Bầu Tú có nên rút bớt chức vụ ở VPF?
- 14:30 13-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Cuộc chiến" giữa bầu Tú (trái) và bầu Đức chưa có dấu hiệu lắng dịu, trước thềm bầu cử VFF. |
Bầu Đức từng tuyên bố sẽ bỏ bóng đá nếu ông Trần Anh Tú đắc cử chức phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF nhiệm kỳ VIII (2018-2022). Theo ông chủ của HAGL, việc bầu Tú ôm đồm nhiều công việc "có dấu hiệu của sự thao túng quyền lực".
Để hiểu rõ hơn đánh giá này, hãy xem kỹ những chức vụ mà ông Tú đang đảm nhiệm trong lĩnh vực bóng đá. Đầu tiên, đó là mảng futsal, nơi ông là Trưởng ban và để lại dấu ấn đậm nét nhất. Sau thành công lịch sử là dự World Cup 2016, futsal Việt Nam đang phát triển rực rỡ. Bên cạnh giải vô địch quốc gia với hai lượt trận mỗi năm, ông Tú còn khai sinh ra thêm Cup quốc gia và mới nhất, cùng một số doanh nhân khác thành lập giải đấu riêng có tên là VFL - thi đấu theo mô hình của giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam VBA. Nếu tính luôn việc đang quản lý các đội tuyển futsal quốc gia và ít nhất hai CLB thuộc sở hữu của mình là Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc, cũng dễ hiểu vì sao ông được gọi là “ông trùm futsal Việt Nam”.
Mảng chức vụ thứ hai xuất hiện sau khi ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VPF. Ông sau đó được chọn kiêm luôn chức danh Tổng giám đốc và công việc đầu tiên của ông là xóa sổ Ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp để thành lập Ban điều hành... do chính ông đứng đầu. Công ty VPF hiện tại không chỉ tổ chức V-League mà còn cả giải hạng Nhất và Cup Quốc gia.
Nếu đắc cử chức phó Chủ tịch tài chính, ông Tú sẽ quản lý toàn bộ khâu kiếm tiền của VFF. Theo kế hoạch, trong năm 2018, hệ thống các đội tuyển Việt Nam bao gồm từ lứa U16 trở lên (cả nam lẫn nữ) cần hơn 40 tỷ đồng để tập huấn và thi đấu. Lại là một công việc khổng lồ đang chờ ông Tú.
Việc một người có nhiều chức vụ trong cùng một lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình không có gì bất thường. Tuy nhiên, những chức vụ mà ông Tú đã và sẽ đảm nhiệm lại nằm ở các mảng hoạt động khác nhau, thậm chí là khác biệt. Chỉ tính riêng hai mảng futsal và công ty VPF thì hiện thời, ông quản lý trên dưới 50 CLB thành viên, đồng nghĩa cũng chừng đó công ty con kinh doanh bóng đá nhưng hai loại hình futsal và bóng đá sân cỏ lại khác xa nhau về tính chất cũng qui mô hoạt động.
Đó là chưa kể đến các công việc khác tại những công ty kinh doanh của ông. Lịch sử bóng đá Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều ông bầu rút lui chỉ vì bị ảnh hưởng đến công việc kinh doanh vốn liên quan đến hàng nghìn con người khác.
Một lý do nữa, có thể dẫn đến phản ứng mạnh của bầu Đức là trách nhiệm với tương lai cũng như vai trò của công ty VPF. Năm 2011, các ông bầu đang sở hữu nhiều CLB tại V-League đã “làm cách mạng” để cho ra đời công ty VPF với mục tiêu tự chủ cả về tài chính lẫn hoạt động so với VFF vốn điều hành rất yếu kém lúc bấy giờ. Lúc này, nếu ông Tú vừa làm lãnh đạo VFF kiêm luôn đứng đầu VPF thì chẳng khác gì cơ chế "vừa đá bóng vừa thổi còi" trước đây. Trong số những người đồng sáng lập công ty VPF cách đây 7 năm, bầu Đức và HAGL là những nhân chứng duy nhất còn sót lại.
Không ai phủ nhận bầu Tú đã để lại dấu ấn đặc biệt ở môn futsal. Cũng không phải vô cớ mà sáu trong bảy thành viên Hội đồng quản trị VPF vừa qua đều nhất trí để bầu Tú tiếp tục giữ chức Tổng giám đốc. Càng không thể vội vàng cho rằng ông sẽ thất bại. Mới đây, ông đã tìm được nhà tài trợ chính cho V-League 2018 dù chỉ nhậm chức một thời gian ngắn. Là một doanh nhân, ông có thể áp dụng những phương pháp quản trị mới, tạo ra những bộ phận giúp việc hiệu quả để đảm đương cùng lúc nhiều “vai”. Nhưng điều đó không đảm bảo cho việc ông sẽ thành công trong các cương vị mới tại VPF hay VFF. Cũng như trong kinh doanh, không phải công ty nào cũng thành công khi đầu tư đa ngành dù về bản chất công việc giống nhau.
Dù đúng hay sai thì những cảnh báo của bầu Đức với hơn 15 năm làm bóng đá cũng buộc nhiều người phải suy nghĩ. Ít nhất, nó cho thấy một thực tế buồn của bóng đá Việt Nam: Sau bao nhiêu năm làm bóng đá chuyên nghiệp, không chỉ sản sinh một cách nhỏ giọt những thế hệ bóng đá tài năng mà ngay cả những con người giỏi để quản lý bóng đá, chúng ta cũng thiếu. Việc bầu Tú từ chỗ tay ngang làm futsal, bây giờ cùng lúc nắm nhiều chức vụ quyền lực chính là kết quả của việc không có mấy ai được tín nhiệm.