Nghệ An gặp khó trong chuyển đổi từ cơ sở lên Trung tâm Ngoại ngữ theo Nghị định 46
- 10:08 26-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đi vào hoạt động từ 10 năm nay, Cơ sở Anh Ngữ Quốc tế APECO hiện đang có trên 1.000 học viên với quy mô 30 lớp. Để thực hiện chuyển đổi lên Trung tâm Anh ngữ theo Nghị định 46 của Chính phủ, hiện nay cơ sở này đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là yếu tố cơ sở vật chất.
Cơ sở Anh Ngữ Quốc tế APECO - thành phố Vinh hoạt động 10 năm với quy mô 30 phòng học đã sẵn sàng để lên Trung tâm. |
Chia sẻ của bà Kiều Ngọc Dung - Phó Giám đốc cơ sở Anh ngữ quốc tế APECO - thành phố Vinh: “Cơ sở chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi Trung tâm theo Nghị định 46 của chính phủ. Trong quá trình chuyển đổi, cơ sở vật chất vẫn là một trong điều kiện gây khó".
Lớp học tại Cơ sở Anh Ngữ Quốc tế APECO. |
Chuyển đổi là cách để các cơ sở nâng cấp cũng như có chiến lược đầu tư dài hơi với quy mô lớn và cuối cùng là để nâng cao chất lượng dạy học. Thế nhưng thực tế, việc chuyển đổi gặp khá nhiều khó khăn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định rõ về số phòng học, giáo viên tối thiểu của một Trung tâm.
Bà Lê Thị Ngọ - Giám đốc Cơ sở Anh Ngữ Dynamic - thành phố Vinh chia sẻ: “Nếu chuyển đổi Trung tâm sẽ có nhiều thuận lợi, quy mô lớn hơn tạo điều kiện cho trung tâm tiếp cận với các đối tác, mở rộng đối tượng dạy và hoc. Cơ sở chúng tôi đã có kế hoạch dài hạn đầu tư về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị để phát triển”.
Cơ sở vật chất vẫn là một trong những rào cản trong việc chuyển đổi mô hình của một số cơ sở ngoại ngữ. |
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hảo – Giám đốc cơ sở Tiếng Anh New Ocean - Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trước đây, chỉ cần một vài phòng học là có thể thành lập cơ sở. Bây giờ theo quy định mới số phòng học, phòng làm việc đều phải tăng lên. Tuy nhiên để thuê một địa điểm có đầy đủ các phòng gần nhau, có sân chơi giống như yêu cầu của Sở rất khó khăn”.
Một thực tế hiện nay phần lớn các cơ sở đào tạo ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đang phải thuê, mượn cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo; chương trình đào tạo vẫn chưa phù hợp… Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về mạng lưới các Trung tâm ngoại ngữ cũng như một số điều kiện khác, nên Sở chưa có căn cứ cụ thể để thẩm định. Dù đã có chỉ đạo nhưng trong năm 2017, toàn tỉnh mới có 13 cơ sở chuyển đổi thành công, nâng tổng số Trung tâm trên địa bàn tỉnh lên 27. So với các tỉnh trong nước thì Nghệ An vẫn là tỉnh thực hiện theo Nghị định 46 của Chính phủ chậm. Hiện cả nước đã có tới 3.000 Trung tâm tiếng Anh.
Hiện toàn tỉnh mới có 27/69 cơ sở thực hiện chuyển đổi trung tâm. |
Trao đổi với phóng viên, NGƯT-Tiến sỹ Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo cho biết thêm: “Sở đã tham mưu với tỉnh hình thành các trung tâm, phân bổ trung tâm trên địa bàn để nơi nào cũng có trung tâm ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu học ngoại ngữ của học sinh, cũng như mọi đối tượng”.
Theo quy định, đến tháng 7 năm nay là hết thời gian chuyển đổi theo Nghị định 46 của Chính phủ. Phía Sở Giáo dục – Đào tạo cũng đang nỗ lực để việc chuyển đổi cơ sở đào tạo lên Trung tâm hoàn thành vào cuối năm nay. Thế nhưng, nỗ lực này vẫn khó thực hiện nếu chờ quy hoạch tổng thể mạng lưới đến năm 2020 cũng như thiếu sự đầu tư của các cơ sở đào tạo./.