Vứt lăn lóc khúc gỗ nửa tấn nhặt được, 2 năm sau đại gia trả 1,5 tỷ không bán
- 14:18 17-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một người đàn ông ở Cà Mau đã đào được khúc gỗ sưa quý hiếm dưới vuông tôm. Khúc gỗ có đường kính khoảng 3m, dài 2,2m vừa được điêu khắc thành bức tượng phật Di Lặc. Có người ngã giá 1,5 tỷ đồng ông chưa chịu bán.
Bức tượng phật Di Lặc nói trên là của ông Lê Văn Phước 50 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Bức tượng này có những họa tiết, đường nét rất tinh xảo và hiện được trưng bày ở nhà của ông Phước.
|
Bức tượng Phật Di Lặc trên khúc gỗ sưa quý hiếm. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam |
Theo lời ông Phước, cách đây khoảng 3 năm, trong lúc chiếc xáng cuốc hoạt động sên vét, cải tạo ao tôm thì đào được một khúc gỗ dưới độ sâu khoảng 5m và có nhiều con hào hến đeo bám trên thân.
“Lúc mới phát hiện khúc gỗ, tôi không nghĩ đó là gỗ sưa nên bỏ lăn lóc ngoài bờ vuông hơn hai năm trời. Sau đó, có người hỏi mua 15 triệu, nhưng tôi không bán. Tôi nghĩ chắc là gỗ quý nên đã thuê người đến điêu khắc thành tượng phật Di Lạc”, ông Phước nói.
Được biết, bức tượng gỗ này rất nặng (trên dưới 600kg). Nếu muốn di chuyển phải nhờ đến gần chục người khiêng. Khúc gỗ được ông Phước thuê người thợ chuyên về gỗ tên Đoàn, quê ở Nam Định điêu khắc với giá 30 triệu đồng.
Một điểm đặc biệt ở bức tượng này là khi trời nắng nóng, bức tượng chuyển màu nâu đỏ (như được tẩm dầu). Khi trời dịu mát thì bức tượng lại chuyển sang màu vàng nhạt.
Theo kinh nghiệm trên 35 năm găn bó với cây gỗ, ông H.D (quê Nam Định – hiện có một xưởng gỗ tại TP. Cà Mau) chia sẻ: “Cách nhận biết gỗ sưa không khó. Tôi khẳng định khúc gỗ của ông Phước là gỗ sưa. Khi tôi bắt đầu điêu khắc khúc gỗ này, tôi đã cạo sạch lớp bụi bẩn bên ngoài. Lúc đó, lõi cây xuất hiện màu đỏ, ngửi thì thấy có mùi hương trầm thơm ngát, rất dễ chịu. Khi tôi kêu anh Phước mang đi đốt thử thì miếng dăm gỗ ngún từ từ và tỏa hương thơm. Đến khi tro tàn thì có màu trắng ngà”.