Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cựu Chủ tịch Đà Nẵng liên quan thế nào đến vụ mua bán sân Chi Lăng?

Nguyên Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Đà Nẵng nói từ năm 2010 trở về trước Đà Nẵng đã bán nhiều lô đất và tài sản cho cá nhân và tập thể với giá thấp hơn 10% theo quy định.

Theo hồ sơ, tháng 7/2011, ông Trần Văn Minh thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP, để giữ chức vụ Phó ban Tổ chức Trung ương. Nhưng trước đó 6 tháng, tức tháng 1/2011, ông Minh với vai trò là Chủ tịch Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục bán sân vận động Chi Lăng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Thanh (ông Phạm Công Danh, nguyên Tổng giám đốc đã bị bắt) với giá gần 1.400 tỷ đồng.

Bán 'đất vàng' trong chớp nhoáng

Ngày 13/9/2010, Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo và trên cơ sở ý kiến thống nhất kết luận của chủ tịch (ông Trần Văn Minh) và các phó chủ tịch (có ông Văn Hữu Chiến), Văn phòng UBND TP Đà Nẵng lập thủ tục, trình lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng xem xét ban hành quyết định quy định giá đất để kêu gọi đầu tư dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ tại khu đất sân vận động Chi Lăng.

 Ông Trần văn Minh. Ảnh: CTV.

Theo đó, quy định giá đất (đơn giá đất ở), thời hạn sử dụng đất lâu dài đối với khu đất có diện tích 55.061 m2 để kêu gọi đầu tư là 25,3 triệu đồng/m2.

Ngày 7/10/2010, Công ty Quản lý khai thác đất (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường do ông Nguyễn Điểu làm giám đốc) có báo cáo do không có đơn vị khác tham gia đầu tư dự án, vì vậy UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh được đầu tư vào dự án theo đơn giá chuyển quyền sử dụng đất.

Theo chủ trương trên, nếu doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (đối với phần diện tích 55.061 m2) thì được giảm 10% tiền sử dụng đất.

Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách đối với diện tích 45.861 m2.

Đối với phần diện tích phía bắc và nam khu đất (9.200 m2), UBND TP Đà Nẵng sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất.

 Sân Vận động Chi Lăng. Ảnh: Phi Hải.

Ngày 25/1/2010, Công ty Quản lý và khai thác đất lại có báo cáo về việc liên quan đến nộp tiền sử dụng đất đối với dự án. Theo báo cáo này, nếu nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thì được giảm 10% số tiền sử dụng đất phải nộp.

Ngày 18/1/2011, ông Nguyễn Điểu, với tư cách là Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường có báo cáo về việc đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.

Sân Chi Lăng bị 'xẻ thịt' ra sao?

Ngay lập tức, Văn phòng UBND TP đã lập thủ tục, trình lãnh đạo UBND TP xem xét ban hành quyết định 704 về việc phê duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng.

UBND TP Đà Nẵng phê duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất và chuyển cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh; giao Sở Tài Nguyên - Môi trường căn cứ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất được duyệt, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên.

Ngày 21/1/2011, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có tờ trình về việc liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Văn phòng UBND TP đã lập thủ tục, trình UBND TP xem xét ban hành công văn 542. Theo đó, giao Sở Tài Nguyên - Môi trường trực tiếp lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh theo quyết định 704.

 Nhiều phóng viên đang có mặt tại nhà ông Minh. Ảnh: Giáp Hồ.

6 ngày sau, Sở Tài Nguyên - Môi trường có báo cáo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất cho 10 công ty. Ngày 28/11/2011, UBND TP Đà Nẵng đã ký cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty.

Điều đáng nói ở đây là khu đất này để xây dự án thương mại dịch vụ nhưng lại được UBND TP Đà Nẵng bán theo giá đất ở và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài.

Sau khi khu đất bị “xé nhỏ”, tập đoàn này đem thế chấp ngân hàng nhưng dự án vẫn không được triển khai (đến nay dự án vẫn nằm yên bất động - PV).

Trao đổi với Zing.vn sáng 18/4, ông Điểu nói không chỉ sân vận động Chi Lăng mà thời điểm năm 2010 trở về trước, Đà Nẵng đã bán nhiều lô đất và tài sản công cho các tập thể, cá nhân khác với giá thấp hơn 10% theo quy định. Ông này nói khi đó, việc bán tài sản công đều làm theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

"Dù là Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường nhưng hầu như tôi không được tham mưu, việc bán đất diễn ra chóng vánh", ông Điểu nói với Zing.vn.

Tối 17/4, Bộ Công an thông tin đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Minh (sinh năm 1955), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011 về các hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.

Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Hữu Chiến (sinh năm 1954), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014, về các hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.

Các ông Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường, Trần Văn Toán (sinh năm 1957), Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Lê Cảnh Dương (sinh năm 1975, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng) bị Bộ Công an khởi tố về hành vi Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai. Cả 3 bị can này được cho tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.