Giáo viên im lặng 4 tháng trên bục giảng: Bạo hành học sinh kiểu mới?
- 10:00 31-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên tục trong thời gian qua, ngành giáo dục đã xảy ra nhiều sự việc khiến nhà quản lý đau đầu, các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng, gây tâm lý bất an với các em học sinh. Vụ việc nữ giáo viên B.T.T.N - Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An bị phụ huynh bắt phải quỳ 40 phút xin lỗi chưa lắng xuống, mới đây dư luận Nghệ An lại rộ lên vụ việc nữ giáo viên thực tập ở Nghệ An bị phụ huynh bắt quỳ và dùng bạo lực khiến nữ giáo viên này có nguy cơ sảy thai – là những minh chứng báo động vấn đề ứng xử và mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên đang bị xuống cấp trầm trọng.
Mới đây, một sự việc đang thu hút sự chú ý của dư luận khi tại một buổi đối thoại công khai với lãnh đạo ngành giáo dục TP HCM tổ chức ở trường THPT Long Thới, một học sinh đã bật khóc, tỏ ra lo lắng, sợ hãi khi trình bày việc nữ giáo viên dạy toán – Trần Thị Minh Châu suốt 4 tháng không nói một lời nào trong giờ giảng dạy đã khiến dư luận khó hiểu và bàng hoàng trước kiểu giảng dạy có một không hai này. Và tất nhiên, với kiểu giảng dạy “quái lạ” nhất thế giới này, các bậc phụ huynh đã tỏ ra vô cùng lo lắng cho con em của mình khi theo học, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm sinh lý học sinh.
Học sinh bật khóc tố cô giáo im lặng khi giảng dạy suốt 4 tháng qua. Ảnh: Người lao động. |
Nguyên nhân dẫn đến việc nữ giáo viên Trần Thị Minh Châu im lặng khi lên lớp suốt 4 tháng ròng rã được cô này tiết lộ trong bản tường trình liên quan đến việc có học sinh dọa ghi âm lại những lời cô giáo giảng dạy với mục đích khác.
Phương pháp giảng dạy bằng cách im lặng, chỉ viết bài lên bảng và không nói gì thêm của một giáo viên bình thường, không bị khuyết tật giọng nói rõ ràng là sự bất thường, kỳ cục. Cùng với đó, suốt 4 tháng trời, Ban giám hiệu nhà trường không hề hay biết nữ giáo viên áp dụng phương pháp kỳ lạ này trong giảng dạy cũng khiến dư luận đặt nhiều hoài nghi trong buông lỏng công tác quản lý. Bởi ở bất cứ nhà trường nào cũng đều áp dụng phương pháp dự giờ của Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên đồng nghiệp để đánh giá xếp loại giáo viên, để giáo viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. Vậy mà suốt 4 tháng qua, việc giảng dạy của cô giáo này tại lớp 11A1 không có hoạt động dự giờ nào diễn ra.
Nếu như học sinh không mang tâm trạng đè nén, không chịu nổi sự bức xúc, ấm ức trong suốt thời gian qua, dũng cảm bộc bạch những suy nghĩ ngây thơ trong cuộc đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục thành phố thì sự việc trên tiếp tục tiếp diễn và tất nhiên, hàng chục học sinh trong lớp 11A1 lại tiếp tục bị bạo hành tâm lý với các giảng dạy phản giáo dục này.
Điều đáng ngẫm, theo một tờ báo từ đăng tải, trước khi giảng dạy tại THPT Long Thới, nữ giáo viên Trần Thị Minh Châu đã từng giảng dạy tại trường Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM). Thời điểm dạy tại trường này (năm 2011), chính nữ giáo viên này cũng khiến học sinh khiếp sợ và phụ huynh lo lắng khi dùng những lời lẽ phản cảm trên bục giảng, xúc phạm học sinh, tạo mối quan hệ căng thẳng với phụ huynh và đồng nghiệp, bắt học sinh chép phạt quá nhiều. Do vậy, trong vụ việc diễn biến mới này, ngành giáo dục thành phố HCM và Ban giám hiệu nhà trường cần làm rõ việc, có hay không giáo viên này “ngựa quen đường cũ” đến mức học sinh phải dọa sẽ ghi âm lại những lời cô giáo nói?
Nếu chỉ vì học sinh dọa ghi âm, mà cô giáo sử dụng phương pháp giảng dạy phản giáo dục khi giảng dạy chỉ viết lên bảng mà không nói lời nào, rõ ràng bộc lộ sự yếu kém trong cách ứng xử của giáo viên trước học sinh. Một cô giáo mà cố chấp những lời học sinh nói sao khiến học sinh phục mà theo học. Bởi chỉ vì chấp nhặt câu nói của một học sinh, một nhóm học sinh, cô giáo đã làm ảnh hưởng đến cả một lớp học. Một giáo viên giảng dạy mà không nói chỉ viết lên bảng sẽ làm giảm sự tiếp thu kiến thức của học sinh, tạo cho các em tâm lý ức chế, tạo không khí căng thẳng trong lớp học rõ ràng là việc làm đáng nên án và cần phải xử lý nghiêm cách giảng dạy phản giáo dục này.
Qua vụ việc này, không chỉ nữ giáo viên áp dụng phương pháp giáo dục sai, phản giáo dục mà còn bộc lộ một vấn đề ít ai có thể ngờ đến. Đó là việc ứng xử thầy – trò đang xuống cấp trầm trọng trong môi trường học đường. Những sai trái trong ứng xử giữa phụ huynh và giáo viên đã không thể chấp nhận được, những sai trái trong ứng xử thầy – trò càng phải đáng lên án. Bởi nó làm ảnh hưởng đến truyền thống “tôn sư học đạo”, làm mất hình ảnh của người thầy trong mắt các học sinh, gieo rắc vào tâm hồn mỗi học sinh về một môi trường giáo dục không lành mạnh khi người giáo viên coi những em học sinh như những kẻ đối nghịch để áp dụng phương pháp đối phó như nữ giáo viên tại trường THPT Long Thới.
Vụ việc trên cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của chính những thầy cô giáo trong lối ứng xử với các em học sinh và rất cần những biện pháp mạnh của nhà chức trách quản lý giáo dục để ngăn chặn những sự việc tương tự trên, trả lại một môi trường học đường an toàn, thân thiện, cô giáo như mẹ hiền.