Gia cảnh xót xa của nữ anh hùng cứu 34 người chìm đò ở Hà Tĩnh
- 04:59 27-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau vụ cứu sống 34 mạng người giữa lòng hồ Sông Rác, bà Hệ (ở thôn Thượng Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) vẫn lặng lè chèo đò kiếm sống qua ngày. Đằng sau những năm tháng phẳng lặng ấy là nỗi ám ảnh khôn nguôi về các nạn nhân chới với giữa dòng nước năm xưa.
Ám ảnh lời gọi đò lúc nửa đêm
Túp lều tạm của bà Hệ được dựng đơn sơ bên triền bờ hồ Sông Rác, nơi đây bà dùng để nghỉ ngơi sau mỗi chuyến đò. Những ngày làm việc mệt nhọc, bà ăn uống và ngủ luôn trong lều để kịp cho chuyến đò ngày hôm sau.
Giờ đây, túp lều một thời bà Hệ tá túc mưu sinh không còn nữa, trên hồ Sông Rác cũng đã vắng bóng những con đò đưa khách qua sông. Nhưng thỉnh thoảng bà Hệ vẫn lặng lẽ ra bến đò năm xưa để ôn lại kí ức một thời.
Hiện trường vụ chìm đò năm xưa (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bà Hệ nhớ lại, sau vụ cứu 34 mạng người khỏi đuối nước, bà luôn bồn chồn không yên, trong bà lúc nào cũng có cảm giác hối hận vì không thể cứu được thêm nhiều người hơn.
“Nghĩ lại tôi cảm thấy bất lực, rất buồn vì không thể cứu được tất cả những người gặp nạn lên bờ, khi đưa được 34 người lên bờ, quay thuyền trở lại thì họ đã chìm hết rồi”, bà Hệ cho hay.
Suốt nhiều tháng sau đó, tinh thần bà luôn hoảng loạn. Nhiều đêm đang ngủ trong đầu lại vang lên những tiếng gọi đò, tiếng kêu cứu thảm thiết của những nạn nhân bị đuối nước khiến bà không thể chợp mắt tiếp.
Hình ảnh người dân hoang mang theo dõi vụ chìm đò hơn 20 năm trước bà Hệ vẫn còn lưu giữ. |
Theo bà Hệ, những người được bà cứu sống năm xưa giờ vì cuộc sống mưu sinh mỗi người một ngả, một số người ở gần vẫn thường xuyên đến thăm hỏi động viên bà.
Năm 2006, bà Hệ nghỉ hẳn đời chèo đò bởi người đi thuyền kiếm củi ít dần, mặt khác việc tham gia giao thông trên sông nước đòi hỏi an toàn cao, bà không đủ tiền bạc để đầu tư nên đành bán thuyền trở về làm ruộng, kết thúc gần 15 năm hành nghề chèo đò.
Tuổi già không bình yên
Trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa mảnh vườn đầy cỏ gianh, ông Nguyễn Văn Trung (chồng bà Hệ) ngồi lặng lẽ xếp những tấm huy chương vàng chói nằm gọn ghẽ trong một chiếc hộp nhựa nhỏ bằng bàn tay. Ông nói, thanh xuân của ông gắn liền với chiến tranh bom đạn, lúc bị thương giải ngũ ông trở về bầu bạn với bà Hệ đến nay cũng đã mấy chục năm.
“Thời bà ấy chèo đò cứu người tôi ngưỡng mộ lắm. Tôi cũng ôm một bó hương xuống tận bến đò thắp cho những người xấu số bị chết đuối”, ông Trung nói.
Hành động cứu người của bà Hệ được nhiều tổ chức tặng bằng khen. |
|
Oái oăm thay, người anh hùng trên hồ Sông Rác năm xưa khi về già phải sống trong cảnh nghèo khó, túng quẫn, nợ nần chồng chất mà khả năng của bà không thể chi trả.
Sau khi nghỉ hẳn nghề chèo thuyền, bà trở về làm ruộng nhưng tuổi già đau yếu thường xuyên nên mùa làm mùa không. Hàng tháng, hai vợ chồng bà chi tiêu từ lương thương binh ¾ của người chồng với số tiền vỏn vẹn 1,4 triệu đồng.
Năm 2011, bà vay mượn 100 triệu đồng của ngân hàng để chi trả tiền mua thuyền làm ăn trước đây. Thời gian vay tiền ngân hàng bà không có khả năng trả lãi nên dư nợ ngân hàng ngày càng tăng lên. Đến tháng 1/2018, tổng dự nợ gốc và lãi lên đến gần 300 triệu đồng.
Ngôi nhà nhỏ bé của bà Hệ lọt thỏm giữa mảnh vườn đầy cỏ gianh. |
"Vợ chồng tôi chi tiêu hàng ngày đã khó khăn, số nợ ngân hàng mỗi ngày một tăng, tôi không có khả năng trả. Hôm ngân hàng có về đòi tiền, vợ chồng tôi chẳng biết làm sao. Tôi nói với họ lấy nhà và đất trả nợ rồi tôi đến ở nhờ nhà con. Nhưng đất và nhà tôi chắc bán không ai mua nên ngân hàng vẫn chưa đến lấy” - bà Hệ chua xót kể.
Chia tay gia đình bà Hệ mà lòng chúng tôi không khỏi day dứt, xót xa cho số phận hẩm hiu của người nữ anh hùng chèo đò năm xưa. Xe chúng tôi rời thôn Thượng Phong cũng là lúc mặt trời bắt đầu tắt sau đỉnh núi...