Người Việt ăn quá mặn: 1 gói mỳ tôm thừa muối cả ngày
- 15:19 27-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại hội thảo truyền thông vận động giảm muối sáng nay ở Hà Nội, TS Jun Nakagawa, Phó trưởng đại diện WHO tại VN cho biết, người Việt đang sử dụng gần gấp đôi lượng muối khuyến cáo. Hiện 1 người trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối/ngày, trong khi khuyến cáo của WHO là dưới 5g/ngày.
Những năm qua, 19 quốc gia đã giảm muối trong ít nhất 1 sản phẩm, chủ yếu là bánh mì. 11 quốc gia báo cáo giảm muối trong thịt chế biến, bơ, các loại ngũ cốc ăn sáng, nước sốt và các bữa ăn làm sẵn.
TS Jun Nakagawa (áo đen) |
Những nước châu Á nổi tiếng ăn mặn trong 1 thập kỷ qua cũng đã nỗ lực giảm muối, đơn cử như Trung Quốc, giảm được gần 30% lượng muối tiêu thụ, Nhật Bản giảm 23%, Hàn Quốc giảm 14%.
Ông Nakagawa cho rằng Việt Nam nên xây dựng các khuyến nghị về lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm phổ biến như mỳ ăn liền, xúc xích...
PGS.TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dù ăn nhiều muối song khi được hỏi, chỉ có 16% người dân thừa nhận bản thân ăn mặn, trong khi thực tế hơn 90% người dân ăn quá 5g muối/ngày, 20% thường xuyên ăn các món có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, pho mát, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...).
BS Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng cung cấp thêm, nghiên cứu tại TP.HCM cũng cho thấy, 73% gia đình dùng mì ăn liền, 37% sử dụng thức ăn đóng hộp, 31% có ăn xúc xích...
Mỳ tôm là loại thực phẩm chứa rất nhiều muối |
Trong khi đó, một gói mì ăn liền trung bình chứa 4,2g muối, tương ứng 5-7g muối trong mỗi 100g sản phẩm. Trong 100g xúc xích cũng có 1,5-2,3g muối. Do đó, nếu mỗi ngày chỉ ăn 1 gói mỳ tôm cộng thêm ăn các thực phẩm khác thì sẽ vượt quá lượng muối khuyến cáo.
Theo BS Bảo, ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Huyết áp lý tưởng là 100/60 mmHg, trong khi hầu hết người Việt đều trên 110/70 mmHg.
Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Bằng chứng, tỉ lệ tăng huyết áp tại Việt Nam liên tục tăng trong vài thập kỷ qua, từ mức 1% năm 1960 lên 11,2% năm 1992 và năm 2015, tỉ lệ này là 18,9% dân số, tương đương 12 triệu người.
Hiện tại cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc cao huyết áp và cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do tim mạch. Năm 2011, cả nước cũng ghi nhận hơn 112.000 ca tử vong do tai biến mạch máu não, chiếm gần 22% tổng số ca tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo, để giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe, người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, mức tiêu thụ muối ăn trung bình của người trưởng thành sẽ giảm xuống còn dưới 7g/ngày.