Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cuộc họp kín của ông chủ phòng khám và nữ y tá

“Một buổi chiều, khi đã hết ca làm, ông chủ phòng khám yêu cầu nữ y tá trẻ ở lại họp riêng về chuyên môn. Tuy nhiên khi vào phòng, ông ta dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để phân tích về vấn đề tình dục… ”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa kể.

Chưa có số liệu thống kê tình trạng nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi công sở, tuy nhiên Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, trên thực tế những vụ việc này không hề ít.

Theo ông Trịnh Trung Hòa, có những đối tượng thực hiện hành vi quấy rối không hẳn vì đam mê nhục dục mà muốn chứng tỏ, thể hiện quyền lực.

Hành vi quấy rối, xâm hại đối phương là một cách để thể hiện quyền lực của kẻ quấy rối. Theo đó, đối tượng này quan niệm: “Tôi là cấp trên, lãnh đạo anh/chị thì tôi có quyền làm như vậy”. Thậm chí một số kẻ dùng việc quấy rối để thể hiện bản lĩnh đàn ông của mình.

 Chuyên gia tư vấn Trịnh Trung Hòa (áo đen).

“Tôi từng biết một vụ quấy rối tình dục của người đàn ông nhiều tuổi với các cô gái trẻ tại một cơ quan. Người này quá tuổi hưu được mời làm cố vấn vì có năng lực chuyên môn rất tốt. Tuy nhiên ông ta thường có hành vi hàm sỡ và những lời nói không đúng mực với các đồng nghiệp nữ.

Các nạn nhân rất bức xúc, thường xuyên chia sẻ sự việc với nhau tạo nên dư luận không tốt về người đàn ông này. Bởi vậy trong buổi họp, cơ quan đã có hình thức nhắc nhở phê bình, đề nghị ông rút kinh nghiệm trong hành vi, lời ăn tiếng nói và cách cư xử với các nhân viên nữ.

Mọi người nhìn ông ta bằng ánh mắt chế giễu, những cái lắc đầu ngán ngẩm. Tuy nhiên thay vì ngượng ngùng, xấu hổ kết thúc buổi họp, người đàn ông này vỗ ngực nói: “Ở tuổi này mà tôi vẫn có người phê bình về chuyện ấy thì cũng đáng tự hào đấy”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng phân tích, trong câu chuyện quấy rối tình dục nơi công sở có 3 điều nan giải. Thứ nhất, kẻ quấy rối thường là những người có chức, có quyền.

Thứ hai, nhiều nạn nhân thiếu kỹ năng quản lý tình huống nên đã vô tình tạo điều kiện để những chuyện không mong muốn xảy ra. Thứ ba theo hiểu biết của mình, ông chưa thấy có nhiều vụ quấy rối bị pháp luật xử lý, răn đe trên phương tiện thông tin đại chúng.

Chính vì những điều đó nên khi bị quấy rối, nạn nhân thường chọn cách im lặng và cam chịu. Một số người có bản lĩnh hơn thì phản ứng một cách yếu ớt là chuyển công tác để tránh mặt kẻ quấy rối.

Tuy nhiên nhiều người không biết rằng, chính việc né tránh và cam chịu này sẽ khiến cho tần suất quấy rối và mức độ quấy rối càng ngày càng tăng lên.

“Tôi đã từng tư vấn cho một trường hợp phụ nữ bị quấy rối tình dục. Khi đến gặp tôi, người phụ nữ này trong tình trạng rất mệt mỏi, cơ thể suy nhược, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ.

Chị là y tá tại một phòng khám tư. Ở phòng khám này, chị có công việc đúng chuyên môn và mức thu nhập khá. Tuy nhiên chị lại gặp vấn đề lớn với người bác sĩ - chủ của phòng khám”, Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa kể lại.

 Trường hợp bị quấy rối tình dục diễn ra tại một phòng khám tư, theo lời kể của chuyên gia tâm lý (Ảnh minh họa. Nguồn: Practo.com)

Vị chuyên gia tâm lý có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cho biết, người phụ nữ đến gặp ông không có chiều cao nổi trội. Bù lại chị sở hữu gương mặt ưa nhìn, cách nói chuyện nhã nhặn, nhẹ nhàng.

Thời gian đầu, mọi việc diễn ra suôn sẻ, biết mình là nhân viên mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị ra sức học hỏi. Chị cũng biết sếp của chị là một bác sĩ giỏi nên rất ngưỡng mộ và nể phục. Tuy nhiên càng ngày chị càng phát hiện ra, vị bác sĩ nhiều tuổi này có ý đồ lạ với chị.

“Theo lời khách hàng kể, tại phòng khám tư, vị bác sĩ này thường tổ chức giảng dạy nâng cao chuyên môn cho các y, bác sĩ của mình. Trong buổi bổ trợ ấy, ông luôn bắt chị làm người mẫu để ông thị phạm. Giảng đến bộ phận nào ông đặt tay vào bộ phận đó trên cơ thể của chị.

Một buổi chiều, khi đã hết ca làm, ông chủ phòng khám yêu cầu chị ở lại họp về vấn đề chuyên môn. Sau đó, ông ta mời chị vào phòng riêng để nói chuyện.

Tuy nhiên khi vào phòng, ông ta cho chị xem những hình ảnh nhạy cảm và phân tích hàng giờ về vấn đề tình dục. Đặc biệt người này dùng những từ ngữ trần trụi khiến người nghe không khỏi đỏ mặt”, Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa kể.

Đọc vị được ý đồ của ông chủ phòng khám nhưng nữ y tá vẫn không biết làm cách nào để né tránh.

“Mỗi ngày về nhà, nạn nhân này đều mang theo một gương mặt căng thẳng và liên tục mất ăn mất ngủ vì mải nghĩ cách đối phó với vị sếp. Sau thời gian dài chìm trong mệt mỏi, cuối cùng chị phải đến gặp chuyên gia… ”, chuyên gia tâm lý nói.

Để giải quyết được trường hợp này, ông khuyên nữ nhân viên nên giữ thái độ cứng rắn, tránh các tình huống gặp gỡ chỉ có 2 người. Ngoài ra, ông cũng khuyên nữ nhân viên nên trò chuyện, tâm sự với một vài nhân viên khác ở cùng nơi làm việc.

Ông cho rằng, việc trò chuyện có thể giúp cho vị khách này tìm thêm được người đồng minh hoặc nhân chứng để bảo vệ mình khi cần. "Lời tố cáo của 2, 3... nạn nhân sẽ có sức mạnh hơn so với việc đơn thương độc mã chống lại kẻ quấy rối", vị chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, mỗi khi tiếp xúc với người quấy rối hoặc có dấu hiệu quấy rối, nạn nhân nên chuẩn bị cho mình các phương án để thu thập bằng chứng như: ghi âm, video…

“Tâm lý của những kẻ này là sợ bị đám đông phát hiện và đánh giá. Vì vậy nếu phát hiện người thứ 3, thứ 4 biết ý đồ và lên tiếng về hành vi của mình nơi công sở, những kẻ quấy rối sẽ e ngại và dè chừng hơn.

Điều quan trọng là bạn không nên im lặng. Im lặng đồng nghĩa với việc đồng ý, tạo cơ hội cho đối tượng tiếp tục lặp lại hành vi với mình và người khác”, Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhấn mạnh.