Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Biến dạng bàn chân do bệnh Gout

Chế độ ăn uống dư thừa chất đạm, ít vận động, uống rượu bia nhiều … là nguyên nhân dẫn đến tứ chi biến dạng, các khớp sưng và toàn thân đầy u cục, lở loét. Những biểu hiện đó chính là những biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout.

Gout là một dạng viêm khớp xảy ra do sự mất cân bằng nồng độ acid uric trong cơ thể. Khi nồng độ này vượt quá mức bão hòa của máu sẽ khiến tinh thể muối urat tích tụ (là các hạt tophi) tại các vị trí cơ thể như khớp bàn tay, ngón tay, đầu gối, bàn chân, mắt cá chân, ngón chân,…

Ở giai đoạn Gout cấp tính, các hạt tophi còn nhỏ chỉ gây nên những cơn đau nhức, sưng đỏ các khớp, ê buốt khó vận động. Nếu nồng độ của axit uric trong cơ thể tiếp tục tăng, các hạt này sẽ tăng dần kích thước gây biến dạng khớp, phá hủy sụn khớp.

Nhiều trường hợp nặng, hạt tophi vỡ, axit uric sẽ được hòa tan, đi vào máu và tiếp tục gây ra những cơn đau cấp, khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn và để lại hậu quả nặng nề như suy thận, sỏi thận, tim mạch…Mặt khác, các khớp xương có thể bị biến dạng ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ và tâm lý người bệnh.

Hiện nay, bệnh Gout không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà ngày càng trở nên phổ biến hơn nhóm người dưới 30 tuổi.

 Hình ảnh bàn chân trước khi phẫu thuật

 Hình ảnh bàn chân sau khi phẫu thuật

Trường hợp của bác N.V.C (54 tuổi, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) là người mắc phải bệnh Gout suốt 15 năm qua. Với tâm lý chủ quan, bác vẫn duy trì thói quen ăn nhiều đạm, uống rượu bia, lười vận động và lạm dụng thuốc giảm đau mỗi lần bệnh tái phát.

Đến thăm khám tại Bệnh viện Quốc tế Vinh, bệnh trở nên nặng hơn, bàn chân hình thành các cục tophi lớn gây biến dạng xương khớp, mọi vận động đi gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Trần Văn Thuyên, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Quốc tế Vinh, cho biết: “Hầu hết những người mắc bệnh Gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh nên không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sẽ gây biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống. Việc phẫu thuật điều trị bệnh Gout là phương pháp chiến lược nhằm loại bỏ các hạt tophi, cải thiện chức năng xương khớp, giúp bệnh nhân hồi phục vận động và cải thiện thẩm mỹ”.

Đặc biệt, để tránh tái phát, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ chữa trị, luyện tập thể dục phù hợp. Thêm vào đó, khi bị bệnh Gout cần phải cẩn trọng với chế độ ăn, vì có thể làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh gout trở lên trầm trọng hơn.

Lời khuyên cho chế độ ăn uống giảm những thực phẩm giàu đạm, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước mỗi ngày và tuyệt đối kiêng ăn những thực phẩm giàu đạm có gốc Purin (hải sản, phủ tạng của động vật, thịt đỏ…), thực phẩm có tốc độ tăng trưởng (măng tre, nấm, giá…), các đồ uống kích thích, có ga…

Chính vì vậy, khi mắc bệnh Gout, bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và có chế độ ăn uống khoa học để có được sức khỏe tốt nhất.