Khách sẵn tiền chờ, cửa vẫn cài chốt gây khó
- 08:20 19-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xóa bỏ phiền hà “ăn theo” visa
Năm 2017, du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tương đương mức tăng hơn 29%. Theo Tổng cục Du lịch, đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng số lượng khách trong một năm khi đạt 3 triệu lượt khách so với năm 2016. Du lịch Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của du lịch Việt Nam. Một trong những lý do khiến chúng ta còn chậm chân so với khu vực, đó là hàng rào visa. Đây đang là bước cản với khách du lịch quốc tế, đặc biệt với các thị trường trọng điểm, các quốc gia mà khách có mức chi trả cao như châu Âu, Mỹ, Úc...
Trong khi đó, chỉ còn hơn 2 tháng nữa (30/6/2018) là chính sách miễn thị thực (visa) với 5 nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha của Việt Nam hết hiệu lực.
Năm 2017, du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tương đương mức tăng hơn 29%. |
Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines, kể rằng, cách đây khoảng 3 năm, khi ông và ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh đi San Francisco có biết một vợ chồng ông bà người Mỹ có nhu cầu đi 1 tour du lịch cao cấp tại châu Á. Thế nên, ông Nam và ông Kiên giới thiệu rất hay và cố gắng tiếp thị để ông bà người Mỹ tới Việt Nam du lịch. Thế nhưng, ông chồng liền hỏi, tại sao tôi phải đến một đất nước mà tôi phải làm visa, trong khi hộ chiếu của tôi có thể đi Thái Lan, Maylaysia, Singapore,... mà không cần thị thực?
“Mặc dù tôi cố thuyết phục cặp vợ chồng này rằng Việt Nam hay như thế nào, đẹp ra sao,... nhưng họ không nghe. Điều đó cho thấy visa quan trọng như thế nào với du khách khi họ lựa chọn điểm đến. Nó thể hiện sự quan tâm, sự chào đón của Việt Nam với du khách quốc tế chứ không đơn giản là mất vài chục đô la lệ phí”, ông Nam kể.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, điều quan trọng từ chính sách miễn visa là xóa bỏ được những phiền hà, nhiêu khê của thủ tục xuất nhập cảnh. Chưa kể, qua đó cũng thể hiện sự hiếu khách của Việt Nam đối với những thị trường được xác định là trọng điểm và tiềm năng của Việt Nam.
Trên thực tế, du khách đến từ 5 quốc gia trên đều là các thị trường có mức chi trả cao. Nếu mỗi khách đi 15 ngày tour chi khoảng 1.500 USD cho dịch vụ như ăn uống, lưu trú, vận chuyển, hàng lưu niệm,... thì việc phải tốn thêm 25 USD phí visa vào Việt Nam là không quan trọng.
Rõ ràng, bài toán giữa việc thu phí visa vài chục USD/khách và việc bãi bỏ phí cũng như đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh xem được mất thế nào tìm được lời giải một cách đơn giản, dễ dàng. Lợi ích kinh tế to lớn từ chính sách miễn giảm visa là không thể bàn cãi.
Hơn nữa, ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, cho rằng, việc miễn thị thực 15 ngày với khách Anh, Pháp, Đức, Ý,... cản trở rất nhiều đến việc xây dựng các tour du lịch, khi mà khách không thể ở lại Việt Nam lâu hơn chứ chưa nói quay trở lại. Nếu tăng lên 30 ngày, khi đó chúng ta mới có khả năng cạnh tranh trực tiếp, nếu không phải nhường khách cho Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia,...
Trong khi đó, chính sách visa thí điểm của Việt Nam hiện nay mỗi năm gia hạn 1 lần. Việc công bố sớm thông tin về thị thực giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng sản phẩm, chương trình tour, quảng bá thông tin tới khách. “Phải công bố thông tin về chính sách visa trước ít nhất 6 tháng mới có tác dụng. Nếu công bố sát nút, chúng ta tự ràng buộc về hiệu quả và lúc đó chỉ còn tác dụng một nửa” ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch, nhận xét.
Trên thực tế, số liệu thống kê cho thấy, trước khi chính sách miễn visa cho công dân 5 nước châu Âu được Chính phủ thực hiện, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bị cho là sụt giảm nghiêm trọng, mức tăng trưởng gần như bằng 0%.
Đến tháng 7/2015, khi Chính phủ quyết định miễn thị thực 1 năm (từ 1/7/2015 đến 30/6/2016) cho công dân 5 nước châu Âu kể trên, thì hiệu quả thấy rõ rệt. Lượng khách từ các quốc gia này đến Việt Nam tăng từ 13,8-29% so với năm. Năm 2017, mức tăng trưởng khách từ 5 thị trường này đạt từ 6-20% so với năm 2016.
Theo kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch từ 5 nước được miễn thị thực tại Việt Nam là 1.316 USD. Với số lượng khách tăng thêm 87.000 lượt người năm 2016, tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt hơn 124 triệu USD. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 238 triệu USD.
Đừng để “nước đến chân mới nhảy”
Tuy nhiên, có một thực tế là, các quyết định gia hạn chính sách miễn visa đối với 5 thị trường trên trong năm 2016 và 2017 được cho là “sát nút”.
Cụ thể, trong lần gia hạn đầu tiên, chính sách miễn visa có hiệu lực từ 1/7/2016 thì ngày 30/6/2016 quyết định mới được ban hành. Còn trong lần thứ 2 gia hạn (từ 1/7/2017 đến 30/6/2018), thì chính sách gia hạn được công bố chỉ trước khi hết hiệu lực 24 ngày.
Đến nay, Việt Nam vẫn “lép vế” nhất ASEAN khi mới áp dụng chính sách miễn visa du lịch cho công dân 24 nước |
Đến thời điểm này, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là chính sách miễn visa hết hiệu lực. Doanh nghiệp du lịch và các địa phương đang rất nóng ruột, bởi nếu để khi “nước đến chân mới nhảy” thì hiệu quả thu được từ chính sách miễn visa sẽ giảm so với kỳ vọng.
Chính vì thế, ngay từ đầu tháng 2/2018, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ mở rộng diện miễn visa cho một số thị trường quốc tế; đồng thời, tăng thời hạn miễn visa đối với Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc,... lên 21 ngày hoặc 30 ngày (thay vì 15 ngày như hiện tại).
TP.HCM cũng kiến nghị tiếp tục tăng thời hạn thí điểm miễn visa cho 5 nước Tây Âu lên 5 năm hoặc xem xét miễn visa cho 5 nước này.
Sở Du lịch Đà Nẵng cũng có kiến nghị tương tự lên Chính phủ để du khách quốc tế có thể tham gia trọn vẹn chương trình tham quan du lịch tại miền Trung và cả Việt Nam.
Đại diện Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam - TAB, Phó Chủ tịch Kenneth Atkinson cũng cho hay, TAB đã đề nghị Chính phủ gia hạn chương trình miễn thị thực hiện nay; ngoài ra, áp dụng chương trình miễn thị thực 5 năm hoặc 10 năm, thay vì gia hạn từng năm để tránh sự xáo trộn cho du khách và công ty du lịch.
Đến nay, Việt Nam vẫn “lép vế” nhất ASEAN khi mới áp dụng chính sách miễn visa du lịch cho công dân 24 nước. Trong khi đó, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines, mỗi nước miễn thị thực cho hơn 160 thị trường. Thái Lan cũng miễn thị thực cho công dân 61 nước, vùng lãnh thổ,...
Các hình thức visa qua mạng, visa tại cửa khẩu của Việt Nam so ngay với các điểm đến láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar cũng hạn chế hơn. Đó cũng là lý do trong năm vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố Việt Nam xếp hạng 116/136 quốc gia và đạt 17/100 điểm khi đo lường các yêu cầu về thị thực.
Trong khi đó, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang là xu hướng chung trên thế giới. Cũng theo một báo cáo của WEF, tỷ lệ du khách cần thị thực nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 58% năm 2016 (năm 2015 là 61%). Trong hai năm qua, khoảng 85% các nước đã áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh.