãnh đạo Quận đường sắt 3 (tiền thân của Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, trụ sở hiện ở Q.1) lập ban chỉ huy khắc phục hậu quả, tiếp nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến người bị nạn. Cụ thể: các nạn nhân có người nhận diện và được công an đồng ý thì đơn vị sẽ lo hậu sự, phương tiện để gia đình đưa về địa phương mai táng; các nạn nhân không có thân nhân nhận diện, thì giao chính quyền địa phương sở tại tổ chức mai táng (khu mộ tập thể vô danh nay thuộc ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa - PV), khi đó Công an tỉnh Đồng Nai chụp ảnh treo tại ga Sài Gòn để người thân và người quen nhận diện…
VNR cho biết, do thời điểm xảy ra tai nạn chưa thực hiện chế độ bảo hiểm hành khách, nên các chi phí liên quan việc giải quyết khắc phục hậu quả đều do Tổng cục Đường sắt chi trả. Suốt thời gian dài sau đó không có trường hợp nào đến Quận đường sắt 3 và Tổng cục Đường sắt để tìm thông tin các nạn nhân.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, nói: “Những gì ngành đường sắt có thể làm trong khuôn khổ pháp luật và chủ sở hữu cho phép, sẽ cố gắng làm”. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc kiêm người phát ngôn VNR, nói thêm: “Bộ GTVT và các cơ quan chức năng có hỏi, chúng tôi cũng chỉ báo cáo được như thế. Chuyện này nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ. Là doanh nghiệp nên không thể tự ý khai quật khu mộ để xác định ADN được, nhưng chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết các kiến nghị của thân nhân nạn nhân, bởi đây là một vấn đề xã hội”.
Lý giải “khu mộ tập thể vô danh” nạn nhân vụ thảm nạn đường sắt ngày 17.3.1982 vẫn còn trong cảnh hoang phế, ông Đặng Đình Bừng, Chủ tịch UBND xã Tây Hòa, cho biết: “Xã rất bị động nên sơ đồ khu mộ không có. Tư liệu về nạn nhân, xã cũng không có gì. Lý do vì sao an táng chung ở đó, xã cũng không rõ”. Ông Trần Hoan Quí, Phó chủ tịch UBND xã Tây Hòa, nói: “Để khu mộ hoang dại vậy cũng không tốt. Việc chỉnh trang cho tươm tất hơn là rất hợp lý, nhưng phải có chỉ đạo ở trên, ngành đường sắt phối hợp chứ xã không thể tự mình lo việc này được”. Ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng trách nhiệm chính giải quyết các nguyện vọng của thân nhân nạn nhân trong vụ tai nạn đường sắt ngày 17.3.1982 thuộc trách nhiệm của ngành đường sắt. “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp nếu Tổng công ty đường sắt VN có đề nghị”, ông Hoan khẳng định. Còn ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, nói: “Khi Tổng công ty đường sắt VN chủ động làm cầu nối, nếu vào phối hợp thì Sở luôn sẵn sàng. Do không tìm được thân nhân, thời điểm năm 1982 điều kiện còn khó khăn nên không để lâu được, mà phải tổ chức chôn cất. Bây giờ có điều kiện tốt hơn, chúng ta cũng nên làm, xem đó là một nghĩa cử với người nằm xuống, an ủi thân nhân của họ. Trước mắt, tổng công ty nên cử người vào để phối hợp với địa phương thực hiện chỉnh trang khu mộ, rồi tính toán xét nghiệm ADN để có thể làm rõ danh tính. Cá nhân tôi thấy rất trăn trở khi đọc đơn kêu cứu của thân nhân nạn nhân”. |