'Dân chung cư tháo chạy tán loạn vì cụ bà mải xem ti vi'
- 13:23 05-04-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian gần đây, những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra khiến các rất nhiều người sống tại chung cư lo lắng. Nhiều người cho rằng, bên cạnh câu chuyện về hệ thống phòng cháy chữa cháy, thì ý thức của cư dân và bảo vệ tòa nhà là điều đáng quan ngại.
Anh Nguyễn Bắc Bình, cư dân tại tổ hợp chung cư nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, rất nhiều người dân ở chung cư anh có thói quen ra hành lang, ban công hút thuốc. Sau đó, họ ném thẳng những mẩu thuốc còn đang đỏ lửa xuống tầng dưới.
“Nhiều cư dân nơi tôi ở đã phản ánh vì quần áo của họ bị tàn thuốc rơi xuống làm cháy, thủng. Tôi cũng rất bức xúc vì có lần, một tàn thuốc vẫn còn đỏ lửa rơi thẳng xuống thùng carton đựng giấy báo của gia đình tôi.
Tôi nghĩ, nếu hôm đó tôi không ở nhà, tàn thuốc đó có thể sẽ gây ra một vụ hỏa hoạn với hậu quả khó lường”, anh Bình nói.
Ảnh trên điễn đàn dân cư ở Linh Đàm, Hà Nội. |
Bên cạnh đó, anh Bình còn cho biết, một số người ở khu này còn có thói quen hàn xì, làm tấm lưới bảo vệ ở ban công. Trong quá trình thực hiện, họ không hề có biện pháp che chắn bảo vệ khiến những tia lửa rơi tứ tung.
“Những lần hàn xì đó chưa từng gây ra hậu quả ngoài một lần khiến chuông báo cháy kêu và người dân phải tháo chạy tán loạn giữa trưa. Tuy nhiên theo tôi, đây cũng là vấn đề cần được tuyên truyền để người dân cẩn trọng hơn”, anh Bình nói.
Anh Bình cho biết, tại nơi anh ở, chỉ tính riêng nửa cuối năm 2017, chuông báo cháy đã kêu 7 lần. Trong đó, 3 lần là do người dân nấu ăn, sau đó quên không tắt bếp.
“Trong 3 lần đó, có tới 2 lần là do các cụ ở nhà kho cá sau đó vừa xem ti vi vừa dỗ cháu ăn. Cá cháy bốc khói khét lẹt khiến chuông báo cháy kêu ầm ĩ.
Điều đáng lo là khi chuông báo cháy kêu, các cụ vẫn mải xem ti vi. Đến khi hàng xóm gọi cửa thông báo, họ mới tá hỏa chạy đi tắt bếp”, anh Bình chia sẻ.
Chữa cháy ở chung cư trên địa bàn Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Đăng Hải |
Đồng quan điểm với anh Bình, chị Lệ - cư dân tại chung cư trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội), cũng từng hốt hoảng vì một đám cháy xảy ra vào cuối năm 2017. Nguyên nhân là do chủ nhà nấu ăn nhưng quên không tắt bếp.
“Người chủ này không tắt bếp trước khi khóa cửa ra khỏi nhà. Hậu quả rất nhiều đồ đạc trong nhà của người hàng xóm này đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Tường nhà đen kịt vì ám khói. Những người dân trong tòa nhà thì được phen hoảng hốt tháo chạy vì chuông báo cháy kêu ầm ĩ. Rất may là hệ thống chữa cháy tự động phun nước khắp hành lang”, chị Lệ nói.
Vẫn theo lời chị Lệ, nhờ hệ thống phòng cháy chữa cháy trong tòa nhà hoạt động tốt nên đám cháy không gây hậu quả nặng nề. Tuy nhiên từ đám cháy đó, nhiều người dân sống ở chung cư cho biết, họ cảm thấy rất bất an vì cuộc sống của mình có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào chỉ vì phút đãng trí của hàng xóm.
Chưa hết, theo lời chị Lệ, một số cư dân ở chung cư chị đang sống còn thiếu ý thức đến mức vô tư hóa vàng mã ngay ban công của căn hộ dù chủ đầu tư đã cho xây dựng nơi hóa vàng ngay dưới sân tòa nhà.
Ngọn lửa xuất hiện ở tầng hầm chung cư phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội khiến nhiều người dân hốt hoảng. Ảnh: Thanh Tùng |
Chị Tùng Chi, cư dân tại tổ hợp chung cư nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), lại bức xúc vì ý thức phòng cháy chưa tốt của những bảo vệ tòa nhà.
Chị Chi cho biết, rất nhiều lần, chị bắt gặp bảo vệ tòa nhà hút thuốc lá, thuốc lào ngay trong tầng hầm chung cư.
“Vị bảo vệ này chuyên trông coi khu vực tầng hầm. Trừ những lúc đi vòng quanh xem xét, còn lại, ông ta ngồi ngồi 1 chỗ, ngay cạnh chỗ để xe máy, ô tô rồi vô tư hút thuốc. Có lúc ông ta hút thuốc lá, lại có lúc ông ta hút thuốc lào. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng ông ấy không hề rút kinh nghiệm" chị Chi bức xúc nói.
Chị Chi cho rằng, trong vấn đề phòng cháy chữa cháy ở chung cư, ngoài trách nhiệm xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt chuẩn thì ý thức của người dân cũng là vấn đề rất quan trọng.
“Nếu ai cũng có ý thức trong việc phòng cháy, chữa cháy thì bà hỏa sẽ khó ghé thăm và những vụ việc đau lòng sẽ không xảy ra”, chị Chi nói.