Bay mất tỷ USD, Trịnh Văn Quyết rớt xuống vị trí số 3
- 13:42 13-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong phiên giao dịch 12/4, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros giảm 7.200 đồng (-6,7%) xuống 100.000 đồng/cp. Đây là phiên giảm mạnh thứ 6 trong tổng cộng 8 phiên giao dịch gần đây.
Trong 4 phiên gần nhất, cổ phiếu ROS của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đều giảm sàn hoặc sát sàn, tổng cộng rớt từ mức 132.000 đồng về tròn 100.000 đồng/cp.
Đây có thể là đợt giảm mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ khi lên sàn năm 2016.
Tính chung trong gần 6 tháng qua, cổ phiếu ROS đã giảm hơn 50%, từ đỉnh cao mọi thời đại gần 220.000 đồng/cp về 100.000 đồng/cp như hiện tại.
Túi tiền khổng lồ của ông Trịnh Văn Quyết - nằm chủ yếu ở cổ phiếu ROS - cũng đã bốc hơi ở mức gần tương ứng, mất khoảng một nửa, xuống chỉ còn gần 33 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD).
Như vậy sau phiên 12/4, tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã chính thức rớt hạng xuống vị trí thứ 3 (theo cách tính tài sản dựa trên tổng giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán) sau nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không VietJet.
|
Trước đó, cuối năm 2016, ông Trịnh Văn Quyết cũng đã đánh mất vị trí người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam (theo cách tính tài sản dựa trên tổng giá trị cổ phiếu niêm yết) sau hơn 1 đứng trên ông Phạm Nhật Vượng.
Mặc dù cổ phiếu giảm, nhưng ROS của ông Trịnh Văn Quyết vừa có báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 với lợi nhuận tăng 44%, vượt xa kế hoạch năm ĐHĐCĐ thường niên 2017 thông qua.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt gần 1.060 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 850 tỷ đồng, tăng tới hơn 80% so với năm 2016. Doanh thu cũng tăng mạnh khoảng 51%, lên gần 5,4 ngàn tỷ đồng. Faros dự kiến nâng vốn thêm 3.000 tỷ đồng trong năm 2018 và chi cổ tức 20%.
Ông Quyết là chủ tịch Tập đoàn FLC, người đã thâu tóm và đưa ROS từ một doanh nghiệp không mấy người biết đến trở thành một tên tuổi thu hút sự chú ý giới đầu tư chứng khoán. FLC Faros là một doanh nghiệp xây dựng và bất động có số dự án đang thi công rất lớn như Ngọc Vừng (Quảng Ninh), Cù Lao Xanh (Bình Định),...
Trên TTCK, hàng loạt cổ phiếu đã hồi phục trở lại giúp VN-Index lấy một lần nữa chinh phục được đỉnh cao thiết lập hồi năm 2007. Một số cổ phiếu trụ cột như Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang, HDBank (HDB) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, GAS,... tăng khá ấn tượng.
Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất trên TTCK Việt Nam với gần 196 ngàn tỷ đồng (8,6 tỷ USD), còn bà Thảo có gần 37,2 ngàn tỷ (1,6 tỷ USD) tính theo giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Còn theo cách tính của Forbes, tính tới 12/4, ông Vượng có 7 tỷ USD, thăng hạng lên thứ 244 trên thế giới. Bà Thảo tới 12/4 có 3,6 tỷ USD, xếp thứ 681 trên thế giới. Ông Trịnh Văn Quyết chưa được xếp hạng tại Forbes.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 12/4, VN-index tăng 5,91 điểm lên 1.173,02 điểm; HNX-Index tăng 1,89 điểm lên 135,63 điểm. Upcom-Index giảm 0,19 điểm xuống 59,67 điểm. Thanh khoản đạt 240 triệu cổ phần. Giá trị đạt 7,1 ngàn tỷ đồng.