Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nam sinh thực tập bật khóc giữa phòng sếp nữ

Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất: “Đối tượng quấy rối thường là người có quyền lực. Giữa những người bình đẳng với nhau về các vị trí, quyền lợi ít khi có thể gây ra hành vi quấy rối tình dục. Đa phần nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ nhưng không ít trường hợp nạn nhân là nam giới".

“Tóc em sáng nay thơm quá”

Từng có nhiều cơ hội trò chuyện, tư vấn cho các công nhân nhà máy ở nhiều khu công nghiệp, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, không ít nữ công nhân chia sẻ, họ từng bị quấy rối bởi những người nam ở cùng công ty.

Đó là những người trên cấp/bậc đối với nạn nhân ở môi trường nhà máy. Trong quá trình làm việc chung, những đối tượng này tìm mọi cách để quấy rối nạn nhân.

 Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất. Ảnh: Ngọc Trang

Một nữ công nhân kể với chuyên gia: “Anh ta hướng dẫn tôi các thao tác làm việc. Anh ta nói rất qua loa khiến tôi không hiểu và buộc phải hỏi lại. Chỉ đợi có thế, lần này anh ta cầm tay tôi để chỉ việc. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Những ngón tay của anh ta cứ xoa và mơn trớn bàn tay tôi khiến tôi nổi gai ốc”.

Một công nhân khác, ở một trường hợp khác, lại chia sẻ: “Anh ta thường xuyên dùng những từ ngữ đầy hàm ý để nói với tôi. Một ngày đến xưởng, anh ta chào tôi: “Tóc em sáng nay thơm quá”.

Lần khác anh ta lại gửi cho tôi (qua điện thoại) đường dẫn một bài viết đề cập đến tác dụng của việc làm “chuyện ấy”. Một lần khác nữa, anh ta gửi hình ảnh khiêu dâm cho tôi. Khi tôi phản ứng, anh ta cợt nhả trả lời: “Anh gửi nhầm”.

Thậm chí, có trường hợp công nhân nữ bị cưỡng hiếp nhưng bất thành. Người này chia sẻ với Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, chị thường xuyên đi xe của công ty để về nhà sau giờ làm. Nhưng một ngày chị bị ốm nên khi được đồng nghiệp nam đề nghị đưa về, chị đồng ý.

Trên đường đi, anh ta chia sẻ là thầm mến chị đã lâu và đề nghị chị làm chuyện ấy. Nạn nhân không đồng ý, anh ta chở chị đến đoạn đường vắng rồi giở trò đồi bại. May mắn nữ công nhân này thoát được. Sau hôm đó, chị đã phải xin nghỉ việc ở công ty.

Ông Nguyễn An Chất nói thêm: “Đối tượng quấy rối thường là người có quyền lực. Giữa những người bình đẳng với nhau về các vị trí, quyền lợi ít khi có thể gây ra hành vi quấy rối tình dục.

Người có chức quyền mới có thể tạo ra các cơ hội, tình huống nhằm tấn công, quấy rối đối phương ví dụ: tạo cơ hội đi công tác, làm việc cùng nhau; tạo ra không gian riêng, chỉ hai người với nhau…”.

Chuyên gia cũng cho biết, nạn nhân im lặng không đơn giản là lo sợ bị trả thù, bị mất việc mà cũng một phần do quan điểm của họ.

Từ xưa đến nay, không ít người quan niệm: “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Nên khi bị đối tượng có những hành vi như nói về tình dục, véo má, vuốt tóc… nhiều nữ giới vẫn lầm tưởng là do sự hấp dẫn về giới tính và tặc lưỡi cho qua.

Sự việc này vô tình tiếp tay, khiến cho “yêu râu xanh” càng có điều kiện để tiếp tục hành vi của mình không chỉ một người mà với nhiều người khác nhau.

Khi nam giới là nạn nhân

Theo ông Nguyễn An Chất, đa phần nạn nhân bị quấy rối tình dục là nữ nhưng không ít trường hợp nạn nhân là nam giới.

Cách đây nhiều năm về trước, ông từng tư vấn tâm lý cho một đối tượng nam, là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Theo nhà tư vấn tâm lý, sự việc diễn ra khi anh ta đi thực tập tại một công ty. Sếp của công ty này là người phụ nữ đã ly hôn.

Sự việc diễn ra khi nam sinh viên đi thực tập tại một công ty. Ảnh minh họa (Nguồn: Kinggeorgehomes)

Ban đầu bà ta chia sẻ, thấy anh là sinh viên khó khăn nên thường xuyên trò chuyện và giúp đỡ về công việc, báo cáo thực tập. Sau đó bà ta thể hiện tình cảm mạnh bạo hơn bằng cách mua quần áo, điện thoại, xe máy… làm quà tặng. Vì sợ ảnh hưởng đến kỳ thực tập, nam sinh này không dám từ chối.

Nữ giám đốc thẳng thắn gọi anh vào phòng riêng, đề nghị một mối quan hệ thân mật hơn giữa hai người. Anh không đồng ý bà ta đe dọa sẽ nhận xét không tốt suốt kỳ thực tập. Vụ việc này khiến sinh viên nam bật khóc ngay tại công ty.

Sau khi kết thúc thực tập, chàng trai vẫn bị quấy rối bởi vị sếp nữ. Lần này bà ta cho biết sẽ về quê anh để nói chuyện với cha mẹ, hàng xóm. Đồng thời bà ta cũng sẽ đến tận trường nơi anh học khiến anh phải xấu hổ.

Vụ việc khiến nam sinh lo lắng. Anh tìm đến nhà tâm lý trong tâm trạng chán chường, mệt mỏi.

“Với trường hợp này, tôi khuyên nạn nhân nên dũng cảm đối mặt thay vì trốn tránh. Đầu tiên anh phải trả tất cả các quà tặng của đối phương để tránh mọi sự ràng buộc.

Sau đó nạn nhân phải kiên quyết chấm dứt quan hệ. Đồng thời tỏ ra cứng rắn trước sự đe dọa sẽ tung hê mọi chuyện với dư luận.

Bởi nếu làm cho anh chàng xấu hổ thì nữ giám đốc cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng khi ở địa vị là một sếp lớn ở công sở”, ông Nguyễn An Chất khẳng định.

“Quấy rối tình dục rất khó xử lý”, Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh. Theo ông, các vụ việc hiếp dâm thường có cách xác thực bằng chứng như kiểm tra tinh dịch, kiểm tra màng trinh… trong khi quấy rối tình dục (có thể là cái ôm, đụng chạm, lời nói… ) rất khó có bằng chứng rõ ràng.

Cũng theo ông Nguyễn An Chất, để tránh bị quấy rối nạn đều phải tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định.

“Ở môi trường làm việc, bạn không nên tạo ra sự lệ thuộc vào bất cứ một đối tượng nào. Vì từ đó, chúng có thể dùng làm công cụ để ép buộc bạn.

Khi đối tượng có biểu hiện bất thường (lời nói, cử chỉ, hành vi) bạn nên thẳng thắn, kiên kiên quyết trong thái độ để gửi đi thông điệp: “Tôi không đồng ý”.

Luôn luôn tạo khoảng cách giữa bạn và sếp để sếp thấy rằng bạn không muốn thân thiết với sếp. Khi nói chuyện với sếp, bạn nên tránh các đề tài ngoài chuyện công việc. Nên tránh rơi vào hoàn cảnh chỉ có bạn và sếp ở trong phòng.

Ngoài ra, bạn nên chia sẻ với người thân, bạn bè khi cảm thấy sự an toàn của bản thân bị đe dọa”, nhà tư vấn chia sẻ.

Tại Điểm 2, Điều 8, Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định: "Cấm ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc". Điều 37 ghi rõ, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu như bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục, bị cưỡng bức lao động.