Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


SLNA với AFC Cup: Chia tay sớm bớt đau khổ!

Đang có những ý kiến trái chiều về kết cục của FLC Thanh Hóa và SLNA tại đấu trường AFC Cup 2018. Phải chăng đây chưa phải là thời điểm thích hợp cho các đại diện bóng đá Việt Nam vươn ra tầm châu lục.

Trong thời điểm phải căng sức ở hai mặt trận V.League và AFC Cup, HLV Đức Thắng từng khẳng định, cả hai đấu trường này đều là mục tiêu lớn nhất của SLNA. Ông nói: “V.League và AFC Cup là 2 mục tiêu lớn nhất của chúng tôi. Tuy nhiên, như tôi đã nói, do mật độ thi đấu dày trong thời gian tới nên chúng tôi buộc phải có sự tính toán về lực lượng”.

“Tùy theo tính chất của từng trận đấu, chúng tôi sẽ đảm bảo có kết quả tốt ở cả 2 mặt trận V.League và AFC Cup. Quan điểm của BHL là các cầu thủ khi được vào sân thi đấu, bất kể dự bị hay chính thức, đều phải thể hiện tinh thần khát khao chiến thắng, cống hiến hết mình”.

Cùng với đó, HLV Đức Thắng khẳng định không có chuyện đội SLNA không đủ chi phí để chơi đến cùng tại AFC Cup. Vấn đề hoàn toàn nằm ở lực lượng và tiềm lực.

Hãy nhìn lại, khi kết thúc vòng bảng, SLNA đã mất gần như một nửa các trụ cột của mình, đó là thủ môn Trần Nguyên Mạnh, tiền vệ Võ Ngọc Toàn, Osmar Francisco. Những cầu thủ như Thế Cường, Phúc Tịnh, Ngọc Hải cũng thay nhau gặp chấn thương. Cùng với đó là các cầu thủ trẻ như Michael Olaha, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh lẫn Khắc Ngọc liên tục quá tải vì phải cày ải.

 Ngoại binh SLNA - Osmar Francisco gần như mất hút trong giai đoạn quan trọng nhất của AFC Cup. Ảnh: Nguyên Hải

Thực tế, những tính toán của HLV Đức Thắng không bị phá sản nếu như các học trò của ông cầm cự được Persija Jakatar trên đất Indonesia. Một trận đấu mà đội hình 2 của SLNA chơi hơn 100% sức lực trước đội bóng chơi với 3 ngoại binh và chỉ để thua vào phút chót.

Ngay cả trận thua 2-3 trước Johor Darul Ta’zim cũng để lại những sự tiếc nuối nhất định cho CĐV xứ Nghệ và người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói chung. Chung quy lại, lực lượng của SLNA không đủ mạnh để bất chấp phong độ yếu kém tại V.League mà chơi tất tay tại AFC Cup 2018.

SLNA hay FLC Thanh Hóa nếu lọt vào vòng bán kết khu vực, nhận thưởng 40.000 USD hay vô địch khu vực nhận 100.000 USD thì sau đó 2 đại diện của Việt Nam cũng không đủ sức đối chọi với các đội bóng Tây Á hoặc Trung Á vốn có tiềm lực rất mạnh, ngoại binh ở đẳng cấp cao. SLNA thì còn mong manh hơn với chỉ duy nhất 1 ngoại binh Olaha.

Mặt khác, khi vào sâu giải, khung giờ thi đấu sẽ vào ban đêm, lúc đó dàn đèn sân Vinh và mặt cỏ cũng không đủ tiêu chuẩn, phải đi thuê sân nên phát sinh nhiều vấn đề. Đó là chưa kể mặt cỏ, ghế,... Vào càng sâu giải thì tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của các đội bóng tham gia càng cao hơn.

Lịch sử V.League, chỉ có B. Bình Dương và Hà Nội FC là những đội bóng có chiều sâu, ngoại binh chất lượng và có đủ sức chơi đến cùng tại sân chơi châu lục này. Thời điểm đó (2009), đội bóng đất Thủ được đầu tư mạnh tay với khoảng 100 tỷ đồng/1 mùa nhưng cũng không thể làm nên chuyện. Năm 2014, đội bóng số 1 V.League thời đó - Hà Nội T&T dù rất cố gắng nhưng cũng chỉ lọt vào tứ kết. Năm 2017, đội bóng này cũng phải dừng bước ở vòng bảng.

 V.League vẫn là đấu trường quan trọng nhất với SLNA. Ảnh: Nguyên Hải

Thể lệ của AFC Cup rất cởi mở, mỗi CLB được đăng ký 3 ngoại binh + 1 ngoại binh gốc Á + 1 cầu thủ nhập tịch trong mùa 2018 nhưng SLNA vốn chẳng dư giả gì trong vấn đề chuyển nhượng.

“FLC Thanh Hóa có đầy đủ tài chính. Họ bị loại là do chuyên môn chứ không vì vấn đề khác, bởi FLC Thanh Hóa cũng khát khao tiến sâu để nâng thương hiệu. Còn với SLNA, chúng tôi lại không có được điều đó. Nếu có tiềm lực tài chính để thuê cầu thủ ngoại có chất lượng cao và giữ lại những trụ cột, việc chúng tôi tiến sâu vào giải là điều có thể”, TGĐ Nguyễn Hồng Thanh phân trần.

Có thể thấy, việc SLNA kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 2, xếp trên cả Johor Darul Ta’zim cũng là một nỗ lực lớn của thầy trò HLV Đức Thắng. Không còn cách nào khác, việc cần làm của SLNA lúc này không phải là phiêu du tại đấu trường châu lục, cái giá phải trả đã rất đắt. Thay vào đó là tìm một ngoại binh mới cho giai đoạn 2, cải thiện thành tích trên sân nhà. Xa hơn là nhiệm vụ giữ chân hàng loạt trụ cột sinh năm 1993 vào cuối năm nay.

Một đội bóng chỉ sử dụng những cầu thủ do mình đào tạo, ngân sách chi tiêu vỏn vẹn 30 tỷ/1 năm, chắc chắn không thể làm gì nên chuyện tại AFC Cup.

Và câu chuyện các đội bóng Việt Nam ngại ngần tham dự đấu trường châu lục, xem ra không chỉ là chuyện của riêng các đội bóng. Nó còn là kế hoạch, chiến lược của một nền bóng đá./.