Hành trình xuất ngoại đón Tết cổ truyền Bunpimay ở nước láng giềng
- 21:24 16-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đón chúng tôi tại cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), các cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, năm nay người Việt qua Lào đón Tết đông hơn mọi năm. Đặc biệt, lượng sinh viên Việt Nam theo các bạn du học sinh Lào tham gia khá nhiều. Các anh đã cố gắng hết sức để tạo điều kiện cho người Việt qua Lào thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà, giao lưu...
Chúng tôi có mặt trên đất nước Triệu Voi đúng vào ngày cuối cùng của năm cũ. Chị Hoa, một Việt Kiều làm ăn lâu năm ở Lào đón chúng tôi ở bản Thọong Pẹ, cách cửa khẩu Nậm Pao (Lào) chừng 15km. Đây là bản của người Mông thuộc huyện Khamkeut, tỉnh Bolikhamsai, sát biên giới nước ta.
Bunpimay là Tết cổ truyền của dân tộc Lào, diễn ra từ 14 đến 16/4 hằng năm. |
Già làng Xoong Dở, giờ là Chủ tịch Mặt trận của bản cho biết: "Thọong Pẹ giờ đây đã đổi thay nhiều lắm rồi. Dân đã bỏ sạch thuốc phiện để làm rẫy và trồng lúa nước là nhờ sự giúp đỡ của các anh bộ đội biên phòng Cầu Treo. Xoong Dở còn cho biết: "Không chỉ bỏ thuốc phiện, người Mông chúng tôi cũng nghe theo lời khuyên của bộ đội, giao nộp hết vũ khí, từ bỏ săn bắn, biết buôn bán làm ăn".
Từ Thọong Pẹ, nhờ sự dẫn đường của chị Hoa, chúng tôi đi tiếp khoảng 20km để đến thị trấn Laksao, trung tâm hành chính của huyện Khamkeut. Tại đây, một lãnh đạo công an huyện sở tại có tên là Văn (bạn thân của chị Hoa), đón tiếp chúng tôi rất chân tình.
Anh Văn trước là du học sinh ở Việt Nam, sau về làm tại Công an cửa khẩu Nậm Pao, nên anh nói tiếng Việt rất sành sỏi. Anh mới chuyển về làm lãnh đạo Công an huyện Khamkeut được ít năm. Gia đình Văn ở thủ đô, vợ là sĩ quan Công an Viêng Chăn, các con cũng đang học tập trên đó.
Thanh niên tổ chức vui Tết ở các khe suối. |
Sau cuộc trò chuyện, Văn mời cả đoàn chúng tôi về thủ đô Viêng Chăn ăn Tết cùng gia đình. Trên đường về, chúng tôi dừng chân ở Pak Kading. Đây là huyện lỵ của huyện Pakkading, nằm ngay ở cửa sông Kading đổ ra dòng MeKong huyền thoại. Nơi đây nổi tiếng với những món cá do người dân địa phương chế biến.
Chị Hoa cho hay, ngày Tết đã đến đây phải thưởng thức món lạp với xôi. Theo quan niệm người Lào, lạp có nghĩa là lộc. Lạp cá là xắt nhỏ cá tươi sau đó đem trộn với các loại gia vị bản địa. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu. Nếu món này trong ngày Tết mà ngon thì gia đình gặp nhiều điều may mắn, còn ngược lại sẽ gặp nhiều điềm xui.
Trong lúc chờ chế biến món ăn, đoàn chúng tôi vào chùa Pak Kading tham quan. Đây là ngôi chùa nhỏ có kiến trúc kiểu Champa. Chị Hoa cho hay, ở đây cứ mỗi bản, mỗi đơn vị hành chính đều có một ngôi chùa để người dân sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội. Chùa vào ngày cuối cùng trong năm thường đóng cửa để các tăng ni dọn dẹp, chuẩn bị đón năm mới.
Té nước ban sự may mắn, mát mẻ. |
Rời Pak Kading chúng tôi đến Viêng Chăn lúc 22h cùng ngày. Tết ở Lào chỉ có ca hát và nhảy múa, không lắm khẩu hiệu chúc mừng và trang trí sắc màu như ở ta. Cả chặng đường hơn 300km, thứ ấn tượng nhất với chúng tôi là việc người dân Lào ý thức chấp hành giao thông.
Sáng hôm sau, Văn và một số người bạn dẫn chúng tối đến một quán ăn của người Việt ở trung tâm Thủ đô Viêng Chăn. Ở đây, có đầy đủ các món ăn truyền thống của quê nhà. Quán không chỉ phục vụ riêng cho người Việt mà có rất nhiều thực khách Lào và Trung Quốc.
Sau khi ăn sáng, cà phê và tham quan chụp ảnh ở That Luang, chúng tôi kéo nhau về nhà Văn ăn Tết. Đây cũng là ngày gia đình của Văn tề tựu đông đủ nhất trong năm. Bố mẹ, anh chị của Văn rất phấn khởi và vui vẻ khi đón tiếp đoàn chúng tôi tại nhà.
Văn cho biết, gia đình mình có nhiều thành viên gắn bó thân thiết với Việt Nam. Ngoài Văn ra, bố của anh, hồi trẻ có thời gian ngắn công tác ở Việt Nam. Con gái Văn là du học sinh ở Đại học Y khoa Huế. Cậu con trai cũng đang học trường cảnh sát ở Hà Nội. Anh chị em của Văn đều là công chức, ai không biết tiếng Việt đều nói được tiếng Anh rất tốt.
Chủ nhà tự buộc vào cổ tay tất cả khách đến chúc Tết mỗi người một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. |
Vừa uống rượu, thưởng thức các món lạp với xôi, chúng tôi vừa hát, vừa nhảy múa lăm vông. Bố mẹ anh Văn là chủ nhà, tự họ buộc vào cổ tay tất cả chúng tôi mỗi người một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe.
Các thành viên còn lại trong gia đình anh Văn lấy nước khoát lên người chúng tôi. Họ nói rằng, té nước để cầu may, mang đến bình yên cho chúng tôi cả năm. Theo chị Hoa, lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết cho con người.
Chiều hôm đó, chúng tôi quay lại nghỉ đêm cuối cùng trong hành trình ở Pakxane trước khi về Việt Nam. Pakxane là một đô thị nằm ở miền Trung Lào, có biên giới với Thái Lan. Thị xã này cũng là tỉnh lỵ của tỉnh Bolikhamsai. Ở đây, chúng tôi lại tiếp tục hát hò, nhảy múa, giao lưu với người dân bản địa.
Giao lưu ở Pakxane. |
Chúng tôi rời đất nước xứ hoa Chăm Pa, đúng vào ngày nước Lào kết thúc mùa khô. Có thể vì vậy, khi chúng tôi đặt chân về đến cửa khẩu Cầu Treo, trời bất ngờ chuyển lạnh. Một người trong đoàn đã hình dung: “Đây có thể là đợt gió mùa đặc biệt, vươn sang tận nước bạn Lào để mang đến sự mát mẻ cho dân tộc anh em của chúng ta”.
Trong 3 ngày từ 14 đến 16/4 vừa qua, đoàn công tác của bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã có chuyến sang thăm chúc Tết Bunpimay nước bạn Lào. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng, đánh giá cao mối quan hệ thắt chặt tình đoàn kết giữa tỉnh Hà Tĩnh với các tỉnh nước bạn Lào. Ông mong muốn thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh nói chung và các lực lượng nói riêng tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp, để cùng nhau phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Cũng trong chuyến ghé thăm này, Đại tá Trần Ngọc Thanh, Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh đã có hoạt động chúc mừng năm mới các lực lượng vũ trang Lào; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Dũng chúc Tết các tỉnh kết nghĩa. |