Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hành động của chủ cơ sở mai táng khiến người phụ nữ bật khóc

Trong hơn 25 năm làm việc thiện, ông Giao đã từng giúp những người vô gia cư, bệnh nhi, sinh viên, nghệ sĩ, lao động nghèo... Dưới sự gợi ý của chúng tôi, ông bắt đầu kể những câu chuyện khiến ông nhớ mãi không quên...

Cái lạy của những người nghèo khó

Hôm ấy, ngày 26/8/2017, ông Giao nhận được tin chị H - một phụ nữ đơn thân (ở phường 2, Bình Thạnh, TP.HCM) - sống trong căn gác mục. Căn gác bị sụp khiến chị rơi xuống đất và tử vong.

 Ông Nguyễn Văn Giao.

"Khi tôi đến, người nhà khóc lóc kể với tôi, một cơ sở mai táng đã ra giá 25 triệu đồng để tổ chức hoàn tất đám tang.

Gia đình họ rất nghèo. Mới tháng trước, người em trai qua đời buộc cả gia đình phải dồn chi phí để lo mai táng. Căn nhà vừa nhỏ vừa mục nát cũng đã bán chờ ngày giao mới nhận tiền", ông Giao kể.

Chủ cơ sở mai táng nói tiếp: "Tôi nhìn 3 chị em đang sụt sùi lo tang cho chị mà xót xa trong lòng. Tôi nói, tôi sẽ lo hết trọn gói từ hòm đến xe đến cả phí hỏa táng. Gia đình chỉ phải trả một số tiền tượng trưng 5 triệu đồng.

Mấy chị em họ mừng lắm. Trước lúc đi hỏa thiêu người xấu số, tôi thấy 3 chị em cầm trên tay nhang, hoa, đồ cúng... Người nào nét mặt cũng căng thẳng.

Các chị cho biết, họ chia ra mỗi người đi vay 2 triệu đồng, tổng cộng là 6 triệu. Họ dùng 5 triệu đồng trả chi phí mai táng còn 1 triệu đồng mua đồ cúng. Nghe đến đây, tôi sững sờ. Tôi quyết định: "Các chị sẽ không phải trả tiền. Tôi giúp các chị mà không lấy một đồng nào hết".

Nghe đến đây, cả ba người ngơ ngác một lúc rồi không ai bảo ai quỳ xuống lạy tôi, vừa khóc vừa nói lời cám ơn. Giờ thì đến phiên tôi ngơ ngác. Làm từ thiện chưa bao giờ tôi gặp cảnh này.

Tôi đứng dậy tránh sang một bên không nhận những cái vái lạy của họ. Một chị bày tỏ: "Không có anh không biết chị tôi sẽ ra sao đây? Ơn của anh chúng tôi không bao giờ quên được...".

 Nguyễn Trọng Đức, con trai ông Giao

"5 triệu đồng không lớn. Thế nhưng 5 triệu với những người cùng khổ là một cả một gia tài đồ sộ. Còn nhiều hoàn cảnh thương tâm lắm...", ông Giao nói.

Câu chuyện ông kể dưới đây xảy ra ở Cần Đước (Long An) vào tháng 4/2017. Người xấu số là đàn ông ngoài 60 tuổi, chết trong căn nhà trọ. Ông đang ở chung với người chị. Nếu biết có người chết trong nhà chắc chắn chủ nhà sẽ không cho người chị ấy ở...

Cuộc tháo chạy ngoạn mục

"Tôi nhận được điện từ một nữ tu ở nhà thờ Tân Định. Vị này cho biết có trường hợp như trên và đề nghị tôi giúp đỡ.

Tôi tính toán, nếu chở quan tài xuống liệm ngay trong nhà trọ thì không được. Tôi đành phải thuê một xe cứu thương đến chở đi và ngụy trang như chở người bệnh đến bệnh viện.

Như một cuộc tháo chạy, chúng tôi đưa người chết lên xe cấp cứu chạy thẳng về nhà thờ Tân Định. Đi được hơn nửa đường, có điện thoại. Vị nữ tu cho biết cha xứ chỉ cho quàn, không cho liệm trong nhà thờ. Giờ phải làm sao?".

 Cơ sở đóng hòm tại quận 12, TP.HCM.

Kể đến đây, ông Giao ngưng lại. Trầm ngâm một lát, ông nói: "Không nhờ mấy anh em bên nhà xác bệnh viện nhân dân Gia Định, tôi cũng không biết làm sao. Các anh ấy biết chúng tôi làm từ thiện đã cho để nhờ và cùng nhau đóng góp, chung tay tẩm liệm người chết.

Sau đó, chúng tôi đưa quan tài về nhà thờ để lại một đêm sáng hôm sau đưa đi hỏa táng. Gia đình người chết rất nghèo đã nhờ đến nhà thờ và nhà thờ gọi chúng tôi. Xong việc, dù không lấy tiền nhưng các anh em trong nhóm đều thấy nhẹ nhõm trong lòng".

Người nghèo ai cũng thương nhưng không ít trường hợp đã lợi dụng, giả danh người nghèo để lừa ông Giao. Ông kể tiếp: "Lần nọ, một bệnh nhân với cục bướu máu to trên trán đến gặp chúng tôi bày tỏ nhờ giúp đỡ để phẫu thuật. Tôi biếu người này 1 triệu đồng rồi gọi xe ôm đưa đến bệnh viện. Trước khi đi tôi có dặn anh xe ôm đưa anh ta vào khám, xét nghiệm kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật. Đến bệnh viện, bệnh nhân bảo anh xe ôm ngồi chờ để vào khám nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu. Anh ta ôm 1 triệu rồi biến mất.

Một lần khác, một phụ nữ với bộ mặt thảm thiết đến xin tôi: "Chú cho con vài trăm nghìn con mua bộ đồ liệm cho cháu. Cháu đang ở nhà xác bệnh viện Nhi Đồng". Tôi đưa 300 nghìn đồng, chị ta cầm rồi đi ngay. Linh tính mách bảo, tôi đến nhà xác bệnh viện Nhi Đồng 1 không có, đến Nhi Đồng 2 cũng không có. Thì ra đây là một trò lừa gạt...".

Ông Giao cho biết thêm, vợ ông mấy chục năm nay có quầy bán các loại mắm ở chợ Thái Bình. Người con gái lớn lấy chồng ở riêng. Con trai là kỹ sư viễn thông. Cậu con trai kế, Nguyễn Trọng Đức có tay nghề đầu bếp khá vững nhưng đã bỏ nghề theo cha. Chàng trai cười nhỏ nhẹ chia sẻ: "Ba con già rồi. Công việc từ thiện thì biết làm đến bao giờ mới hết. Con nghĩ mình nên phụ ba một tay".

Ông Giao cũng nói thêm: "Nhà tôi không có gánh nặng gia đình nên chia sẻ cho bà con khốn khổ một phần nào thu nhập cũng là điều nên làm. Tôi cũng mong các con tôi noi gương cha, giúp bà con vơi đi nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống".

"Trước khi ra về, Đức có dặn chúng tôi: "Có rất nhiều người cơ nhỡ cần sự giúp đỡ nhưng không biết tìm ai, gọi cho ai. Chú có viết bài ghi số điện thoại của con 0973.273239 để bà con biết mà gọi. Nhận được điện thoại con và ba sẽ đến gặp họ ngay để có hướng giúp đỡ".