Những công trình ấn tượng của KTS người Hà Tĩnh tại quê nhà
- 13:41 18-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
KTS Trần Ngọc Phương (phải) và Đoàn Thanh Hà của H&P Architects. (Ảnh: Đình Trung/NVCC) |
BES pavilion
- Giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc quốc tế Baku 2017
- Giải đặc biệt của Viện thiết kế Đức (German design award special 2017)
- Huy chương vàng Kiến trúc châu Á ARCASIA 2015
- Giải thưởng Quốc tế Green Good Design 2015 (Mỹ)
- Giải thưởng kiến trúc Xanh Việt Nam 2013-2014
Địa điểm: Thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
|
BES pavilion là một không gian phục vụ cộng đồng mở, tập trung vào khía cạnh văn hóa và nghệ thuật: trưng bày triển lãm, thảo luận, café… (Ảnh: Trần Tuấn Trung - Trần Ngọc Phương)
|
Tổng thể công trình bao gồm một nhóm các không gian riêng biệt được sắp xếp tự do xung quanh mảnh vườn trung tâm nhằm khai thác triệt để các góc nhìn cũng như tăng cường sự tương tác giữa ánh sáng - bóng tối, giúp làm mờ ranh giới giữa bên trong - bên ngoài. (Ảnh: Trần Tuấn Trung - Trần Ngọc Phương)
|
Công trình được tạo nên bởi vật liệu địa phương và cách thức xây dựng dân gian trên quan điểm lấy người sử dụng làm trung tâm. (Ảnh: Trần Tuấn Trung - Trần Ngọc Phương)
Văn phòng làm việc của Ban Điều phối dự án SRDP-IWMC Hà Tĩnh
- Giải thưởng quốc tế Green Good Design 2016
- Lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2A 2015
Địa điểm: Thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
|
Công trình được kiến tạo từ sự hoà trộn Định canh và Định cư là ý tưởng thiết kế, với ba tiêu chí: hình ảnh đặc trưng + chi phí tiết kiệm + thi công nhanh. Quy mô ba tầng với hình khối đơn giản trải dài theo hướng Đông - Tây, hai tầng phía trên được bao phủ bởi một lớp màng lớn với nhiều cây xanh và hoa màu – gọi là Cánh đồng đứng. Lớp màng được tạo nên từ những block bê tông đúc sẵn (có tiết diện 0,4m x 0,4m) xếp sole chồng lên nhau bao xung quanh không gian làm việc bên trong. (Ảnh: Nguyễn Tiến Thành)
|
Các trục kỹ thuật nước ở vị trí điểm giao các block làm nhiệm vụ tưới tiêu cho cánh đồng luôn tươi tốt, giúp giảm thiểu những bất lợi do môi trường và điều kiện khí hậu miền Trung gây ra (tiếng ồn, khói bụi, nắng nóng, mưa bão), đồng thời tạo ra những trải nghiệm khác biệt cho người sử dụng khi họ có thể tự tay gieo trồng và chăm sóc hoa màu trong không gian làm việc đầy thân thiện, gần gũi với nông nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Tiến Thành)
|
Công trình là một giải pháp thúc đẩy nhân rộng những Cánh đồng trong đô thị nhằm đảm bảo năng lượng cho cuộc sống trong tương lai. Sự hoà trộn nông nghiệp với kiến trúc là nền tảng cho sự phát triển bền vững. (Ảnh: Nguyễn Tiến Thành)
Màu tái chế
- Huy chương bạc Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2A (2A Asia Architecture Award) 2016 hạng mục công trình công cộng
- Lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Kiến trúc quốc tế UIA Friendly and Inclusive Spaces 2017
Địa điểm: Huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
|
Nằm bên cạnh sân vận động Đức Thọ, Màu tái chế (Re-ainbow) là công trình đa chức năng phục vụ cộng đồng, được hoà trộn từ hai phần “tĩnh” và “động”. Phần “tĩnh” gồm có trạm y tế, nhà vệ sinh công cộng và khu vực phụ trợ. Kế đến, bao quanh mảnh vườn trung tâm là phần “động” có thể dùng làm lớp học, nơi biểu diễn nghệ thuật, không gian hội họp, sân khấu, nơi tập thể dục thể thao, quầy giải khát,.. tuỳ theo từng nhu cầu cụ thể mà biến hoá với hệ vách ngăn và bao che di động. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
|
Phía ngoài công trình là các sân bãi bóng chuyền, cầu lông, nhảy xa,.. để rèn luyện thể chất và diễn ra các hoạt động ngoài trời. Mục tiêu của dự án là góp phần giúp cộng đồng nâng cao năng lực thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp tận dụng các đồ phế thải và sử dụng năng lượng hiệu quả. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
|
Dự án đề xuất thu gom và tái sử dụng nhiều loại vật liệu cũ/ hỏng như thép ống giàn giáo, tấm tôn, gạch xây, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, bàn ghế,… bằng sự tham gia của người dân địa phương với cách thức xây dựng thủ công tạo nên hệ kết cấu đủ sức khoẻ sống chung với gió bão lớn. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
|
Công trình xử lý hiệu quả thông gió và chiếu sáng tự nhiên, tận dụng năng lượng mặt trời để chuyển hoá thành điện chiếu sáng và đun nóng nước sinh hoạt, tận dụng nước mưa và tái sử dụng nước thải. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
|
Re-ainbow gợi nhắc đến hình ảnh cầu vồng bởi cách vận dụng ngẫu hứng đa sắc màu. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
Tổ ấm ruộng
Giải nhất Giải thưởng Kiến trúc Mỹ (AAP) ở hạng mục kiến trúc nông nghiệp
Địa điểm: Thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
|
Tổ ấm Ruộng nằm trong chuỗi dự án phát triển Kiến Nông với quan điểm coi sự hoà trộn kiến trúc với nông nghiệp (Agriculture + Architecture = Agritecture) là nền tảng của phát triển bền vững. Ý tưởng của công trình hình thành khi hoà trộn hai yếu tố đặc trưng của nông thôn Việt Nam là ngôi nhà (không gian cư trú) và ruộng bậc thang (không gian canh tác) tạo nên một tổ ấm với các ranh giới ngoài/ trong; trên/ dưới; chung/ riêng được xoá mờ. (Ảnh: Nguyễn Tiến Thành)
|
Các không gian ở được bố trí xen kẽ nương theo độ dốc mái để khai thác tối đa các góc nhìn, đón ánh sáng và bóng đổ qua độ chênh cao giữa những khay bê tông đựng hoa màu phía trên. Dọc theo hai bên sườn mái là hệ thống tưới tiêu làm cho thửa ruộng luôn xanh tốt, giúp giảm thiểu những bất lợi do môi trường sống và điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa gây ra như: thiếu cây xanh, tiếng ồn, khói bụi, nắng nóng, mưa bão,.. (Ảnh: Nguyễn Tiến Thành)
|
Canh tác nông nghiệp đưa người dân thị thành gần lại với thiên nhiên hơn thông qua những trải nghiệm đời thường thú vị khi tự mình gieo trồng, chăm sóc và chia sẻ thu hoạch với xóm giềng trên những luống rau, mảnh vườn thân thuộc. Tổ ấm Ruộng giúp gợi lên xuất xứ địa phương của người sử dụng trong bối cảnh thế giới phẳng với nhiều loại ô nhiễm đáng báo động như hiện nay, đồng thời thúc đẩy nhân rộng những thửa ruộng trong đô thị nhằm đảm bảo năng lượng cho cuộc sống trong tương lai. (Ảnh: Nguyễn Tiến Thành)
Bến xe Hà Tĩnh
Địa điểm: Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
|
Nằm trên khu đất có tổng diện tích 20.000 m2, bến xe Hà Tĩnh là công trình có kiến trúc đẹp, hiện đại, được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa. (Ảnh: Thanh Hoài - Mai Thủy)
|
Bến có công suất phục vụ lên tới 800 xe/ngày đêm; có các bãi đỗ xe quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh và các công trình phụ trợ, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 1 theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: Thanh Hoài - Mai Thủy)
|
Đây là bến xe thông minh khi dùng toàn bộ hệ thống điện tử trong quản lý, điều hành, trong đó quản lý xe ra - vào bằng thẻ từ; hệ thống giám sát toàn bộ bến bằng camera; có đầy đủ dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi, giải trí, mua sắm... (Ảnh: Thanh Hoài - Mai Thủy)